À, ra vậy!

Thật đáng mừng. - Bác mừng chuyện gì vậy? - Tớ mừng, ngày nay người ta ai ai cũng quan tâm đến lễ Vu lan.

- Bác mừng phải lắm. Bản chất của lễ Vu lan là khuyến khích con người ta báo hiếu ông bà, bố mẹ mà.

- Nhưng trong cái mừng, không khỏi còn băn khoăn.Ý nghĩa tốt đẹp là vậy, nhưng trong xã hội ngày nay lễ nghi cúng tế trong lễ Vu lan thường được khuếch trương lên quá mức. Vu lan là dịp người ta báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên, ở mặt khác như sự chuộc lỗi. Hình thức nghi lễ tín ngưỡng phần nào làm người ta nhẹ lòng bởi một số cư xử không phải với bố mẹ khi các cụ còn sống.

- Vậy thì mọi hành vi tín ngưỡng gì đi chăng nữa đều phải xoay quanh cái tâm là quan trọng, những gì hình thức tín ngưỡng đi thái quá, đặc biệt gây tốn kém xa hoa về hình thức rất dễ đi ngược lại cái tâm tốt, dễ trở thành phản giáo lý. Bởi vì người ta coi trọng nghi thức hơn thực tế, trong khi kinh sách dạy con người ta báo hiếu với bố mẹ ngay tại ngôi nhà mình, ngay khi còn sống chứ không phải chờ tới khi chết đi rồi.

-Đúng vậy. Ông cha ta có dạy rằng “trách bỏ giỗ chứ không ai trách giỗ mọn”. Cho nên, việc cầu cúng ngày này, dù giàu hay nghèo, các gia chủ chỉ cần bát cơm, quả trứng, tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh cao đạm bạc là đủ.

- Quan trọng là ở lòng thành của mỗi người, bác nhỉ. Cúng tổ tiên, cúng Phật, Trời cũng vậy, điều cốt là tỏ lòng thành kính của mình. Không cúng những lễ vật mang tính chất thù đãi để cầu khẩn, vì điều đó chứng tỏ cái tâm của người vụ lợi.

-Thế nhưng, nhiều người bây giờ lại có quan niệm “trần sao, âm vậy”. Lúc sống có nhà cửa, xe máy, ô tô, điều hòa tủ lạnh…thì lúc thác đi cũng cần phải có những thứ đó. Thế nên, họ thi nhau đốt vàng mã, xe máy, ô tô, đủ thứ bằng giấy… như một cách báo hiếu “hiệu quả” nhất để thể hiện lòng thành kính với cha mẹ, ông bà.

-Đó là một sai lầm lớn. Theo em được biết, trong quan niệm của Phật giáo, hành động đốt vàng mã không hề có lợi ích gì cả. Vì khi người ta thác đi, thần thức có thể trở lại dân gian đầu thai làm người hoặc vãng sinh Phật quốc, không ai muốn người thân của mình thác sinh vào cảnh giới khổ đau.

Ai cũng muốn người thân của mình khi mất đi, thần thức được về cảnh giới an lành của nhà Phật. Mà cảnh giới của Phật thì không cần phải những đồ vàng mã như thế. Rõ ràng việc người còn sống đốt vàng mã cho người đã khuất chẳng khác nào luôn nghĩ rằng người khuất đã về cảnh giới khổ đau.

Trong giáo lý nhà Phật không dạy như vậy.

-Rõ ràng lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo, nhưng trong giáo lý nhà Phật không dạy con người phải đốt vàng mã để báo hiếu. Ngược lại, tục đốt vàng mã chính là hình thức mê tín dị đoan, vừa tốn tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường.

-Mấy năm gần đây em đã thấy tuyên truyền nhiều về vấn đề “vàng mã”, ở một số chùa còn cấm cả đốt vàng mã, nhưng tại sao cái tệ nạn này vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Đặc biệt là trong lễ Vu lan?

-Cầu nguyện cho những người đã mất là điều nên làm, nhưng người âm thực sự không cần những thứ phù phiếm như vàng mã, nhà lầu, xe hơi hay mâm cao cỗ đầy bởi vong linh họ không hưởng được...Đốt vàng mã về cơ bản chỉ là một hành động trấn an tinh thần những người còn sống, thực tế đây là việc làm lãng phí, thể hiện suy nghĩ hạn hẹp của rất nhiều cá nhân.

-Nhân nói đến lãng phí, theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm người dân đốt tới 5000 tỷ đồng vàng mã. Tất nhiên độ chính xác của con số này chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng, xác thực. Tuy nhiên có thể nhận thấy trong thực tế lượng vàng mã mà người dân đốt trong các dịp lễ đền, chùa, nhất là dịp lễ Vu lan là rất lớn.

-Chết thật, 5000 tỷ mỗi năm, nếu đem số tiền này đưa vào an sinh xã hội như xây trường học, bệnh viện…thì ý nghĩa biết bao. Bởi Đạo hiếu Vu Lan theo tinh thần Phật giáo chân chính, chính tín là biết lo cho đất nước, cho dân tộc, lo cho những người xung quanh, có lòng vị tha, biết chăm lo cho nhau. Nếu không làm việc thiện, sống không có tâm thiện thì những việc khác cũng vô ích, không phải là chí hiếu.

-Chính vì vậy, để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất, con cháu nên chú ý làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ. Ngoài ra, để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất núi, thế hệ sau nên nhắc nhở cho con cháu sống noi gương theo truyền thống hiếu đạo của người Việt. Đấy là sự tưởng nhớ, sự báo đáp lớn nhất đối với người đã khuất.

- Còn chuyện này nữa, mấy ngày nay theo dõi trên mạng xã hội thấy rất nhiều clip tổ chức lễ Vu lan tại một chùa nào đó, rất đông người, mỗi người bê một mâm lễ, khóc lóc thảm thiết nhớ thương bố mẹ…Vậy có nên không?

- Tất nhiên là không cần thiết phải như vậy. Bên cạnh những gì đã phân tích ở trên, em nghĩ hãy đối đãi hiếu đễ với ông bà, bố mẹ ngay khi họ còn sống. Chứ khi họ khuất núi rồi mới khóc lóc kêu than, ân hận…phỏng có ích gì.

- Tớ nhất trí. Còn chuyện nữa…

- Lại chuyện gì nữa bác?

- Chuyện vì sao lại gọi rằm tháng bảy là “tháng cô hồn”, và lễ “Xá tội vong nhân” với lễ Vu lan có gì khác nhau?

- Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, người Việt thường làm mâm cơm cúng dịp Rằm tháng bảy ("Xá tội vong nhân" hay "tháng cô hồn") để các hồn ma được siêu thoát. Còn ngày lễ Vu lan là một phong tục tập quán tốt đẹp trong văn hóa Phật giáo. Hai ngày này khác hẳn nhau về ý nghĩa, Không thể nhầm lễ Vu Lan với ngày Xá tội vong nhân được.

- À, ra vậy!

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/a-ra-vay-78930.html