9 nhiệm vụ, 5 giải pháp bao quát vấn đề giáo dục 'nóng' trong nhiều năm

Đồng tình với 9 nhóm nhiệm vụ, 5 giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục; cho rằng những nhiệm vụ, giải pháp này đã bao quát hầu hết vấn đề nóng của ngành không chỉ trong năm học tới mà trong nhiều năm nữa.

Các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đã có những ý kiến đóng góp, phân tích làm sâu sắc thêm cho nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của ngành.

GS.TS Nguyễn Đức Chính - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội: Những nhiệm vụ đưa ra rất "trúng"

Tôi cho rằng, 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp thực hiện trong năm học 2017 - 2018 của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đã bao quát hầu hết những vấn đề nóng của ngành giáo dục trong nhiều năm nữa.

Tôi không đi sâu nhận xét về những vấn đề vĩ mô…, mà xin chia sẻ quan điểm cá nhân về những vấn đề mà tôi cho là rất bức thiết.

Theo đó, thứ nhất, cần hoàn thiện càng sớm càng tốt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, làm cơ sở xây dựng chương trình bậc học và môn học, viết sách giáo khoa.

Tiếp sau là đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí các cấp như Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT. Đây là một trong 9 nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao. Hi vọng, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, vì trên thực tế, để đào tạo lại đội ngũ giáo viên quen với cách dạy truyền thụ kiến thức thành giáo viên dạy cách rèn luyện năng lực cho học sinh là việc làm rất khó; có đội ngũ cán bộ quản lý Sở, phòng GD&ĐT quen việc quản lí nhà trường hơn quản lí nhà nước, lại còn khó hơn.

Nhiệm vụ đổi mới khảo thí và kiểm định chất lượng cũng rất trúng. Vấn đề không phải chỉ đổi mới khâu khảo thí mà cần đổi mới khâu đánh giá trong dạy học cho giáo viên.Giáo viên chỉ quen đánh giá kết quả học tập chứ không biết đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh theo hướng hình thành năng lực.

Tôi có một đề nghị là phải đổi mới các tiêu chí đánh giá các trường. Không nên đánh giá theo tỉ lệ học sinh giỏi, khá mà nên đánh giá trên cơ sở giúp học sinh tiến bộ. Đầu năm khảo sát, đánh giá trình độ học sinh và cuối năm đánh giá xem có bao nhiêu học sinh từ kém lên trung bình, bao nhiêu từ trung bình lên khá...

Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang: Sự cụ thể, trọng tâm của các nhiệm vụ, giải pháp giúp địa phương chủ động hơn

Về cơ bản, 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp thực hiện mà Bộ trưởng nêu ra trên cơ sở kế thừa, rút kinh nghiệm, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện để hoàn thiện, đi vào chiều sâu các nhóm nhiệm vụ và giải pháp của năm học 2016-2017.

Trong đó, nội dung của từng nhiệm vụ và giải pháp của năm học 2017-2018 được Bộ trưởng định hướng khá cụ thể, có trọng tâm trọng điểm, trong từng nhiệm vụ và giải pháp có phân công trách nhiệm rõ ràng nội dung nào thuộc trách nhiệm của Bộ, nội dung nào thuộc trách nhiệm của các địa phương.

Điều này giúp cho các địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn và nguồn lực của địa phương mình, tiêu biểu một số nội dung trọng tâm và giải pháp sau:

Về rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học: trọng tâm chỉ đạo của Bộ trưởng là khắc phục tình trạng quá tải, lớp quá đông đối với khu vực thành phố, nội đô, đây là tình hình thực tế của nhiều địa phương trong nhiều năm chưa khắc phục. Có lộ trình để sắp xếp các điểm trường lẻ về điểm trường chính đối với miền núi khó khăn, gắn với tiêu chuẩn của nông thôn mới;

Đặc biệt đối với giáo dục Mầm non, việc sáp nhập, dồn dịch các trường học phải đảm bảo yếu tố nhân văn, trẻ được ở gần bố mẹ chứ không dồn trường một cách cơ học. Còn việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, mua sắm thiết bị dạy học đối với cấp Tiểu học, THCS gắn với quy hoạch, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, trọng tâm là quy hoạch phải gắn với đổi mới chương trình- sách giáo khoa sắp tới.

Về phân luồng và định hướng nghề nghiệp, được Bộ trưởng đề cập và cho rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, lưu ý các tỉnh phải chú trọng bố trí số lượng giáo viên nghiêm túc thực hiện, chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm, việc hướng dẫn phân luồng, trải nghiệm phải làm tốt để học sinh định hướng nghề nghiệp, tạo tâm lý bình đẳng giữa đại học, nghề nghiệp.

Do vậy, trong định hướng giải pháp Bộ trưởng có nêu cần đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng đi vào chiều sâu và tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Về công tác giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năm học 2017 – 2018 sẽ là tâm điểm thực hiện Nghị định tự chủ trong nhà trường, nhất là tự chủ về nghiệp vụ, trong đó có tự chủ về nhân lực, tài chính. Vì vậy, một trong những giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra nhằm đảm bảo để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tâm đó là việc rà soát, điều chỉnh những văn bản nào còn nhưng chưa hợp lý, trái quy định, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, tăng cường bồi dưỡng cán bộ.

Căn cứ vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp mà Bộ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới Sở GD&ĐT An Giang sẽ chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể và nghiêm túc thực hiện mà trước hết là quán triệt trong Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018 sắp tới.

Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể của từng ngành học, cấp học sẽ do các phòng chuyên môn tham mưu đề xuất, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ trưởng, phù hợp với thực tiễn và nguồn lực của An Giang.

Đồng thời để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nêu trên, Sở cũng sẽ tích cực tham mưu với UBND và Hội đồng nhân dân tỉnh, phối hợp với ngành có liên quan của địa phương để có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp): Tâm đắc nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý

Tôi đã đọc kỹ Kết luận của Bộ trưởng về Phương hướng, nhiệm vụ năm học mới, về 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp thực hiện trong năm học 2017 - 2018. Là cán bộ quản lý ở cơ sở, tôi xin tâm đắc đến các nội dung sau:

Về phương hướng, nhiệm vụ năm học mới: Đây sẽ là năm học tập trung vào kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống; thầy ra thầy, trò ra trò, hạn chế cao nhất hiện tượng học sinh đánh nhau, không tuân thủ pháp luật; giáo viên cán bộ quản lý tăng kỷ cương công vụ, lấy kỷ cương nề nếp là sức mạnh, tạo nên chất lượng giáo dục.

Đây không là nội dung mới nhưng phải được đặc biệt lưu tâm bởi nền tảng kỷ cương là “chìa khóa” để thực hiện các nội dung giáo dục. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào giữ được nề nếp dạy học tốt nơi đó chất lượng sẽ duy trì tốt.

Việc đẩy mạnh việc thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh: Năng lực thực hành, kỹ năng sống, kỹ năng mềm đang là những yếu điểm của học sinh phổ thông hiện nay. Chương trình phổ thông tổng thể đã quan tâm sâu đến các nội dung giáo dục này. Vì thế năm học mới 2017-2018 sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện các nội dung giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống và năng lực thực hành cho học sinh phổ thông.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm, tôi rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Không yếu tố nào khác hơn mà CBQL và GV sẽ quyết định hàng đầu đến chất lượng giáo dục.

Có thầy giỏi sẽ có trò giỏi. Vì thế, ngành giáo dục cần ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua nhiều hình thức phù hợp như: tuyển chọn đúng người, đào tạo bài bản, bồi dưỡng có chất lượng, đánh giá đúng năng lực, xếp hạng định kỳ dựa trên hiệu quả, có chế độ khen thưởng và đãi ngộ hợp lý…

Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình, và nhất là cần có hệ thống văn bản hướng dẫn chỉ đạo hợp lý.

Về các giải pháp, tôi đặc biệt quan tâm đến giải pháp pháp chế. Hiện nay có rất nhiều văn bản liên quan đến ngành giáo dục, khó nhớ. Thực tế, Không chỉ nhiều giáo viên mà còn không ít cán bộ quản lý lúng túng.

Gần đây, Bộ GD&ĐT đã thực hiện hợp nhất nhiều văn bản giúp cho việc nghiên cứu, vận dụng dễ dàng hơn. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần rà soát thay đổi hẳn các văn bản đã lạc hậu, đồng thời hợp nhất những văn bản có nội dung tương đồng. Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn càng ngắn gọn, càng súc tích thì càng dễ nhớ, dễ thực hiện và hiệu lực càng cao.

Ngày 15/7, kết luận tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp tục đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp thực hiện trong năm học 2017 – 2018 của giáo dục Mầm non và giáo dục Phổ thông.

9 nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục đưa ra là: rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý Về nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục; nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực; phân luồng và định hướng nghề nghiệp,

Các giải pháp gồm: Giải pháp pháp chế; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/9-nhiem-vu-5-giai-phap-bao-quat-van-de-giao-duc-nong-trong-nhieu-nam-3544304-v.html