Á hậu, MC bán dâm: 'Điều xót xa hiện tại là cách người ta đang lạm dụng cái đẹp'

Bà Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã chia sẻ như vậy trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc.

Các người đẹp cần có chuyên gia tâm lý

- Từ khi nào cái đẹp lại thành món hàng cho cuộc trao đổi “mua hương bán phấn” thưa bà?

+ Nếu nói từ khi nào thì khó nói, nhưng tôi có thể thấy rõ ràng gần đây khi người đẹp đạt danh hiệu chính bản thân họ đã thừa nhận, cuộc sống của họ thay đổi rất nhiều, đặc biệt là khía cạnh kinh tế. Khi họ nói về sự thay đổi ấy, tôi cho rằng truyền thông đã góp phần lớn trong việc tạo nên giá trị đó. Nhiều tờ báo, trang tin đưa nhiều về sự thay đổi cuộc sống của họ trước và sau khi đạt danh hiệu, gắn sự thành công của người phụ nữ liên quan tới sắc đẹp, đặc biệt về mặt tài chính. Cái đẹp nói chung trở thành con đường và đo lường, là cách thức để người ta đạt được thành quả, đặc biệt là thành quả về mặt tài chính. Hay truyền thông đưa nhiều về những mối quan hệ chân dài - đại gia, dù đây là việc pháp luật không cấm nhưng dần dần những điều đó trở thành giá trị. Rõ ràng đây là cách mà người ta nói về cái đẹp ở thời điểm hiện tại.

- Các người đẹp đạt danh hiệu khi tuổi còn rất trẻ và để giữ được bản lĩnh của mình như thế nào không phải là một điều dễ dàng. Vậy đâu là điều mà các người đẹp cần chú trọng ở đây, thưa bà?

+ Cái đẹp trước đây, khi nói tới danh hiệu thì người ta nghĩ tới danh hiệu Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức là ở cấp quốc gia. Nhưng gần đây tôi thấy nhiều quá, nào là người đẹp biển, người đẹp hòa bình, môi trường, du lịch… ở cấp tỉnh, rồi các cuộc thi tuyển chọn người mẫu. Đó là còn chưa kể, người mẫu lấn sân sang các cuộc thi người đẹp và ngược lại. Trong khi mỗi một cuộc thi lẽ ra phải có một chuẩn mực khác nhau. Mọi thứ không rõ ràng, nên người xem không thấy rõ ràng và chỉ nhớ về một vẻ đẹp chung chung nào đó.

Ban tổ chức phải chuẩn bị cho người tham gia các cuộc thi có một tâm thế rõ ràng. Mọi thứ không thể đến một cách tự nhiên được. Một người trẻ không thể có bản lĩnh ngay được và chuyện sa ngã một lúc nào đó thì đó là chuyện khó tránh khỏi.

Bà Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số.

Tôi lấy một ví dụ, ở các nước, một người trúng xổ số, họ phải trải qua một lớp học để chống sốc tâm lý và có thể quản lý tiền thưởng một cách thông minh. Thực tế, cuộc sống của nhiều người đã biến đổi hoàn toàn thậm chí phá hủy hoàn toàn một gia đình chỉ vì một cuộc chơi may rủi.

Còn ở đây, không chỉ là tiền, là ở vị thế xã hội mà các người đẹp còn rất trẻ. Ở độ tuổi 18 như vậy đã thành công, họ có thể có tập luyện về mặt giao tiếp, dáng đi, trả lời truyền thông nhưng tôi không biết là có những trao đổi nào về mặt giá trị hay không, như điều chỉnh cảm xúc, điều chỉnh hành vi. Vì giải thưởng không chỉ tồn tại trong 2 năm khi người đẹp được giữ ngôi vị cao nhất mà còn là một vương miện có giá trị gắn bó với họ suốt đời. Do vậy, họ cần một người hỗ trợ trong cả quá trình đó, hướng dẫn họ mà không chỉ là ekip chuyên lo trang điểm, váy xống, hình ảnh… riêng. Trong đó có những chuyên gia về tư vấn tâm lý. Điều này đơn giản thôi, mỗi tháng gặp nhau một lần nói về những áp lực của người đẹp. Bạn thấy đấy, sau cuộc thi, đời tư của người đẹp ngay lập tức phơi bày trước công chúng. Ở đây tôi chưa nói tới việc đó có đúng hay không nhưng đó là một áp lực. Vậy các người đẹp chuẩn bị như thế nào? Thay bằng việc đổ lỗi, chỉ trích các cô gái, đây có lẽ là việc Ban tổ chức các cuộc thi nên làm. Đó là vấn đề đương đầu với áp lực trong xã hội hiện đại, nếu không có chuẩn bị gì thì rất khó cho các bạn trẻ.

Việc kiếm tiền là không sai nhưng đừng để lợi dụng

- Bà có thấy xót xa không khi có những ý kiến cho rằng, nhiều cuộc thi người đẹp mở ra hiện nay là để cho các đại gia tìm tới "mua hàng"?

+ Mọi người thì đều có quyền được làm đẹp và tự hào về vẻ đẹp của mình. Vẻ đẹp đó được nhìn như thế nào còn do xã hội nhưng tôi nghĩ nhiều về cách mà chúng ta đang thúc đẩy các cuộc thi người đẹp hiện nay.

Các bạn ấy sẽ là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam, đưa tiếng nói của các nhóm phụ nữ khác nhất là nhóm phụ nữ yếu thế. Cô hoa hậu H'Hen Niê chẳng hạn là một trong số ít những hoa hậu trong tuyên ngôn đầu tiên của mình đã nhắc tới phụ nữ yếu thế. Xã hội cần những người như vậy để đồng hành với những nhóm phụ nữ yếu thế đưa ra tiếng nói cùng họ.

Nhưng nếu nhìn người đẹp đơn thuần như là một bông hoa trưng ra cho đẹp, để phủ hàng hiệu lên người, đại diện nhãn hàng thương mại thì lại theo một cách nào đó, chúng ta đang củng cố cho những định kiến về người phụ nữ- “Làm hoa cho người ta hái”.

Bản thân cái đẹp hay cuộc thi không có lỗi vấn đề là tiêu chí và sự đồng hành, tuyển chọn họ ra sao.

Những nghiên cứu về giới của chúng tôi chỉ ra một thực trạng: với nhiều nam giới, việc quan hệ tình dục với ai, “cặp bồ” với ai được đưa vào thang đo của sự thành công, đánh dấu vị thế của một nam giới. Trước đây một người đàn ông làm được nhiều tiền, có vị trí cao trong xã hội được cho là thành công nhưng giờ nói thế thôi chưa đủ, mà còn là có “bồ” hay không , có đẹp, có trẻ hay không… để tính yếu tố nam tính giữa những người trong một nhóm với nhau.

Thậm chí, các người đẹp thành món quà để nam giới tặng nhau. Giống như những người phụ nữ mê túi xách, váy xống hàng hiệu vậy. Cái nhìn của xã hội đang thay đổi, cái đẹp biến tướng đi thì tạo ra hệ lụy như thế.

Cái xót xa hiện tại là cách người ta đang lạm dụng cái đẹp và các bạn trẻ rất có tiềm năng nhưng lại sẵn sàng chấp nhận tuân theo cách ứng xử với cái đẹp như thế. Có người có thể không biết, nhưng có người đã không thể có lựa chọn, vì nhiều người đẹp cũng nói là cuộc sống khó khăn. Việc kiếm tiền là không sai nhưng đừng để lợi dụng.

- Nhiều cuộc thi người đẹp trên thế giới đã có những ý kiến phải hủy bỏ, quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

+ Nếu như các cuộc thi người đẹp có tiêu chí rõ ràng, tuân thủ đúng giấy phép, có quy trình kiểm soát, giám sát, giáo dục, hỗ trợ thì tôi nghĩ vẫn nên được tổ chức.

Giờ đây, người trẻ có nhiều cơ hội để phát triển, nếu cấm đoán, họ sẽ không có cơ hội để thể hiện. Vấn đề là chúng ta kiểm soát tới đâu, mục đích như thế nào, định hình rõ về giá trị thì quy định một danh hiệu tồn tại được chấp nhận hay không và xã hội cũng định hình điều đó.

Giáo dục cho xã hội nói chung cũng là một điều quan trọng, phần đông mọi người nhất là nam giới vẫn coi rằng là một cô gái đẹp như bông hoa thôi. Việc từ bỏ một cuộc thi người đẹp hay không không quan trọng bằng việc, bản thân khán giả, xã hội có lựa chọn điều chỉnh hành vi của họ như thế nào: có tiếp tục xem chương trình cuộc thi đó hay không? Dựa vào thái độ của khán giả, các chương trình sẽ tự cân nhắc.

- Xin cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Tiến sĩ Hoàng Tú Anh là thành viên sáng lập và là Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sáng tạo về Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Bà là thành viên làm việc trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo và can thiệp về giới tính, tình dục và HIV.

Thái Linh (Thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/a-hau-mc-ban-dam-dieu-xot-xa-hien-tai-la-cach-nguoi-ta-dang-lam-dung-cai-dep-364748.html