Abbey road, con đường huyền thoại

Dù chẳng xuất hiện một minh tinh hay ngôi sao ca nhạc cỡ bự nào nhưng tuần qua gần một nghìn người vẫn tụ tập nhau trước con đường Abbey ở London (Anh), nơi đặt trụ sở của hãng đĩa Abbey. Họ băng qua đường, hát và ôm nhau để kỉ niệm 44 năm ngày tứ quái The Beatles phát hành album bất hủ, Abbey road.

Càng ngày Abbey Road càng giống một nơi hành hương của các fan hâm mộ Beatles toàn cầu. “Họ đến đây hàng năm và số lượng cứ ngày càng đông dần, người dân ở đây lúc đầu khá khó chịu nhưng giờ thì tất cả sống chan hòa với nhau, dưới âm nhạc của Beatles”, Richard Porter - người dẫn tour Beatles ở London (Anh), cho biết. Năm 2010, ngã tư Abbey Road đã được Chính phủ Anh công nhận là di sản văn hóa.

Hàng năm hàng ngàn người vẫn tụ về Abbey road để kỉ niệm ngày phát hành album và rất nhiều fan đã đóng giả 4 chàng tứ quái để tái hiện lại tinh thần Beatles

Abbey Road là tên album với hình ảnh 4 ca sĩ The Beatles ung dung bước qua đường. Lý ra, album này mang tên Everest và hình ảnh của bìa album là bộ hình ở dãy Himalaya mà nhóm dự định đến chụp. Nhưng thời điểm ấy, bộ tứ không còn mặn mòi lắm với danh tiếng, họ chọn sự gọn nhẹ, lấy tên đường đặt cho album và ra đứng ngay giữa vạch phần đường cho người đi bộ, và “chụp cho xong”. Không ai trong nhóm nghĩ 15 phút cho bộ ảnh ấy đã trở thành một cuộc cách tân dữ dội nhất trong làng nhạc chỉ 1 tháng sau khi album phát hành. 4 chàng tứ quái băng qua đường trong đó Paul McCartney đi chân trần cầm thuốc trên tay - một hình ảnh chẳng giống ai. Abbey Road từ thời điểm phát hành (8/1969) đã có ít nhất 15 bộ phim đề cập trực tiếp đến con đường này, hàng chục bộ phim mô phỏng tinh thần “băng qua đường”, Hãng Lego cũng phát hành bộ đồ chơi mô phỏng, rất nhiều nghệ sĩ/nhóm nhạc nổi tiếng làm bìa album cũng theo tinh thần Abbey Road. Tất cả ca khúc trong album đều trở thành những bài hát được yêu mến. Gần 1.000 tên tuổi trong làng nhạc chơi lại những bài trong album này, thậm chí có nhiều người chơi trọn album. Và cũng chưa thống kê hết những người tuyên bố album này đã ảnh hưởng đến họ ra sao.

Abbey Road sau đó trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của London nhờ vào duy nhất một tấm hình trong album của The Beatles. Thậm chí, sau đó người ta còn dò tìm mọi thứ liên quan đến những thứ nằm trong bức hình nổi tiếng ấy, người đàn ông đứng phía xa là ai, những chiếc xe đậu san sát 2 bên lề đường ý nghĩa gì không…

Năm 1986, trong một phiên đấu giá, chiếc xe Beetle màu trắng của Hãng Volkswagen (nằm quay đuôi trong bức ảnh) đã bán được 23.000 USD và mới đây một người giấu tên định mua lại nó với giá nửa triệu USD.

Năm 1969, dấu mốc của nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử thế giới, cuộc chiến ở Việt Nam khốc liệt hơn, những lính Mỹ tử trận ngày càng nhiều, Đại hội Âm nhạc Woodstock mở ra và được giới trẻ hưởng ứng thành cơn bão, thậm chí thay đổi lối sống và cách nhìn đời của họ, thế hệ mới lớn cần Tình yêu và Hòa bình… Giữa những dấu mốc quan trọng nhất, Abbey Road được xướng danh cho một album mang tính “mở đường”, về nhận thức con người, xã hội, về những sáng tạo bậc thầy trong âm nhạc phổ thông, về tính “đầu đàn” mang giá trị cảnh báo của The Beatles… Không có nhiều album như thế được xướng danh trong suốt chiều dài lịch sử thế giới và cũng chẳng có nhiều con đường Abbey lưu lại những phút giây huyền thoại. Và cũng chẳng có nhiều niềm vui sau khi Abbey Road ra đời bởi sau đó, năm 1970, 4 chàng trai chính thức chia tay, khép lại con đường 10 năm trở thành ban nhạc huyền thoại của thế kỷ 20.

N.M
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/abbey-road-con-duong-huyen-thoai-n20130814140708981.htm