A Lưới (Thừa Thiên Huế): Hơn 460 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn sản xuất

Theo báo cáo của UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), trong những tháng đầu năm, toàn huyện có 465 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2018.

Đoàn công tác Bộ LĐ – TB&XH làm việc với UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018

Đoàn công tác Bộ LĐ – TB&XH làm việc với UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018

Ngày 24/5, Đoàn công tác Bộ LĐ – TB&XH doVụ trưởng Ngô Trường Thi - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã có buổi làm việc với UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 của huyện.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Hồ Nam Đông, Trưởng phòng Phòng LĐ – TB&XH huyện A Lưới cho biết, trong năm 2017, qua một năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trên địa bàn huyện, tỷ lệ giảm nghèo nhanh và vượt kế hoạch đề ra. Số hộ toàn huyện đầu năm 2017 là 12.637 hộ/49.611 nhân khẩu, trong đó: có 3.754 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,71%; 1.526 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 12,08%. Cuối năm 2017, số hộ nghèo giảm còn 3.278 hộ, chiếm tỷ lệ 24,99%; tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 0,57% (1.660 hộ), chiếm tỷ lệ 12,65%. Đầu năm 2017, toàn huyện A Lưới có 17 xã nghèo có tỷ lệ trên 25%, cuối năm còn lại 13 xã (4 xã thoát khỏi diện xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, trên 25% là: Hương Lâm, Hồng Thượng, A Ngo và Hồng Hạ).

Trong những tháng đầu năm 2018, UBND huyện A Lưới đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho Chương trình 135 với tổng số vốn 15,3 tỷ đồng, trong đó vốn các công trình chuyển tiếp là 7,3 tỷ đồng, khởi công mới 8 tỷ đồng. Vốn duy tu bảo dưỡng các công trình 940 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất 3,05 tỷ đồng.

Theo ông Đông, tổng vốn kế hoạch được thông báo năm 2018 cho Chương trình 135 là 14,757 tỷ đồng. Hiện nay, đã có chủ trương đầu tư với tổng số vốn phê duyệt 13,220 tỷ đồng, trong đó vốn cấp là 11,780 tỷ đồng, vốn đối ứng 1,440 tỷ đồng.

Về giải quyết vốn vay cho người nghèo, đến nay A Lưới đã hỗ trợ 271 hộ nghèo vay với số tiền 12,725 tỷ đồng; 66 hộ cận nghèo với số tiền 3,012 tỷ đồng; 128 hộ mới thoát nghèo (6,125 tỷ đồng); giải quyết việc làm 12 hộ (550 triệu đồng); hộ nghèo về nhà ở 49 hộ (1,225 tỷ đồng).

Về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân, tính đến nay, A Lưới đã xây dựng Kế hoạch dạy nghề năm 2018. Số lượng đăng ký theo Quyết định 1956 là 220 lao động, kinh phí dự kiến 250 triệu đồng. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với các chương trình như nông thôn mới, dự kiến sẽ triển khai từ 50 – 100 lao động học nghề; các Hội Nông dân, Phụ nữ khoảng 150 – 200 lao đọng sẽ được đào tạo nghề trong năm.

A Lưới cũng đã cấp 9.936 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc diện người nghèo.

Ngoài ra, vừa qua, huyện A Lưới cũng đã được hỗ trợ 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí bán áo thi đấu và trái bóng của đội tuyển U23 Việt Nam tặng Thủ tướng Chính phủ. UBND huyện đã triển khai cho 21 xã xét duyệt đối tượng, lập danh sách 25 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ có công khó khăn, mỗi hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng để sửa chữa, xây mới nhà ở. Hiện nay đã có 5 nhà được khởi công xây dựng và hoàn thành, 20 nhà còn lại chuẩn bị khởi công.

Đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến trình xây dựng nhà ở của những hộ dân được hỗ trợ kinh phí từ nguồn bán áo thi đấu và trái bóng của đội tuyển U23 Việt Nam tặng Thủ tướng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, thì Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của huyện vẫn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng một số xã, thôn trên địa bàn chưa được hoàn thiện; hệ thống nước sạch chưa đến được với hộ nghèo. Các địa phương còn lúng túng, chưa xác định được cây, con chủ lực để giúp hộ nghèo có điều kiện tăng gia sản xuất. Hộ nghèo đa phần là lao động trẻ, lao động phổ thông, thiếu đất sản xuất, thiếu kinh nghiệm, tính chủ động trong cuộc sống,…Lao động trẻ thiếu tác phong công nghiệp, chưa xác định được mục đích của đào tạo nghề là con đường để mưu sinh cho cuộc sống bản thân và gia đình; thụ động trong mọi công việc, còn trông chờ, dựa dẫm vào cha mẹ và Nhà nước.

Bên cạnh đó, phong tục tập quán ảnh hưởng không ít đến người lao động, ngại đi xa. Lao động của A Lưới chủ yếu là lao động phổ thông, lao động trẻ nhưng lại rất ngại làm những công việc nặng nhọc, không kiên trì. Vì vậy, việc giải quyết việc làm cho người lao động vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện trợ giúp xã nghèo, hộ nghèo tại 17 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% vẫn còn chậm, chưa xác định được vấn đề cần hỗ trợ như thế nào để có hiệu quả.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Trường Thi đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới cần giải ngân sớm kinh phí đào tạo nghề và phải gắn đào tạo với giải quyết việc làm hiệu quả. A Lưới cũng cần dựa vào các thế mạnh, phát huy các tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, qua đó giải quyết việc làm cho người dân. Mặt khác, cần hỗ trợ sinh kế phù hợp và thực chất, không dàn trải. Hộ nào có nguồn lực thì hỗ trợ trước.

Trong vấn đề thực hiện các công trình phục vụ Chương trình 135, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Vụ trưởng cho rằng A Lưới cần mạnh dạn đặp niềm tin vào người dân; nên phân loại các loại công trình, cái nào có thể thì giao cho người dân làm, cái nào yêu cầu kĩ thuật cao thì mới cần nhà thầu, tư vấn giám sát.

Quan trọng nhất là chỉ tiêu, mục tiêu đề ra và kết quả giảm nghèo cần phải đi vào thực chất, không nhất thiết phải chạy theo chỉ tiêu đề ra trong khi người dân vẫn chưa thực sự thoát nghèo.

Cùng ngày, Đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến trình xây dựng nhà ở của các hộ được hỗ trợ kinh phí từ nguồn bán áo thi đấu và trái bóng của đội tuyển U23 Việt Nam tặng Thủ tướng Chính phủ tại huyện A Lưới.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/a-luoi-thua-thien-hue--hon-460-ho-ngheo-can-ngheo-duoc-vay-von-san-xuat-d74400.html