9X nghe xẩm

Những khán giả 9X, 10X thích thú gõ chân theo nhịp của bài xẩm huê tình Dứa dại không gai.

Nghệ sĩ Xuân Hải và Văn Phương trên chiếu xẩm của Tinh hoa nhạc Việt - Ảnh: Hoài An

“Dứa dại không gai/Chúng anh nghĩ rằng cây thì dứa dại nó không gai/Không ngờ thì gai dứa lại dài hơn chông/Em nói dối anh em chửa có chồng…”, tiếng hát của nghệ sĩ Văn Phương cất lên, những gương mặt trẻ tỏ ra thích thú, gật gù theo nhịp điệu. Trong khán phòng, những tiếng cười đã vang lên khi trích đoạn Xã trưởng mẹ Đốp trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính được diễn trên sân khấu. Trong số những người trẻ ngồi ở đây, có người lần đầu mới được biết đến sự phong phú của các làn điệu xẩm, hay thế nào là hề áo ngắn, hề áo dài trong chèo…

“Dụ” khán giả trẻ không dễ

Số đầu tiên của chuỗi chương trình âm nhạc diễn giả Tinh hoa nhạc Việt diễn ra vào khoảng giữa tháng 10 tại Nhà văn hóa học sinh - sinh viên (Hà Nội). Cả trăm bạn trẻ đã có mặt, hầu hết là sinh viên của Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật T.Ư. Họ tham dự chương trình giống như đi tham dự tiết học ngoại khóa về âm nhạc dân tộc. Không ít bạn còn tranh thủ lives tream “buổi học” một cách đầy thích thú trên Facebook.

“Người trẻ có cách tiếp nhận khác với âm nhạc truyền thống. Nhiều người chưa từng được làm quen tiếp xúc bao giờ. Trong khi, họ quen với những loại hình nghệ thuật khác tươi mới hơn, cập nhật thị trường nhiều hơn”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nói về một trong những khó khăn khi làm chương trình giới thiệu âm nhạc truyền thống tới người trẻ.

Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, muốn “dụ” khán giả trẻ phải có “chiêu”. “Để âm nhạc truyền thống tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là người trẻ phải biến đó trở thành món ăn tinh thần chứ không phải để mọi người phải tiếp nhận như kiểu đó là giá trị cổ truyền quý báu của dân tộc, mình phải trân trọng. Không thể làm như thế, mà đó phải là tác phẩm nghệ thuật để mọi người thích thú khi thưởng thức. Âm nhạc phải hợp thời, tức là ca từ nội dung cũng phải đời, gần gũi. Chúng ta ở thời đại nghe nhìn nên phần hình cũng phải đẹp. Khi làm chương trình hay sản phẩm âm nhạc chúng tôi luôn cố gắng đi theo khuynh hướng như vậy”, ông Long cho hay.

Khán giả trẻ với tiết mục âm nhạc truyền thống tại Tinh hoa nhạc Việt

Nghệ sĩ cát sê vài trăm vẫn diễn

“Chương trình diễn giải âm nhạc như Tinh hoa nhạc Việt khá phù hợp với người trẻ như tôi vì vừa mang không khí cổ truyền lẫn đương đại. Những người trẻ thường thích những gì mang màu sắc đương đại, chẳng hạn như bản thân tôi rất thích MV xẩm Tứ vi Hà thành về những món ăn đặc trưng của Hà thành. Những chương trình về âm nhạc dân tộc dành cho thanh thiếu niên thì hầu như không có, Tinh hoa nhạc Việt có lẽ là chương trình đầu tiên”, bạn Bùi Đăng Cường (Hà Nội) chia sẻ.

Để đưa âm nhạc truyền thống đến với công chúng, trong đó có những người trẻ, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu không phải chỉ mất 1 - 2 năm chuẩn bị, mà thực tế họ phải bắt đầu từ cả hơn chục năm trước. Những năm 2005, nhiều nghệ sĩ tâm huyết với âm nhạc dân tộc như nhạc sĩ Thao Giang, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Hạnh Nhân, GS-TS-NGND Phạm Minh Khang, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long... đã nỗ lực tìm cách phục hồi nghệ thuật hát xẩm, để xẩm được sống lại trong đời sống. Những năm sau đó, những nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà thành đã thực hiện các sản phẩm về hát xẩm như album, MV với những nội dung mang hơi thở đương đại, hay phá cách, pha trộn với âm nhạc mới dựa trên những làn điệu xẩm xưa để đưa đến gần với công chúng đương thời. Rõ ràng, những sản phẩm âm nhạc dân tộc nếu biết làm sẽ được đón nhận. Chẳng hạn như MV

Xẩm Trà Đá, Tứ vị Hà thành, Bốn mùa hoa Hà Nội…

“hút” hàng chục nghìn lượt xem trên YouTube.

Tuy vậy, tất cả các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đều phải quen với việc “không có tiền” hỗ trợ từ nhà nước trong hầu hết các hoạt động bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc. “Nghệ sĩ làm từ tâm sức chứ không có gì hỗ trợ cả, kể cả kinh phí. Ngay như việc làm các hoạt động để giới trẻ tiếp cận cũng khó có kinh phí để làm thường xuyên. Trong khi, để làm chương trình ít nhất phải có khoản kinh phí nhất định lo mặt âm thanh, ánh sáng”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho hay. “Đến các nghệ nhân còn không chế độ đãi ngộ gì nhiều nữa là các nghệ sĩ”, nghệ sĩ ngậm ngùi nói.

Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đã mang những chương trình diễn giải âm nhạc dân tộc VN đến nhiều trường đại học trên thế giới như tại Mỹ, Pháp, Đức…, nhưng chẳng mấy khi có thể đến với sinh viên VN. Ông Nguyễn Quang Long cho hay, việc chương trình Tinh hoa nhạc Việt có thể diễn ra là nhờ cái bắt tay hợp tác giữa trung tâm và Cung Thanh niên (Hội Liên hiệp Thanh niên VN). “Chúng tôi chỉ có một khoản kinh phí nhỏ, cát sê của nghệ sĩ cũng chỉ vài trăm nghìn nhưng ai cũng “sung” vì dù sao cũng đã có được “sân chơi” cho các bạn trẻ”, ông Long nói.

Ngọc An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/9x-nghe-xam-1016383.html