99% người lao động không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu

Khảo sát lấy ý kiến cho thấy, có tới 99% số người lao động được hỏi không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu.

Đây là thông tin được ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết trên báo Dân Việt.

Trong khi đó, theo ông, về cơ bản, tất cả ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu đáp ứng già hóa dân số ở Việt Nam là việc cần thiết và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương.

Theo ông Lợi, hiện quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 và nam là 60, nhưng trong thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân của hiện nay của nữ là 53, nam 57. Chúng ta quy định như vậy nhưng không đạt được vì do các điều kiện lao động.

Dù quy định nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng sẽ có tới 1.748 ngành là lao động có thể được về hưu sớm do quy định về nghỉ hưu trước 5-10 năm với những ngành độc hại. Trong đó, cá biệt một số lao động làm công việc độc hại nhưng lại mắc các bệnh nghiêm trọng còn có thể được nghỉ hưu trước 10 năm mà vẫn được hưởng lương hưu tới 75%.

99% người lao động được hỏi không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa

99% người lao động được hỏi không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu thực tế được bàn đi bàn lại quá nhiều lần mà kết quả… vẫn thế.

“Tôi cho rằng đây cũng là vấn đề rất bình thường, bởi khi lao động đứng trước sự lựa chọn thiệt hơn thì ai cũng muốn chọn giải pháp có lợi, an toàn nhất cho mình. Giờ đây khi tăng tuổi nghỉ hưu, lao động phải cống hiến thêm vài năm, đóng BHXH thêm vài năm, đương nhiên lương hưu có thể tăng nhưng về cơ bản họ không muốn vì ngoài vấn đề sức khỏe họ còn gặp nhiều khó khăn khác, nhất là lao động sản xuất trực tiếp", bà Hương nói.

Cũng chia sẻ với báo này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, rất khó để công nhân, lao động chấp nhận tăng tuổi nghỉ hưu.

“Thực tế lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp đang bị vắt kiệt sức lao động do lương thấp, họ phải tăng ca, tăng kíp. Dù quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành chỉ là nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi nhưng có tới hơn hơn 90% lao động sản xuất trực tiếp không thể nghỉ hưu đúng tuổi do vấn đề suy giảm sức khỏe”, ông Quảng nói.

Ông Quảng cũng cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên chỉ băn khoăn tới việc nâng tuổi nghỉ hưu ở nhóm lao động trực tiếp, lao động đặc thù.

Trước đó, bên hành lang kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM đã bày tỏ không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật Lao động đã trình.

Theo bà Thúy, trong quá trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của công nhân lao động tại TP.HCM, hầu hết các ý kiến từ nhóm công nhân trực tiếp sản xuất đều không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu và không đồng tình với giải trình của Chính phủ về lý do tăng tuổi hưu của người lao động để tránh tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số trong vòng 20 năm tới.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh, tại Việt Nam, số lượng lao động là công nhân rất lớn, chủ yếu tham gia vào giai đoạn gia công trong chuỗi cung ứng hàng hóa, cụ thể là trong lĩnh vực may mặc, da giày, thủy sản, khai thác khoáng sản… những lĩnh vực này đa phần cần lao động trẻ, có sức khỏe và kỹ năng làm việc.

"Trong trường hợp tăng tuổi hưu, các lao động này liệu có bảo đảm sức khỏe để tiếp tục thực hiện công việc theo nhu cầu của người sử dụng lao động. Trường hợp không còn đủ sức khỏe, vô tình họ trở thành gánh nặng và có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho người sử dụng lao động", ĐB Trần Thị Diệu Thúy nói.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.

So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ ở tuổi 60 khá cao.

Bộ LĐ-TB-XH tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới quy định về xác định tuổi nghỉ hưu thì thấy tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam.

Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai và hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/99-nguoi-lao-dong-khong-dong-tinh-tang-tuoi-nghi-huu-3387740/