Ác mộng của Nga khi Mỹ tiến tới hủy bỏ nốt Hiệp ước New START

Sau khi hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung - INF, Nga đang rất lo ngại viễn cảnh Hoa Kỳ sẽ rút chân nốt khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược - New START.

Mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định rút Hoa Kỳ khỏi một trong những "hòn đá tảng" của quan hệ hợp tác quốc tế, đó là Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF.

Điều khoản của INF quy định hai quốc gia Nga - Mỹ không được triển khai các loại tên lửa hạt nhân tầm trung có tầm bắn nằm trong khoảng 500 - 5.000 km trên đất liền.

Dưới hiệu lực của INF, Mỹ và Nga đã phải tiến hành loại biên các tên lửa hạt nhân có tầm bắn trong khoảng cách trên, khiến cho nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện được hạn chế đi rất nhiều.

Việc Mỹ hủy bỏ INF ngoài đích nhắm là Nga còn được cho là hướng trực tiếp chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, vì Bắc Kinh là bên hưởng lợi khi hai cường quốc kiềm chế lẫn nhau.

Sau khi Hiệp ước INF không còn, Mỹ có thể tái triển khai nhiều loại vũ khí hạt nhân tầm trung sát biên giới Trung Quốc để giảm mối nguy cơ đối với mình cũng như các đồng minh.

Tuy nhiên không lâu sau khi Hiệp ước INF hết hiệu lực, Tổng thống Donald Trump lại một lần nữa gây sốc cho cộng đồng quốc tế khi tỏ ý muốn rút chân nốt khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới gọi tắt là New START.

Hiệp ước New START có hiệu lực vào ngày 5/2/2011, quy định 7 năm sau khi văn kiện có hiệu lực, mỗi bên không được ở hữu quá quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược.

Ngoài ra theo Hiệp ước New START, Nga - Mỹ không được sở hữu quá 1.550 đầu đạn trong triển khai ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược. Đồng thời chỉ được duy trì tổng số 800 bệ phóng cho các vũ khí trên.

Hiệp ước New START cũng quy định bắt buộc các bên phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và tàu sân bay mỗi năm 2 lần, nó có hiệu lực đến năm 2021 và có thể gia hạn 5 năm nếu hai bên đồng thuận.

Nhờ có hiệp ước INF và New START, ưu thế quân sự của Mỹ đối với Nga không có cơ hội gia tăng vì còn "hòn đá tảng" là các vũ khí chiến lược ở mức cân bằng.

Nhưng nay khi Mỹ có ý định rút chân khỏi INF và New START, với tiềm lực hùng hậu về kinh tế của mình, rất nhiều khả năng Washington sẽ bỏ xa cả Moskva trên lĩnh vực vũ khí hạt nhân sau khi đã chiếm ưu thế tuyệt đối về vũ khí thông thường.

Không chỉ có Nga cảm thấy e ngại việc Mỹ hủy bỏ hai Hiệp ước INF và New START mà chắc chắn hiện tại cả Trung Quốc cũng đang ở thế "đứng ngồi không yên".

Quãng thời gian gần 30 năm bị "bỏ quên" để Bắc Kinh có thể lặng lẽ gia tăng tiềm lực tấn công tên lửa tầm trung cũng như kho vũ khí chiến lược có thể nói đã chấm dứt.

Đang có một số nhận định cho rằng hành động của Tổng thống Trump khi muốn rút chân khỏi INF và New START là muốn kéo thêm Trung Quốc vào để tạo ra "thế chân vạc".

Nhưng cũng không loại trừ khả năng toan tính thực chất của ông là tạo ưu thế tuyệt đối về quân sự cho Mỹ đúng như những gì cam kết khi vận động tranh cử.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ac-mong-cua-nga-khi-my-tien-toi-huy-bo-not-hiep-uoc-new-start/787393.antd