90 năm 'Phú Riềng đỏ'

Mảnh đất Đông Nam bộ - nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh của công nhân (CN) đồn điền trước sự bóc lột của các ông chủ thực dân Pháp. Đây cũng là nơi các lãnh tụ của Đảng gieo mầm những hạt giống đỏ đầu tiên gắn liền với sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) ở Phú Riềng vào đêm 28-10-1929.

Đảng đến với Phú Riềng

Chúng tôi tìm về Công ty Cao su Đồng Phú vào những ngày trung tuần tháng 9, khi công ty cùng toàn ngành đang tất bật hướng đến kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su - cũng như 90 năm ngày ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đông Nam bộ.

Vừa đến nơi, đã nghe tiếng hát cất lên rộn rã từ hội trường công ty, nơi CN đang tập dượt các tiết mục văn nghệ cho ngày kỷ niệm.

Chị Nguyễn Ánh Tuyết (Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Công ty Cao su Đồng Phú) hồ hởi cho biết: “Chúng tôi đang cùng lần giở lại những trang sử của hơn 90 năm trước...”.

Năm 1925, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội được thành lập, đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, cùng ăn cùng ở với CN để giác ngộ cách mạng cho họ.

Cán bộ, công nhân thể hiện tinh thần đoàn kết bên tượng đài Phú Riềng đỏ

Cán bộ, công nhân thể hiện tinh thần đoàn kết bên tượng đài Phú Riềng đỏ

Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ, quê Bắc Ninh, nguyên học sinh trường Bưởi (Hà Nội), được cử đi “vô sản hóa” ở đồn điền cao su Phú Riềng vào đầu năm 1928. Gần gũi với CN, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ từng bước thâm nhập, tuyên truyền giáo dục trong CN về phong trào cách mạng của CN thế giới, truyền đạt cho họ những kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh cụ thể.

Đến tháng 4-1928, có 4 CN được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, đi đến thành lập chi bộ. Đây là 1 trong 19 chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Nam kỳ.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện Trung ương Lâm thời của ĐDCSĐ ở Nam Kỳ, vào đêm 28-10-1929, chi bộ ĐDCSĐ ở Phú Riềng đã được thành lập bên bờ suối trong khu rừng và là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Chi bộ có 6 đảng viên do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư.

Dưới cờ Đảng, trong ánh đuốc bập bùng, các đảng viên tuyên thệ: “Thề trung thành với giai cấp, với Đảng. Thề giữ bí mật của Đảng đến cùng, nếu bị địch bắt, tra tấn đến chết cũng không cung khai. Tin tưởng có một chủ nghĩa cộng sản và thề chung sức đấu tranh, trước làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến tới thế giới đại đồng”.

Chi bộ tập trung vào việc tổ chức đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực như tăng lương, cải thiện chỗ ăn ở, đấu tranh chống đánh đập; thành lập nghiệp đoàn bí mật, xây dựng Đội thanh niên xích vệ với khoảng 40 thanh niên.

Và, để làm tốt công tác vận động, nghiệp đoàn đã bí mật ra tờ báo “Giải thoát” với các mục: Sinh hoạt CN (phê phán các hiện tượng cờ bạc, rượu chè, mất đoàn kết, hoạt động công đoàn), Thời sự chính trị quốc tế, trích đăng lại bài của báo Nhân Đạo (Pháp), báo Búa Liềm của ĐDCSĐ.

Bão nổi giữa đồn điền

Chi bộ Phú Riềng đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của CN đồn điền, thu được thắng lợi như đòi chủ sở phải phát lương cho CN nữ nghỉ sinh, phát gạo cho sản phụ, có nước uống đun sôi trong giờ làm việc.

Cuộc đấu tranh về sau còn kết hợp cả khẩu hiệu chính trị như đòi bỏ thuế thân..., nhưng gây tiếng vang nhất thời ấy là cuộc đấu tranh có tên “Phú Riềng đỏ’, bắt đầu từ mùng 1 Tết Canh Ngọ (ngày 30-1-1930) với cuộc biểu tình thị uy, nêu yêu sách đòi thực hiện đúng hợp đồng, cấm đánh đập, cấm cúp phạt vô lý, miễn sưu thuế, bồi thường cho CN bị tai nạn lao động, ốm đau phải được điều trị và hưởng đủ lương. Cao điểm là vào mùng 5 Tết bằng cuộc đình công, bao vây chiếm đồn điền.

Đồng chí Trần Tử Bình (lúc này là Bí thư Chi bộ, thay đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị nhà cầm quyền Pháp trục xuất khỏi đồn điền cuối năm 1929) kể lại trong hồi ký: “Cả khu rừng cao su như bão nổi đến nơi. Những ai chứng kiến cảnh CN từ bao nhiêu năm cắn răng chịu đựng sự hà hiếp của giặc thì lúc này đây, thấy anh em chúng tôi đang vặn mình đứng dậy…”.

Ngày mùng 3 Tết, lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm được treo công khai trước đông đảo CN đồn điền, và ngày mùng 4 Tết, chi bộ có lệnh bãi công trong toàn thể CN với chỉ thị: “Đến bao giờ bọn chủ chịu giải quyết những yêu sách do nghiệp đoàn đưa ra thì anh em mới đi làm”.

Trước sức đấu tranh của CN, bọn chủ sở đã phải ký vào biên bản và đây là lần đầu tiên trong lịch sử đồn điền, giới chủ Pháp ở Việt Nam ký vào một biên bản yêu sách của CN (trước đó chỉ hứa miệng). Suốt ngày và đêm 5-2-1930, CN thông qua tổ chức nghiệp đoàn đã quản lý toàn bộ đồn điền, thay cho chính quyền và giới chủ cùng bọn tay chân đã rút chạy.

Sau ngày 6-2, bọn địch tăng cường binh lính trấn áp, bắt bớ và cuộc đấu tranh của CN vẫn tiếp tục ở nhà lao, Tòa án Biên Hòa và sau đó lên tòa Đại hình Sài Gòn, CN Phú Riềng vẫn nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất.

Cuộc đấu tranh kết thúc sau 8 ngày, để lại nhiều bài học sâu sắc cho Đảng: Đó là lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, Công hội Đỏ đã tổ chức bãi công lớn, quy tụ được 5.000 CN toàn đồn điền tham gia; từ chỗ đấu tranh tự phát, CN đã đấu tranh có tổ chức, hợp pháp dưới hình thức đề ra yêu sách và cuộc đấu tranh Phú Riềng đỏ đã có tiếng vang lớn trong cả nước, được nhiều báo chí trong và ngoài xứ Đông Dương đưa tin, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh và làm phong phú thêm kinh nghiệm cho phong trào CN Việt Nam những năm sau đó.

Phát huy truyền thống

Ngày 28-10 hàng năm còn được lấy làm ngày truyền thống của ngành cao su Việt Nam. Phát huy truyền thống Phú Riềng đỏ, đội ngũ đảng viên của Đảng bộ đang ngày một trẻ hóa. Đảng bộ hiện có 421 đảng viên (chiếm 16% tổng số CBCNV toàn công ty), trong đó chiếm nhiều nhất là đảng viên trong độ tuổi từ 18 - 40, với 315 người (chiếm 74,82%).

Nhiều người là CN trực tiếp sản xuất, là con em gia đình có truyền thống 3 đời làm CN cao su như chị Vũ Ngọc Lan (SN 1977), CN trực tiếp sản xuất ở Xí nghiệp Chế biến Thuận Phú.

Chị Ngọc Lan có ông nội (quê Hà Nam) vào làm CN cao su từ năm 1954, bố chị là tài xế chạy xe chở mủ ở Công ty Cao su Lộc Ninh từ trước ngày thống nhất đất nước, còn mẹ chị cũng làm CN ở đây từ năm 1972, sau đó nghỉ hưu.

Đến đời chị cũng tiếp tục gắn bó với ngành cao su từ năm 1996 và đến năm 2012, chị đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện chồng chị cũng là CN kỹ thuật điện, làm việc tại nhà máy của công ty ở Campuchia.

Chị Ngọc Lan tâm sự: “Tôi luôn ý thức được gia đình có quá trình cống hiến lâu năm cho ngành và vinh dự khi sinh ra trên quê hương Phú Riềng đỏ, nên luôn làm tốt nhất công tác được giao, ân cần truyền đạt lại kinh nghiệm, giúp công nhân lớp sau, động viên công nhân vượt qua khó khăn hiện tại”.

Trường hợp khác là tấm gương vượt khó của anh Phạm Chí Mạnh (SN 1986), hiện là Tổ trưởng, Bí thư Đoàn TNCS Nông trường Tân Thành. Năm 2002, anh Mạnh đầu quân vào làm CN cạo mủ và đến năm 2004 thì được ký hợp đồng chính thức.

Ngay từ đầu anh đã được cơ quan giáo dục truyền thống Phú Riềng đỏ - ngay Nông trường Tân Thành cũng có tượng đài Phú Riềng đỏ, đã giúp anh hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của cha anh để không ngừng học tập, phấn đấu trở thành đảng viên tiếp bước các thế hệ cha anh đã xây dựng nên công ty.

Năm 2005, anh được học cảm tình Đảng và sau 4 năm phấn đấu, đến ngày 28-7-2009 anh được kết nạp vào Đảng. Từ năm 2008, anh đã giành giải nhất Hội thi tay nghề cạo mủ của Tập đoàn Cao su Việt Nam và cách đây hơn 1 năm được tuyên dương là một trong những điển hình về “Học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

VĂN PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/90-nam-phu-rieng-do-624496.html