A Lưới (Thừa Thiên - Huế): Chính quyền đồng hành cùng người dân thoát nghèo

Những năm qua, ngoài thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, cấp ủy, chính quyền huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế còn khơi nguồn giảm nghèo từ chính nhận thức của người dân, đặc biệt người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Anh Lê Văn Sơn - xã Hồng Vân, huyện A Lưới cho biết: Trước đây, gia đình anh là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn của xã Hồng Vân. Dù đã cố gắng lao động để vươn lên làm giàu nhưng cái nghèo đói vẫn luôn đeo bám gia đình. Đầu năm 2019, nhận thấy tiềm năng kinh tế rừng ở địa phương ngày càng phát triển, anh Sơn mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng để mở xưởng chế biến lâm sản. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm nghề cùng những nỗ lực của bản thân, xưởng gỗ của gia đình anh hoạt động ngày một hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định, từng bước giúp anh thoát nghèo bền vững.

Người dân huyện miền núi A Lưới nỗ lực thoát nghèo bền vững

Người dân huyện miền núi A Lưới nỗ lực thoát nghèo bền vững

Anh Sơn chia sẻ: “Thời gian đầu, công việc chính của anh là làm thuê, nhận thấy làm thuê rất vất vả và khó khăn, hai vợ chồng anh đã cùng nhau bàn bạc mở xưởng cưa gỗ để ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Từ khi có xưởng cưa, thu nhập của gia đình ổn định hơn, trung bình 1 tháng anh Sơn thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng”.

Để mục tiêu giảm nghèo được bền vững, bên cạnh việc đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện các chương trình, dự án thì ý chí chủ động thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được khơi dậy. Chính quyền cần hỗ trợ, đồng hành cùng đồng bào dân tộc để giảm nghèo bền vững bằng “cần câu” chứ không phải “con cá”.

Cũng ở xã Hồng Vân, gia đình ông Quỳnh A Sây đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi dê. Ông Quỳnh A Sây chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, không đủ ăn, đủ mặc, từ khi có chính sách vay vốn của Nhà nước tôi đã vay và mua dê để chăn nuôi. Nhờ nuôi dê, kinh tế gia đình khá hơn trước kia, đời sống từng bước được nâng cao...”.

Theo ông Hồ Văn Rao - Chủ tịch UBND xã Hồng Vân: Thời gian qua, trong công tác giảm nghèo, chính quyền đã kết hợp nhiều nguồn lực, trong đó có Chương trình nguồn vốn 135, công tác đào tạo để đi xuất khẩu lao động. Cùng với đó, huy động các đơn vị đỡ đầu theo Quyết định 235 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất…

Giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm tại huyện A Lưới giảm 4% hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn hộ nghèo mới và tình hình dịch bệnh vừa qua, sẽ có những lo ngại trong thời gian tới, trong đó có cả nguy cơ tái nghèo. Điều này đòi hỏi việc gắn kết đồng bộ để thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân.

Ông Lê Ngọc Tĩnh - Phó Trưởng Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện A Lưới thông tin thêm: Đối với những hộ dân cần giống, cần nguồn vốn… huyện luôn sẵn sàng hỗ trợ và các ban, ngành tạo điều kiện. “Điều quan trọng là phải đầu tư hợp lý, với những hộ tích cực và có khả năng thoát nghèo huyện sẽ tạo điều kiện để các hộ phát triển kinh tế, qua các hộ này nêu gương để các hộ gia đình khác làm theo” - ông Tĩnh nói.

Với những giải pháp đa dạng và cách làm phù hợp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Tuy nhiên, về lâu dài cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giảm nghèo bền vững, trong đó, tăng cường hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và thực hiện tốt công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, cũng như đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/a-luoi-thua-thien-hue-chinh-quyen-dong-hanh-cung-nguoi-dan-thoat-ngheo-139842.html