95% người điều trị thuốc ARV không làm lây HIV qua quan hệ tình dục

Tại Việt Nam, hiện có hơn 142.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV.

Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12/1990, đến nay, cả nước có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống và lũy tích đến nay có trên 100.000 người đã tử vong do căn bệnh này.

Đây là con số được Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) công bố tại Hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam, với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 142.000 người được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, với trung bình mỗi năm có trên 10.000 người được đưa vào điều trị ARV. Trong đó, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam là một phụ nữ, bị lây bệnh từ chồng, hiện vẫn đang sinh sống tại TP HCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, bên cạnh mở rộng độ bao phủ điều trị ARV, chất lượng điều trị ARV cũng được cải thiện và nâng cao dân qua các năm. Theo ông Cường, kết quả xét nghiệm tải lượng HIV trong 3 năm gần đây cho thấy hiệu quả chương trình điều trị được duy trì cao liên tục.

“Các nghiên cứu khoa học gần đây đưa ra bằng chứng, một người uống thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính. Bằng chứng khoa học này được khái quát bằng thông điệp “Không phát hiện=Không lây truyền" (K=K). Như vậy, tại Việt Nam có gần 95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục”, ông Cường nói.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định, đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị... và cộng đồng giảm kỳ thị với những người nhiễm “H”.

Đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park cho biết, Việt Nam là một trong số rất ít các nước trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV.

“Việt nam rất tích cực, sáng tạo trong việc giúp bệnh nhân HIV tiếp cận điều trị. Cách tiếp cận theo hướng đa dịch vụ đến gần người dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...”, ông Kidong Park đánh giá.

Theo giới chuyên gia quốc tế, mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030 vẫn còn nhiều thách thức. Bên cạnh thách thức về nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và công tác điều trị HIV nói riêng, thì việc đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV sớm vẫn là thách thức lớn. Làm thế nào để người nhiễm HIV thuộc nhóm “ẩn” như quan hệ tình dục đồng giới, tiêm chích ma túy... được tiếp cận sớm với các biện pháp dự phòng và điều trị ARV.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nêu thách thức: “Để đặt dấu chấm hết cho AIDS trong 10 năm tới, mỗi năm phải giảm còn 1.000 ca. Có một nhóm là quan hệ đồng giới nam, có tỷ lệ nhiễm HIV tăng nhanh. Những năm đầu chỉ chiếm 2% số người nhiễm HIV, nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 10%, nhiều hơn 5 lần so với cách đây 5 năm”./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/95-nguoi-dieu-tri-thuoc-arv-khong-lam-lay-hiv-qua-quan-he-tinh-duc-986107.vov