'Ác mộng' bên trong bệnh viện lớn nhất miền Nam nước Pháp

Những người ở La Timone, bệnh viện lớn nhất miền Nam nước Pháp, đang trải qua những ngày chật vật vì đại dịch. Giường bệnh luôn kín chỗ còn các bác sĩ và y tá dần kiệt sức.

Kỳ nghỉ hè kết thúc cũng là lúc Marseille, Pháp, ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Từ cuối tháng 9, chính quyền thành phố cảng yêu cầu các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa để giảm tốc độ lây nhiễm.

Song biện pháp này không thể ngăn cản dịch bệnh.

Bệnh viện La Timone, thành phố Marseille, là cơ sở y tế lớn nhất miền Nam nước Pháp. Tại đây, giường bệnh luôn kín chỗ trong khi các y bác sĩ dần kiệt sức, theo AP.

Họ thất vọng vì chính phủ không rút kinh nghiệm sau đợt bùng phát dịch đầu tiên. Đội ngũ y tế cũng không còn được coi là người hùng dù vẫn phải làm những công việc khó khăn, nguy hiểm nhất.

Y tá Chloe Gascon, 23 tuổi, chia sẻ trải nghiệm chống dịch của mình một cách cay đắng: “Mọi người từng vỗ tay biểu dương những nỗ lực của chúng tôi vào mỗi đêm. Bây giờ, họ nói đó là nhiệm vụ, là công việc mà chúng tôi đương nhiên phải làm”.

Thuộc nhóm nhân lực tiếp viện, cô Pauline Reynier đang tham gia khóa đào tạo y tá chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện La Timone.

So với những phòng ban khác, khu vực này khá yên tĩnh vì bệnh nhân đều ở trong trạng thái hôn mê, cần dùng máy trợ thở.

Ca làm việc của Reynier kéo dài nửa ngày và bắt đầu từ 7h. Nhiệm vụ đầu tiên của cô là vệ sinh thân thể và vệ sinh ống thở cho các bệnh nhân đang hôn mê sâu. Quy trình này với mỗi bệnh nhân thường kéo dài 2 tiếng đồng hồ.

Giữa lúc hệ thống y tế quá tải, các đồng nghiệp kỳ cựu đều không có thời gian để chỉ dẫn cho Reynier.

Nữ y tá trẻ đang làm quen với công việc bằng cách tập trung quan sát. Khi biết mình sẽ làm việc ở phòng chăm sóc đặc biệt, Reynier không sao giấu được sự lo lắng và căng thẳng.

Để trở thành một y tá chăm sóc đặc biệt, học viên phải chăm chỉ thực hành suốt nhiều tháng. Song Reynier cần nhanh chóng thích ứng với nhiều nhiệm vụ khó khăn chỉ trong một tuần.

Trước nguy cơ phơi nhiễm cao, các nhân viên y tế phải trải qua hàng loạt quy trình khử khuẩn. Khi làm việc, cô Reynier mặc bộ đồ bảo hộ nhúng qua lớp khử khuẩn, đeo hai đôi găng tay, khăn trùm đầu, kính bảo hộ và một chiếc tạp dề nhựa ở lớp ngoài cùng.

Do đó, trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, nữ y tá cần lập kế hoạch để thực hiện nhiều công việc cùng một lúc. Các nhiệm vụ bao gồm vệ sinh thân thể người bệnh, kiểm tra thủy tinh thể, thay bình truyền và lật ngửa bệnh nhân để thông đường hô hấp.

Sau cùng, khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ, cô mới cởi bỏ và tiêu hủy lớp bảo hộ bên ngoài.

Một sáng tháng 11, một nam bệnh nhân đủ điều kiện để chuyển sang phòng chăm sóc cấp tính. Song các bác sĩ nhận ra phòng bệnh không được trang bị máy lọc máu mà bệnh nhân cần gấp.

Họ quyết định di chuyển bệnh nhân băng qua sảnh chính để đến phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện.

Phòng chăm sóc đặc biệt chỉ cách đó 25 mét, thông qua hai cánh cửa của hành lang bên trái. Song việc dịch chuyển nam bệnh nhân 60 tuổi cần đến 14 nhân viên y tế. Các y bác sĩ cũng mất 45 phút để chuẩn bị cho lần dịch chuyển, bao gồm việc gắn máy oxy di động cho bệnh nhân.

Vào khoảng 10h40, họ bắt đầu dịch chuyển giường bệnh theo đúng lộ trình đã đề ra. Trong suốt quá trình kéo dài 15 phút, lưng áo các y bác sĩ ướt đẫm mồ hôi.

Cùng lúc này, đội dọn vệ sinh làm sạch khu vực mà người bệnh vừa rời đi để chuẩn bị tiếp nhận trường hợp khác.

Đầu giờ chiều, nhóm y tá nghỉ ngơi trong một căn phòng kín. Các bác sĩ lúc này lại tập trung ở phòng bệnh số 9 để chẩn đoán cho một nam bệnh nhân 54 tuổi.

Bệnh nhân này không có dấu hiệu bất thường vào buổi sáng, nhưng phải dùng đến thuốc an thần vào buổi chiều khi lượng oxy giảm nghiêm trọng.

Một lần nữa, các y bác sĩ lại tập trung bên giường bệnh và quyết định đặt nội khí quản cho người này. Để thực hiện thủ thuật, ba bác sĩ trực tiếp làm việc trong khi những người khác hỗ trợ vòng ngoài. Một tiếng sau, nam bệnh nhân được đặt nội khí quản và thay ống truyền tĩnh mạch.

Bác sĩ Julien Carvelli được giao một nhiệm vụ mà không nhiều người muốn nhận: gọi điện báo tin buồn cho gia đình bệnh nhân Covid-19.

“Hiện tại, bệnh nhân rất cố gắng. Nhưng tình trạng hô hấp của người bệnh rất đáng lo ngại”, bác sĩ Carvelli cẩn trọng báo tin.

Ở đầu dây bên kia là một khoảng lặng. Sau đó, người nhà bệnh nhân đáp: “Xin hãy cố hết sức”.

Sau khi theo dõi quá trình cấp cứu và gây mê nhân tạo cho một bệnh nhân, bác sĩ Carvelli nói: “Phòng chăm sóc đặc biệt là nơi duy trì sức khỏe của bệnh nhân cho đến khi cơ thể tự hồi phục. Đây là một quá trình thật sự khủng khiếp vì không phải ai cũng sống sót vượt qua”.

Đó là điều mà bác sĩ Carvelli không thể chia sẻ cùng người nhà bệnh nhân. “Chúng tôi thường phải vừa trấn an, vừa nói một phần sự thật. Đôi khi tôi cảm thấy rất khó để cân bằng”, bác sĩ Carvelli chia sẻ.

Trong các cuộc gọi hàng ngày, gia đình người bệnh thường hỏi về kết quả xét nghiệm với virus SARS-CoV-2. Trên thực tế, bệnh nhân ở La Timone được xét nghiệm 3 lần/tuần. Họ cũng được kiểm tra nồng độ oxy trong máu và sức khỏe tinh thần.

Sau đợt bùng phát dịch đầu tiên, các bác sĩ tại La Timone có nhiều kinh nghiệm để đưa ra dự đoán chính xác về bệnh tình của bệnh nhân.

Nhiều bác sĩ phải triệu tập gia đình người bệnh đến nói lời tạm biệt khi mà bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo.

“Ngay cả khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, bệnh tình vẫn có thể chuyển biến nghiêm trọng”, bác sĩ Carvelli nhẹ nhàng trao đổi với con gái của một bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh nhân này phải nằm điều trị trong phòng chăm sóc tích cực suốt 4 ngày qua.

“Không, tôi chỉ nghĩ nếu không mắc Covid-19, mọi thứ sẽ đỡ nghiêm trọng hơn một chút”, cô gái thổn thức đáp.

Bác sĩ Carvelli thông báo bệnh nhân vẫn còn dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng duy trì được sự tỉnh táo.

Cô gái hỏi: “Bác sĩ có thể nói với bố tôi rằng chúng tôi đang ở đây không?”.

“Tất nhiên rồi”, ông Carvelli đáp.

Cuộc trò chuyện kết thúc khi cô con gái nói lời tạm biệt trong sự nghẹn ngào.

Trong nửa đầu năm, khi virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện, hệ thống y tế của Pháp chỉ đáp ứng được một nửa số giường bệnh chăm sóc đặc biệt.

Ngày 11/5, khi lệnh phong tỏa đầu tiên chấm dứt, chính phủ Pháp cam kết tận dụng “khoảng lặng” để thiết lập thêm cơ sở điều trị và huấn luyện thêm nhân viên y tế.

Theo nhà virus học Stephen Griffin từ Đại học Leeds, mùa hè là thời điểm thích hợp để chuẩn bị do tỷ lệ lây nhiễm duy trì ở mức thấp nhất.

Dù vậy, La Timone mới chỉ bắt đầu cải tạo và mở rộng khu điều trị hồi đầu mùa thu.

Hiện tại, bệnh viện vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng dù dịch bệnh đang gần tới đỉnh. Nhân lực tiếp viện cũng đến muộn hơn dự kiến, trong khi các nhóm y tá mới vẫn chưa kết thúc khóa đào tạo đầu tiên.

Tại đây, đại dịch không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động vào tinh thần của các y bác sĩ. Chỉ một vài nhân viên y tế mắc bệnh song những người còn lại đều đã kiệt sức.

Vào một buổi chiều, hai lãnh đạo của bệnh viện phải tổ chức gặp mặt để lắng nghe ý kiến từ nhân viên.

Nữ y tá giàu kinh nghiệm Marie-Laure Satta, 37 tuổi, là người đóng góp ý kiến với các lãnh đạo. Ngồi bên cạnh bà Satta là nữ y tá Pauline Reynier, một trong những người mới được điều đến hỗ trợ bệnh viện La Timone.

Trong vài tuần tới, công việc chính của Reynier là túc trực phòng chăm sóc đặc biệt, nơi giường bệnh luôn chật kín và bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào. Cô cảm thấy hoang mang và lo sợ vì phải chống dịch ở tuyến đầu trong khi kinh nghiệm còn non.

Theo bà Marie-Laure Satta, những người mới đến như Reynier cần một danh sách ghi các đầu việc hay bản hướng dẫn chi tiết. Bằng cách này, họ có thể hỗ trợ hiệu quả thay vì trở thành gánh nặng cho những người khác. “Chúng tôi đều cần được nghỉ ngơi một chút”, bà Satta nói.

Các cấp lãnh đạo hiểu được mong muốn này, song họ không thể kiểm soát tình hình hiện tại. Cuộc trò chuyện kết thúc và không có thay đổi nào diễn ra.

Sau cùng, nữ y tá Satta nói: “Chúc các anh may mắn, vì các anh không ở trong vị trí tốt hơn chúng tôi chút nào”.

Giống như nhiều nhân viên y tế tại La Timone, bà Marie-Laure Satta đang dốc hết sức lực để chống chọi với đại dịch. Có thể nói đây là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong thế hệ của bà.

Khi cơn ác mộng này qua đi, bà Satta khao khát một cuộc sống bớt áp lực hơn. Chồng bà đang làm ca đêm tại phòng chăm sóc tích cực và hai đứa con của họ đang học mầm non. Khi bố mẹ đi làm, hai đứa trẻ được gửi sang nhà hàng xóm.

Những ngày gần đây, bà Satta dần mất kiên nhẫn với những lời hứa của chính phủ. Bà cho biết: “Các cấp lãnh đạo đang mưu cầu nhiều lợi ích khác, ngoài lĩnh vực y tế cộng đồng”.

Ca làm việc gần kết thúc cũng là lúc bệnh viện La Timone chỉ còn trống một giường bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ trực ca đêm hy vọng giường bệnh này sẽ giảm thiểu phần nào gánh nặng cho hệ thống y tế đang quá tải.

“Tôi muốn giữ một chỗ trống trong phòng bệnh”, bác sĩ Fouad Bouzana chia sẻ trong lúc trả lời các cuộc gọi cấp cứu.

Trên thực tế, phòng chăm sóc đặc biệt không thể tiếp nhận tất cả bệnh nhân mắc Covid-19. Nhiều trường hợp sẽ được điều trị ở khu chăm sóc cấp tính với hy vọng bệnh tình cải thiện. Một số ca nghiêm trọng hơn sẽ không thể hồi phục dù được điều trị tích cực.

Đêm hôm đó, bác sĩ Bouzana từ chối tiếp nhận 2 bệnh nhân vì họ đều quá già yếu. Hai trường hợp này sẽ tiếp tục nằm ở khu chăm sóc cấp tính.

Bác sĩ chia sẻ: “Chúng tôi luôn thảo luận nhóm khi chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân. Chỉ cần một bác sĩ kiên quyết, chúng tôi sẽ đưa bệnh nhân vào phòng chăm sóc đặc biệt”.

Theo nhiều nhà sử học, thành phố cảng Merseille từng là nơi khởi nguồn của dịch hạch. Năm 1720, khi Bệnh dịch Đen tái bùng phát ở châu Âu, một nửa số dân trong thành phố thiệt mạng.

Nói về đại dịch Covid-19 ở thời hiện tại, y tá Reynier cho biết: “Những gì chúng ta đang trải qua sẽ được lưu vào sử sách, vì nó thật đặc biệt”.

Uyên Uyên (Theo AP)

Đồ họa: Minh Hồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ac-mong-ben-trong-benh-vien-lon-nhat-mien-nam-nuoc-phap-post1154239.html