Abe ở nhiệm kỳ 3 - thay đổi hiến pháp và ước nguyện của một gia tộc

Thủ tướng Shinzo Abe gần như chắc chắn sẽ bước vào nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba và ông không giấu mong muốn rằng nhiệm kỳ này sẽ dành để thực hiện tham vọng thay đổi hiến pháp.

Shinzo Abe 5 tuổi ngồi trên đùi của ông ngoại, lắng nghe tiếng những người biểu tình đang tụ tập để phản đối đề xuất của người ông, Thủ tướng Nobusuke Kishi, về việc tái xây dựng quân đội Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Không lâu sau đó, những áp lực đó buộc ông Kishi phải từ chức, bỏ lại ước mơ chưa thành.

Đó là chuyện đã gần 60 năm trước. Giờ thì Shinzo Abe, đã trở thành thủ tướng quyền lực bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại, sắp bước vào nhiệm kỳ thứ ba. Ông mang theo giấc mơ năm xưa của cả một gia tộc như cứu cánh của đời mình, mục tiêu mà ông chỉ còn một nhiệm kỳ để thực hiện: sửa đối Hiến pháp Nhật Bản, có hiệu lực từ năm 1947, để chính thức công nhận quân đội.

Cuộc bầu cử chọn lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền sẽ diễn ra vào ngày hôm nay. Thủ tướng Abe, sau một năm bị bủa vây bởi các vụ bê bối và tỷ lệ tín nhiệm thấp đến kỷ lục, vẫn là ứng viên sáng giá nhất cho cả vị trí lãnh đạo LDP lẫn người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Nếu giành chiến thắng, và rất nhiều khả năng sẽ chiến thắng, ông Abe sẽ giữ chức chủ tịch LDP và thủ tướng Nhật Bản đến tháng 10/2021.

Chính sách kinh tế tâm điểm của nhiệm kỳ ông Abe, Abenomics vốn được hứa hẹn sẽ đưa Nhật Bản khỏi giai đoạn giảm phát đã kéo dài hàng thập kỷ qua. Để đạt được mục tiêu, chính phủ của ông đã chi tiêu mạnh tay và sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, xuất phát từ các tập đoàn lớn. Họ hy vọng các khoản đầu tư từ công ty lớn sẽ kích thích lại nền kinh tế, thúc đẩy xuống các công ty nhỏ hơn và vực dậy vùng nông thôn Nhật Bản. Nikkei Asian Review cho biết trong 6 năm của Abeconomics, kinh tế Nhật Bản đã có giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ thập niên 1980, lợi nhuận của các tập đoàn gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,5% và mức lương của người lao động, sau khi điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, cũng tiến lên.Nếu đắc cử, ông Abe sẽ tiếp tục chính sách Abeconomis của mình và nỗ lực để kéo dài độ tuổi lao động của người Nhật, đi kèm đó là lời hứa hỗ trợ an sinh xã hội tốt hơn. Ông kêu gọi một xã hội nơi người dân tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động dù tuổi đã cao, đề xuất cải cách hệ thống lương hưu để người lao động có thể nhận số tiền chia trả cao hơn nếu họ trì hoãn việc nghỉ hưu sau năm 70 tuổi.

Ông cũng hứa hẹn rằng các gia đình có thu nhập thấp sẽ có thể gửi con cái tại các trường mẫu giáo miễn phí hay được hỗ trợ học phí đại học, tất cả các dự định sẽ bắt đầu trong vài năm tới. Thủ tướng cũng sẽ tăng số lao động nước ngoài vào Nhật để bù đắp cho việc thiếu lao động và dân số lão hóa.

Đối thủ duy nhất của ông Abe trong cuộc bầu cử ngày 20/9 là cựu bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba. Tương tự thủ tướng, ông Ishiba đã theo chân của cha ông trở thành một nghị sĩ vào năm 1986. Kể từ đó, ông kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ và cả LDP, từ bộ trưởng Quốc phòng đến tổng thư ký LDP. Vào năm 2012, trong cuộc bầu cử nội bộ của LDP, ông Ishiba dẫn đầu ở vòng đầu tiên nhưng không chiếm được đa số và để thua lại ông Abe ở vòng thứ hai. Cuối năm đó, ông Abe chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử và trở thành thủ tướng ở nhiệm kỳ thứ hai.

Ngược lại với ông Abe, ông Ishiba tin rằng nên thúc đẩy tăng trưởng từ khu vực nông thôn và các công ty nhỏ trước.

"Sự tham gia nhiều hơn của người lao động sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách từ thuế và mang lại chính sách an sinh xã hội tốt hơn", ông nói.

Trong khi Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ cải cách chế độ an sinh xã hội, cựu bộ trưởng Ishiba nói rằng kế hoạch của thủ tướng thiếu tầm nhìn lâu dài trong lúc mức nợ công đã bằng 2,5 lần GDP.

Trong thời gian đầu của nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Abe, thận trọng hơn sau lần ngã ngựa năm 2007, đã sử dụng Abeconomics cùng lời hứa đầy thực dụng là đưa nước Nhật trở về thời kỳ tăng trưởng để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri. Nhưng khi cuộc bầu cử để mở ra nhiệm kỳ thứ ba đến gần, "trái tim Abe không đặt ở đó". Thủ tướng và nội các của ông tỏ mọi dấu hiệu rằng nhiệm kỳ sắp tới là nhằm sửa đổi hiến pháp, chính thức công nhận quân đội Nhật Bản.

Gần đây, khi được hỏi về Abeconomics 3.0, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso không nói về việc hiện đại hóa thị trường lao động, nâng cao năng suất hay kích thích khởi nghiệp, thay vào đó là cuộc trưng cầu dân ý, bước cuối cùng trong quá trình sửa đổi hiến pháp.

Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản loại trừ việc sử dụng chiến tranh như một biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế và không cho phép duy trì vũ trang với tiềm năng tham gia chiến tranh, dù Tokyo hiện vẫn duy trì một lực lượng vũ trang không chính thức với tên gọi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Trở về với người ông ngoại, cựu thủ tướng Kishi từng bị cáo buộc, dù chưa từng bị chính thức buộc tội, là "tội phạm chiến tranh" vì sự tham gia của ông trong cuộc xâm lăng của Đế quốc Nhật trong thập niên 1930 và 1940. Các nhà sử học nói rằng ông đã tham gia vào cuộc chiếm đóng Mãn Châu, vùng đất nông nghiệp trù phú và giàu than ở phía đông Bắc Trung Quốc, quản lý các nhân công Trung Quốc tại đây, vận hành bộ máy sử dụng sức lao động và tài nguyên của Trung Quốc để làm giàu cho nước Nhật.

Các nhà sử học tập trung vào những mặt tối trong cuộc đời cựu thủ tướng Kishi. Tại Thẩm Dương, thành phố ở phía đông bắc Trung Quốc và từng là trung tâm kinh tế của Mãn Châu trong thời Nhật Bản cai trị, một bảo tàng đã được dựng lên để ghi nhớ giai đoạn đó trong lịch sử. Chân dung của ông Kishi được đặt nổi bật cạnh những nhà cai trị thuộc địa khác.

Ông Abe phủ nhận các cáo buộc về "tội ác chiến tranh" đó trong khi các sử gia cũng nói rằng ít có khả năng ông Kishi là người tham gia trực tiếp vào các tội ác ở Mãn Châu.

Về sau, trong thập niên 1950, Kishi nỗ lực viết lại Hiến pháp Nhật Bản, vốn do Mỹ soạn thảo sau Thế chiến và lên án chủ nghĩa quân phiệt, nhưng bất thành và để lại tham vọng đó cho ông Abe nối tiếp. Việc ông kịp làm là đàm phán thỏa thuận năm 1967 với Mỹ, theo đó Washington trả lại chủ quyền tỉnh Okinawa cho Nhật và bị ràng buộc phải bảo vệ Nhật Bản.

Thủ tướng Abe nói nhiều đến ông ngoại, cả trong các phát biểu lẫn bài đăng trên Facebook. Khi vận động để Nhật Bản được đăng cai Olympics mùa hè năm 2020, ông Abe đã nói với Ủy ban Olympic Quốc tế rằng ông ngoại mình đóng góp cho thành công của Olympics 1964 tại Tokyo trong vai trò một cố vấn. Ông đến Washington, tặng cho tổng thống Mỹ khi đó, Barack Obama một cây gậy chơi golf và nhắc lại chuyện Thủ tướng Kishi từng chơi golf với Tổng thống Eisenhower.

Tại Sri Lanka, ông cũng nói về việc ông ngoại mình từng đến đây nhiều thập kỷ trước để tuyên bố sẽ "cầm chặt cây gậy hữu nghị mà ông ngoại đã trao cho tôi".

Trong một cuốn sách vào năm 2006, Abe nói rằng việc lớn lên giữa những lời chỉ trích ông ngoại và "hiện thân của chủ nghĩa bảo thủ cực hữu" đã tạo nên "tác dụng ngược khiến tôi trân trọng chủ nghĩa bảo thủ". Vào tuổi đi học, ông Abe đã đứng lên để thách thức giáo viên của mình tại một trường trung học tư, khi người giáo viên chỉ trích thỏa thuận năm 1967.

Nỗ lực của Thủ tướng Abe trong những năm gần đây đã kéo theo nhiều lo lắng từ cử tri đối với đường lối "diều hâu", tinh thần dân tộc và đặc biệt về sự phản ứng tiêu cực của Trung Quốc, kéo theo cuộc đua vũ trang trong khu vực.

"Rất nhiều điều họ nói nghe giống hệt nhau. Họ đều muốn sửa đổi hiến pháp, đều muốn tái vũ trang nước Nhật", Wall Street Journal dẫn lời Takashi Ito, giáo sư sử học đã nghỉ hưu ở Đại học Tokyo và là chuyên gia hàng đầu về cựu thủ tướng Kishi.

Hiroshige Seko, Bộ trưởng Thương mại và Công nghệ Nhật Bản và là đồng minh lâu năm của Thủ tướng Abe, miêu tả cựu thủ tướng Kishi là một người đã hứng chịu nhiều phản đối trong thời gian ông tại nhiệm và chỉ được trân trọng khi lịch sử chứng minh rằng các chính sách của ông đã đúng.

"Tôi muốn mọi người hiểu rằng quốc phòng và an ninh quốc gia là cực kỳ quan trọng để một quốc gia có chủ quyền có thể bảo vệ nền độc lập của mình", cựu thủ tướng Kishi từng nói.

"Thủ tướng (Abe) cho thấy rằng ông ấy sẽ thúc đẩy mọi việc theo con đường mà ông ấy tin tưởng, không chỉ trong việc hồi phục kinh tế mà còn về thay đổi chính sách an ninh quốc gia hoặc cải cách giáo dục", ông Seko nói vào năm 2014, khi còn là phó thư ký nội các của ông Abe.

"Tôi nghĩ thủ tướng muốn trở thành một nhà lãnh đạo như ông của ông ấy".

Trong lần thứ hai trở về vị trí thủ tướng, ông Abe đã thuyết phục thành công quốc hội Nhật Bản cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài. Nhưng ông không chỉ muốn dừng ở đó. Nếu có thể tiến thêm một bước nữa, chính thức công nhận sự tồn tại của quân đội Nhật Bản trong hiến pháp, ông Abe sẽ hoàn thành được giấc mơ dang dở của ông ngoại. Cậu bé Shinzo Abe, người không có thành tích học tập xuất chúng như 2 người anh trai, sẽ trở thành người ghi tên gia đình vào lịch sử nước Nhật.

Ông Abe không bước vào cuộc bầu cử nội bộ đảng sắp tới với một bảng thành tích quá vẻ vang. Ông đạt được thành tựu đầy tranh cãi cả với Abeconomics và chính sách đối ngoại có phần "diều hâu" của mình. Không những vậy, một năm qua trong nhiệm kỳ của ông Abe đã chứng kiến những vụ bê bối thân hữu hoặc che giấu của chính ông Abe, vợ ông hoặc các thành viên nội các.Hồi đầu năm nay, hàng chục quan chức trong chính phủ ông Abe suýt nữa đã bị truy tố vì các tội danh liên quan việc Bộ Tài chính nước này bán một khu đất với giá ưu đãi lớn cho một chủ trường học theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đồng thời là người có liên quan đến bà Akie Abe, vợ ông Abe.

Khi ra điều trần trước quốc hội, ông Yasunori Kagoike, chủ tịch tập đoàn Moritomo Gakuen - bên đã mua lại khu đất trên với giá chỉ bằng 1/7 giá trị ban đầu, nói rằng bà Akie đã đưa cho ông một phong bì chứa 1 triệu yen và nói rằng đó là số tiền từ thủ tướng. Ông Abe phủ nhận mọi mối liên quan trong khi bà Akie nói rằng bà không nhớ gì về việc này.

Ông Kagoike có liên hệ với Nippon Kaigi, một nhóm vận động hành lang theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và cũng có mục tiêu viết lại Hiến pháp Nhật Bản. Ông Abe và nhiều cộng sự trong nội các cũng là thành viên của nhóm này. Các trường mẫu giáo thuộc hệ thống của tập đoàn Moritomo Gakuen buộc trẻ em cúi chào trước ảnh chân dung hoàng tộc và hát quốc ca mỗi ngày, cũng như học theo giáo trình vào thập niên 1890, vốn đề cao sự hy sinh cho đất nước.

Thủ tướng đã tuyên bố sẽ từ chức nếu bị phát hiện có liên quan trực tiếp đến vụ việc. Vụ bê bối nổ ra vào năm 2017 và được khơi dậy lại sau khi Bộ Tài chính thừa nhận rằng họ đã loại bỏ các mối liên hệ với vợ chồng thủ tướng trong hồ sơ trước khi nộp chúng lên các nghị sĩ điều tra vụ mua bán.

Song song với scandal về khu đất với Moritomo Gakuen là vụ lùm xùm liên quan đến các binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Iraq.

Tháng 2 năm nay, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi đó là bà Tomomi Inada đã phải từ chức sau khi nói rằng bà không thể tìm ra các ghi chép về hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Iraq và Nam Sudan, được cử đến đó vì các sứ mệnh nhân đạo và gìn giữ hòa bình. Sau đó, bộ này lại nói rằng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã lấy được một bản ghi chép về hoạt động ở Nam Sudan.

Đến tháng 4, Bộ Quốc phòng tiếp tục hứng chịu búa rìu dư luận khi thú nhận rằng họ tìm thấy những tài liệu về hoạt động của lực lượng này ở Iraq trong giai đoạn 2004-2006, số tài liệu từng được tuyên bố là đã bị tiêu hủy. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói rằng Lực lượng Phòng vệ tìm thấy từ cuối tháng 3/2017, nhưng lại không báo cáo lại với các lãnh đạo dân sự thuộc Bộ Quốc phòng còn Tổng tham mưu trưởng của Lực lượng Phòng vệ được báo cáo vào tháng 2/2018.

Những diễn biến mới liên tục của vụ bê bối diễn ra trong Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ làm dấy lên quan ngại về việc chính phủ Nhật Bản không kiểm soát dân sự hiệu quả đối với lực lượng quân sự.

Dù vậy, trong một năm đầy bê bối và tỷ lệ tín nhiệm nhiều lần xuống thấp kỷ lục, Thủ tướng Abe vẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm do ông kêu gọi hồi tháng 9/2017 và được dự đoán sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử nội đảng LDP một năm sau đó.

Lý do được nhiều nhà quan sát đưa ra là chính trường Nhật Bản không có ứng viên khả dĩ thay thế ông Abe.

"Đơn giản là vì không có ai khác", Japan Times dẫn lời Norihiko Narita, giáo sư ngành khoa học chính trị đã nghỉ hưu ở Đại học Surugadai. "Dù dư luận chỉ trích ra sao đối với các vụ bê bối, cử tri cũng sẽ đi đến kết luận rằng không ai tốt bằng ông ấy, trừ khi ông ấy gây ra một lỗi lầm chết người".

Một khảo sát của NHK hồi tháng 7 cho thấy cái gọi là "sự ủng hộ bị động" dành cho ông Abe, với 48% người ủng hộ nội các hiện tại chỉ ra nguyên nhân là sự thiếu vắng ứng viên thay thế, trong khi chỉ có 19% nói rằng họ tin tưởng nội các có đủ năng lực thi hành chính sách.

Trong bài viết trên New York Times, Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Sophia, Nhật Bản, nói rằng phe đối lập tại Nhật quá yếu và quá chia rẽ để có thể buộc chính quyền hiện tại phải chịu trách nhiệm cho những vụ bê bối của họ. Khi ông Abe kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 9/2017, chỉ vài tháng sau bê bối, nỗ lực thách thức LDP bằng việc tạo lập một đảng mới, Đảng Hy vọng đã mang lại kết quả bết bát và khiến tình thế của phe đối lập thêm khó khăn.

Lần trở lại này, ông Ishiba chạy đua vào vị trí đứng đầu đảng với khẩu hiệu "trung thực và công bằng", rõ ràng ám chỉ Thủ tướng Abe với những bê bối bủa vây. Dù vậy, ông rõ ràng không dám đẩy những chỉ trích đi xa, lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của toàn đảng. Ông Nakano cho rằng trừ khi phe đối lập tập hợp đủ lực lượng và ảnh hưởng để đe dọa quyền lực của LDP, nội bộ đảng cầm quyền sẽ khó diễn ra bất cứ sự tự chuyển biến nào.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nakano nói rằng cuộc bầu cử hiện tại chỉ diễn ra trong nội bộ LDP, vì vậy luật bầu cử không yêu cầu sự cởi mở và minh bạch. Thủ tướng Abe có thể tránh được các cuộc tranh luận công khai hoặc sự chú ý của truyền thống. Ngoài ra, dù ý kiến của công chúng có ảnh hưởng đến những người bỏ phiếu trong nội bộ LDP, công chúng Nhật Bản, như đã thể hiện trong vài năm nay, tiếp tục cho thấy sự vô cảm của họ đối với cuộc đua hiện tại.

Trong một bầu không khí đầy rẫy bê bối những năm qua, công chúng Nhật Bản cho thấy họ lại chọn cách thờ ơ với nó thay vì tham gia nhiều hơn vào. Trong một cuộc bầu cử hội đồng tỉnh Niigata hồi tháng 7, ứng viên của LDP đã chiến thắng với 3%, nhưng là trong một cuộc bầu cử với tỷ lệ cử tri đi bầu với 58%.

"Ông Abe không muốn một cuộc bầu cử thật sự và khó khăn, ông ấy chỉ muốn một lễ đăng quang. Vào lúc này, không có khả năng nào để ông Ishiba có thể chiến thắng", ông nói.

Cơ hội cao là nhiệm kỳ mới sẽ mở ra cho Thủ tướng Abe sẽ còn đến tháng 10/2021 để thực hiện tham vọng về di sản lớn nhất ông có thể để lại. Ông Abe phải giành được sự ủng hộ từ 2/3 nghị sĩ của lưỡng viện trước khi đưa điều khoản sửa đổi ra trưng cầu dân ý và đợi người dân đồng ý. Một cuộc khảo sát gần đây của Nikkei cho thấy 72% người trả lời không muốn ông Abe vội vã sửa hiến pháp.

Shinzo Abe, hơn mọi điều ông đã chứng tỏ trong 2 nhiệm kỳ sóng gió và bị ngắt quãng, không phải là người dễ bỏ cuộc. Năm 2006, ông lần đầu đắc cử thủ tướng ở tuổi 52 và trở thành người trẻ nhất từng lãnh đạo Nhật Bản sau Thế chiến, chỉ để ra đi một năm sau đó sau khi hàng loạt thành viên nội các từ chức, thất bại trong cuộc bầu cử hạ viện và bị bệnh đường ruột hành hạ. Nhưng Abe đã trở lại. Năm 2012, ông chạy đua vào vị trí lãnh đạo LDP và trở thành thủ tướng lần thứ hai vào cuối năm đó, bắt đầu một nhiệm kỳ nữa với sóng gió, bệnh tật và cả sự thay đổi trong tình hình quốc tế.

Một trong những thành tựu của ông Abe trong nhiệm kỳ thứ hai là việc sửa đổi luật để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể tham chiến ở nước ngoài, nhưng chừng đó chưa bao giờ là chưa đủ với thủ tướng.

"Trong thế hệ của chúng ta, chúng ta phải thiết lập một vai trò hợp hiến cho Lực lượng Phòng vệ, để không còn bất kỳ chỗ trống nào cho việc tranh luận rằng họ có đứng ngoài hiến pháp hay không", Thủ tướng Abe nói vào đầu nhiệm kỳ thứ hai.

Theo Nikkei Asian Review, đối với những người Nhật Bản bảo thủ, bản hiến pháp hiện tại là di sản của người Mỹ trên đất nước, là chỉ dấu cho một giai đoạn đen tối khi Nhật Bản bị tước đoạt tự tôn và quyền định đoạt bản hiến pháp của họ. Với một số người khác vẫn còn nhớ được nỗi kinh hoàng mà Thế chiến thứ hai mang lại, bản hiến pháp hòa bình là một thành tựu đầy hân hoan.

Đánh giá với Zing.vn về ý kiến dư luận tại Nhật Bản đối với dự định này, giáo sư Nakano nói rằng "tại thời điểm này, rõ ràng là dư luận đang chống lại việc sửa đổi hiến pháp, nhưng lại có những quy định về trưng cầu dân ý sẽ có lợi cho ông Abe".

Thứ nhất, luật lệ mà ông Nakano gọi là "đầy lỗ hổng" của Nhật Bản không quy định số lượng tối thiểu người đi bầu để cuộc trưng cầu có hiệu lực.

"Cho nên, dù tỷ lệ người đi bầu chỉ là 30%, chỉ cần đề xuất của ông ấy nhận được nhiều phiếu đồng thuận hơn phiếu phản đối một chút, trong số 30% đó, ông ấy sẽ đạt được mục đích", giáo sư của Đại học Sophia cho biết.

Thứ hai, luật lệ hiện tại cũng không giới hạn chi tiêu cho chiến dịch vận động sửa đổi hiến pháp trong lúc "chính phủ và các doanh nghiệp lớn có đủ ngân sách và các đặc quyền tiếp cận giới truyền thông để phủ đầy các thông tin ủng hộ việc sửa đổi" trong khi thời gian để trưng cầu dân ý diễn ra kể từ ngày quốc hội phê chuẩn chỉ có 60 ngày.

Thủ tướng Abe hy vọng thời gian sẽ làm phai đi ký ức về Thế chiến thứ hai, và những mối đe dọa của thế kỷ 21 sẽ làm vang vọng lại những lời ông ngoại ông đã nói nửa thế kỷ trước, rằng "quốc phòng và an ninh quốc gia là cực kỳ quan trọng để một quốc gia có chủ quyền có thể bảo vệ nền độc lập của mình". Thực tế cho thấy giữa những vụ bê bối nối tiếp nhau, tỷ lệ ủng hộ ông Abe sẽ khôi phục khi tên lửa của Triều Tiên bay ngang lãnh thổ Nhật Bản và người dân thức dậy trong trong tiếng chuông báo động tên lửa.

Đó sẽ là một hành trình dài, và khó khăn như con đường đã khiến cựu thủ tướng Nobusuke Kishi phải bỏ cuộc."Shinzo Abe 5 tuổi ngồi trên đùi của ông ngoại cậu, lắng nghe tiếng những người biểu tình đang tụ tập để phản đối..."

Phương Thảo

Ảnh: AFP, Reuters; Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/abe-o-nhiem-ky-3-thay-doi-hien-phap-va-uoc-nguyen-cua-mot-gia-toc-post877486.html