98% rác thải nhựa đổ xuống đại dương đang biến thành chất độc hại

Hàng nghìn tỷ mảnh nhựa đang trôi nổi trên bề mặt các đại dương dưới sự tác động của ánh sáng mặt trời đang phân rã thành các hạt vi nhựa độc hại theo các vòng hải lưu di chuyển trong lòng các đại dương đi khắp Trái Đất. Chúng gây ảnh hưởng tới toàn bộ lưới thức ăn, ảnh hưởng lên mọi sinh vật, đơn bào, giáp xác, cá, nhuyễn thể, những động vật có vú lớn...

Trong nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà khoa học tại Đại học Florida và một số trường đại học trên thế giới đã chứng minh, đại dương đang là bãi rác khổng lồ trên hành tinh. Hơn thế nữa, những mảnh nhựa trôi nổi trên mặt biển chỉ chiếm 1-2% tổng lượng rác thải nhựa do đời sống con người thải ra. 98% lượng rác thải nhựa còn lại đang dần phân hủy thành các hạt vi nhựa độc hại.

 Quy trình phản ứng phân rã rác thải nhựa trên đại dương thành hạt vi nhựa. Ảnh: Cnet.

Quy trình phản ứng phân rã rác thải nhựa trên đại dương thành hạt vi nhựa. Ảnh: Cnet.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học xác nhận có sự tồn tại các phản ứng quang học được kích hoạt dưới ánh sáng Mặt Trời làm tan rã các mảnh rác thải nhựa, khiến chúng bị chia nhỏ xuống một kích thước vô hình, không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Bằng việc thu thập các mẫu rác thải nhựa như chai dầu gội đầu và hộp ăn dùng một lần (polyetylen, polypropylen và polystyren), cũng như polyetylen tiêu chuẩn và các mảnh nhựa thu được từ vòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương và mô phỏng việc chúng tan rã dưới hệ thống đèn chiếu mô phỏng Mặt Trời, nhóm nghiên cứu đã phát hiện sự xuất hiện của hạt vi nhựa. Toàn bộ quá trình chiếu xạ kéo dài khoảng 2 tháng. Việc phát hiện ra hạt vi nhựa rất khó khăn, nhóm nghiên cứu đã phải sử dụng cả kính hiển vi quang học, kính hiển vi điện tử và thiết bị quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR).

Theo lý giải của các nhà khoa học, ánh sáng Mặt Trời làm tăng lượng carbon hòa tan trong nước, đồng thời làm cho những hạt nhựa nhỏ ngày càng trở nên nhỏ hơn. Các hạt polymer cũng bị phân mảnh, oxy hóa và thay đổi màu sắc. Tỷ lệ phân hủy phụ thuộc vào tính chất hóa học của từng loại polymer.

"Có nguy cơ rác thải nhựa đang giải phóng các hợp chất sinh học độc hại trong quá trình quang phân hủy trên đại dương. Hiện tượng này ảnh hưởng đến đặc tính và cấu trúc của cộng đồng vi khuẩn và dẫn tới những hậu quả không thể lường trước với môi trường đại dương", Tiến sĩ Shiye Zhao thuộc Đại học Florida cho biết.

Theo Tiến sĩ Shiye Zhao, một số loại vi nhựa trong nghiên cứu có tác động tiêu cực đến vi khuẩn. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác cần có thêm thời gian nghiên cứu.

THU HƯƠNG (theo Cnet)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/98-rac-thai-nhua-do-xuong-dai-duong-dang-bien-thanh-chat-doc-hai-599798