90% dân số thế giới đang thở bằng không khí ô nhiễm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người thì có đến 9 người đang hít thở bầu không khí ô nhiễm. Hơn 7 triệu ca tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí, trong đó các quốc gia ở Châu Á và Châu Phi chiếm 90%. Nhiều nơi trên thế giới đã nâng mức cảnh báo lên nguy hiểm về ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí được đo bằng chỉ số PM (chỉ kích thước và mật độ những hạt trôi nổi trong không khí). PM được chia thành hai nhóm: PM10 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet) và PM2.5 (là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet). Chỉ số PM2.5 là mật độ số hạt PM2.5 có trong 1 mét khối không khí, mức tiêu chuẩn và an toàn là 10, tức là 10 hạt trong 1 mét khối không khí, chỉ số này càng lên cao thì mức độ ô nhiễm không khí càng nguy hiểm.

Thủ đô New Delhi chìm trong khói mù. Ảnh: AFP

Theo Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, tình trạng ô nhiễm không khí đang đe dọa đến cuộc sống của tất cả chúng ta. Trong đó người nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hít thở không khí ô nhiễm có thể dẫn đến các bệnh như tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi.Ngoài ra, tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao trong thai kỳ sẽ liên quan đến sảy thai cũng như sinh non, rối loạn phổ tự kỷ và hen suyễn ở trẻ em.

Theo cuộc khảo sát của WHO được thực hiện vào hồi tháng 5 vừa qua, New Delhi (Ấn Độ) là thành phố lớn ô nhiễm không khí nhất thế giới. Xếp sau lần lượt là các siêu đô thị: Cairo, Dhaka, Bangladesh, Mumbai đều của Ấn Độ và Bắc Kinh (Trung Quốc). Bà Maria Neira, giám đốc phụ trách vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng của Who cho biết: “Nhiều siêu đô thị trên thế giới đã vượt quá mức độ cảnh báo về chất lượng không khí hơn năm lần”.

New Delhi (Ấn Độ)

Theo Who, Ấn Độ có 14 trong tổng số 15 thành phố ô nhiễm không khí hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm, tình trạngkhói mù đã khiến hơn 1 triệu người tử vong tại Ấn Độ, trong đó thủ đô New Delhi là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nhất trong số các thành phố lớn trên thế giới. Cứ vào tháng 11 hàng năm, hơn 29 triệu người dân sống tại New Delhi lại phải đương đầu với cuộc chiến khói mù bao phủ khắp thành phố.

Người dân New Delhi sử dụng khẩu trang để tránh tác hại của khói mù. Ảnh: Getty Images

Đêm 7/11 vừa qua hàng trăm người dân thành phố Delhi đã đốt pháo hoa để chào đón lễ Di-wali –một trong những lễ hội lớn của người Hindu. Khói từ pháo hoa cộng với khí thải từ phương tiện giao thông, nhà máy, bụi xây dựng và khói đốt rơm rạ đã khiến chỉ số PM2.5 ở Delhi thường cao gấp 30

Tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội vào nhiều thời điểm đã ngang ngửa thủ đô khói bụi Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo báo cáo của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), cả năm 2017, thủ đô Hà Nội chỉ có đúng 38 ngày có không khí sạch. Nguyên nhân chủ yếu là do việc mọc lên các công trường xây dựng, lượng xe ô tô và xe máy gia tăng và việc thiêu đốt phế phẩm nông nghiệp ngoài trời.

lần ngưỡng an toàn. Các cơ sở y tế và bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân trong tình trạng khó thở, cay mắt và nhức đầu. Các bác sĩ cho biết, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương do không khí ô nhiễm vì chúng hít thở nhanh hơn người lớn. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em mới sinh ở New Delhi đang phải tiếp nhận lượng ô nhiễm không khí tương đương với việc hút 25 điếu thuốc lá ngay trong ngày đầu tiên các em chào đời. Theo dự báo, mức độ ô nhiễm tại thành phố này sẽ không giảm cho đến khoảng cuối tháng 2/2019.

Mặc dù các nỗ lực của chính quyền nhằm giải quyết tình trạng khói mù vẫn được áp dụng mỗi khi mùa đông đến như: đóng cửa nhà máy điện đốt than cuối cùng ở Delhi, cấm sử dụng một số nhiên liệu công nghiệp nhất định trong thành phố hay tạm dừng cho tất cả các hoạt động xây dựng và lệnh cấm xe tải…nhưng có vẻ như chúng đều không hiệu quả. Đặc biệt gốc rễ của vấn đề là xử lý tình trạng nông dân đốt rơm rạ ở vùng ngoại ô New Delhi vẫn chưa có tiến triển.

Các nông dân cho biết, ngoài việc đốt thì không có cách xử lý rơm rạ nào khác Việc đốt đồng để làm sạch nương rẫy trước khi gieo trồng vụ mới cần phải được thực hiệnvà đây cũng là nghi thức thường niên. Bên cạnh đó, Chính quyền Ấn Độ cũng không quyết liệt trong việc ban hành lệnh cấm sử dụng pháo hoa do tránh đụng chạm đến hàng triệu người Hindu trên cả nước. Bởi đối với họ Diwali là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm.

Bắc Kinh (Trung Quốc)

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 1,1 triệu người Trung Quốc tử vong sớm mỗi năm. Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) là một trong những nơi có mức độ ô nhiễm nặng nhất tại Trung Quốc. Các nguồn ô nhiễm chính bao gồm khí thải từ hơn 5 triệu xe cơ giới của Bắc Kinh, khí đốt than ở các vùng lân cận, bão bụi từ phía bắc và bụi xây dựng địa phương…

Từ đầu tháng 11 đến nay, thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc đã ban bố báo động vàng về tình trạng ô nhiễm khói mù nhằm cảnh báo người dân phải có các biện pháp phòng ngừa khi đi ra ngoài. Mức báo động vàng đòi hỏi việc thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp bao gồm việc ngừng các hoạt động xây dựng ngoài trời để giảm lượng bụi trong không khí, hạn chế sử dụng các loại phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhiều hoặc ngừng các hoạt động sản xuất trong các ngành công nghiệp gây khói bụi.

Người dân Bắc Kinh cũng thường xuyên phải sống trong bầu không khí ô nhiễm. Ảnh: BBC

Trước tình trạng đáng báo động, WHO đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị quốc tế về ô nhiễm không khí tại Geneva, Thụy Sĩ. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo trên thế giới, các Bộ trưởng Y tế, Năng lượng và Môi trường, các Thị trưởng, những người đứng đầu các tổ chức liên chính phủ và các nhà khoa học, cam kết hành động hướng đến một mục tiêu đầy khát vọng về việc giảm số ca tử vong do ô nhiễm không khí xuống 2/3 vào năm 2030. Để thực hiện được điều đó, Chính phủ các nước cần áp dụng các biện pháp như giảm sự phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch, đầu tư để cải thiện hiệu quả năng lượng và tạo điều kiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, Chính phủ các nước cần quản lý chất thải tốt hơn, góp phần làm giảm lượng chất thải bị đốt cháy trong cộng đồng, từ đó giảm ô nhiễm không khí.

Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, người dân nên sử dụng hiệu quả các công nghệ và nhiên liệu không gây ô nhiễm trong nấu ăn, trong sưởi ấm và chiếu sáng nhằm giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí toàn cầu.

Tuệ Uyên

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/90-dan-so-the-gioi-dang-tho-bang-khong-khi-o-nhiem-d2058924.html