Ả Rập Saudi công bố chấn động về cái chết của nhà báo Khashoggi

Ả Rập Saudi cuối cùng đã thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại và đây là một sai lầm lớn nghiêm trọng đã thổi bùng lên sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế.

Cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đã thổi bùng lên làn sóng phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố mới nhất từ Ả Rập Saudi

Trả lời phỏng vấn Fox News, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir nhấn mạnh việc sát hại nhà báo là một "sai lầm lớn nghiêm trọng" nhưng phủ nhận cáo buộc hoàng tử Ả Rập Saudi đã ra lệnh giết người.

Ả Rập Saudi đang chịu áp lực phải giải thích những gì đã xảy ra với nhà báo Jamal Khashoggi, làm việc cho tờ Washington Post và thường đưa ra quan điểm phê phán Hoàng tử Ả Rập Saudi - Mohammed bin Salman.

Nhà báo Khashoggi biến mất hôm 2.10 sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul để làm thủ tục đăng ký kết hôn với bạn gái người Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà điều tra ở Ankara tin rằng nhà báo này đã bị một nhóm gồm 15 đặc vụ Ả Rập Saudi sát hại và phân xác.

Nhật báo Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ sở hữu đoạn ghi âm cho thấy sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Saudi, Khashoggi bị một nhóm người tra tấn bằng cách cắt đứt các ngón tay và sau đó bị chặt đầu.

Ban đầu, Ả Rập Saudi tuyên bố ông Khashoggi còn sống và đã rời khỏi lãnh sự quán.

Tuy nhiên, hôm 20.10, Ả Rập Saudi lại thừa nhận nhà báo này đã chết sau một cuộc ẩu đả bên trong lãnh sự quán. Tuyên bố này bị nghi ngờ rộng rãi.

Dưới sức ép của dư luận, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cuối cùng khẳng định, cái chết của ông Khashoggi là một vụ sát hại do nhóm đặc vụ Ả Rập Saudi đã làm quá phận sự.

"Chúng tôi quyết tâm tìm hiểu mọi việc. Và chúng tôi quyết tâm trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho vụ giết người này. Những cá nhân đó đã làm quá phận sự của họ. Rõ ràng đó là một sai lầm lớn nghiêm trọng và sai lầm đó đã được nỗ lực che đậy", ông Adel al-Jubeir chia sẻ.

Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ bóc trần “sự thật trần trụi" về việc nhà báo Saudi Arabia bị sát hại vào hôm 23.10.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh sự cần thiết phải tiết lộ tất cả các chi tiết về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Trước đó, ông Recep Tayyip Erdogan cam kết sẽ sớm ra một “tuyên bố quan trọng”.

“Chúng tôi tìm kiếm sự công bằng và điều này sẽ phơi bày toàn bộ sự thật trần trụi của vụ việc, không những thông qua các bước thông thường mà còn là tất cả những sự thật trần trụi của nó. Đây không phải là một vụ việc bình thường. Tôi sẽ ra tuyên bố vào thứ Ba (23.10) tại cuộc họp nhóm nghị viện đảng AKP", tờ Sabah dẫn lời ông Erdogan cho biết.

Điều gì đã thực sự xảy ra với nhà báo Khashoggi?

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Ả Rập Saudi cho biết, một nhóm gồm 15 người ngày 2.10 đã tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để gặp nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul theo chỉ đạo của Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Ả Rập Saudi Ahmed al-Asiri.

Theo chia sẻ của quan chức trên, Ả Rập Saudi muốn thuyết phục ông Khashoggi về nước sau khi ông này chuyển tới Washington, Mỹ một năm trước vì sợ bị trả thù do thường xuyên chỉ trích chính quyền.

Kế hoạch ban đầu của Ả Rập Saudi là nhóm 15 người, đều xuất thân từ lực lượng an ninh và tình báo của nước này, sẽ đưa ông Khashoggi tới một ngôi nhà ở ngoại ô Istanbul "trong khoảng thời gian nhất định" rồi sau đó thả ông ra nếu cuối cùng Khashoggi vẫn cương quyết từ chối về nước.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như kế hoạch khi nhóm 15 người hành xử vượt quá mệnh lệnh và sử dụng vũ lực.

Theo Reuters, ông Khashoggi đã bị đưa tới văn phòng của Tổng lãnh sự Ả Rập Saudi. Tại đây, một đặc vụ tên Maher Mutreb đã thuyết phục ông trở lại Arab Saudi song Khashoggi từ chối và nói với Mutreb rằng có người đang chờ ông bên ngoài. Người kia sẽ liên lạc với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông không trở ra trong vòng một tiếng tính từ thời điểm bước vào lãnh sự quán.

Hatice Cengiz, hôn thê của Khashoggi, từng cho hay ông đã đưa cho bà hai chiếc điện thoại di động rồi nhắn bà đứng chờ gần lãnh sự quán. Trong trường hợp không thấy ông quay ra, bà phải liên lạc với một trợ lý của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong văn phòng Tổng lãnh sự, ông Khashoggi đã nói với Mutreb rằng anh ta đang vi phạm nguyên tắc ngoại giao.

"Anh định làm gì tôi? Anh định bắt cóc tôi à?", Khashoggi chất vấn Mutreb, theo lời kể của quan chức Ả Rập Saudi giấu tên.

"Đúng vậy, chúng tôi sẽ đánh thuốc mê và bắt cóc ông", Mutreb đáp.

Khi Khashoggi lớn tiếng, nhóm người Ả Rập Saudi cũng bắt đầu bối rối. Họ lao tới khống chế ông, kẹp cổ và bịt miệng ông lại. "Họ cố ngăn ông ấy kêu gào nhưng ông ấy đã chết. Mục đích ban đầu không phải là giết hại Khashoggi", vị quan chức giấu tên nói.

Theo nguồn tin trên, để che đậy sự việc, nhóm người Ả Rập Saudi đã cuộn Khashoggi trong một tấm thảm, đưa ra ngoài bằng xe của lãnh sự quán rồi giao thi thể cho một "tòng phạm địa phương" để phi tang. Chuyên gia pháp y Salah Tubaigy, một trong 15 người tới Thổ Nhĩ Kỳ, tìm cách xóa dấu vết.

Trong lúc đó, đặc vụ Mustafa Madani mặc quần áo, đeo kính và đồng hồ của Khashoggi rồi rời lãnh sự quán bằng cửa sau nhằm làm giả như ông đã đi khỏi tòa nhà. Madani tới quận Sultanahmet để phi tang số đồ đạc.

Nhóm 15 người sau đó viết một báo cáo giả gửi lên cấp trên, khẳng định họ đã để Khashoggi ra đi khi ông cảnh báo về việc giới chức Thổ Nhĩ Kỳ có thể liên quan tới sự việc.

Một số người đã đặt câu hỏi vì sao Ả Rập Saudi cần cử nhiều sĩ quan quân đội và chuyên gia pháp y như vậy tới Thổ Nhĩ Kỳ nếu mục đích của họ chỉ là thuyết phục Khashoggi về nước.

Phương Đăng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/a-rap-saudi-cong-bo-chan-dong-ve-cai-chet-cua-nha-bao-khashoggi-923436.html