ADB hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Bắc Kạn

Thật là thú vị là trong chuyến công tác đầu năm 2018, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay quan trọng tại tỉnh Bắc Kạn do các dự án mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ mang lại. Các tiềm năng đang được khơi dậy góp phần làm đổi thay bộ mặt và cuộc sống nơi đây.

Mục tiêu thiết thực

Nói đến Bắc Kạn, ta nhớ ngay đến địa danh hồ Ba Bể:

“Bắc Kạn có suối đãi vàng,

Có hồ Ba Bể, có nàng ao xanh”

Danh thắng hồ Ba Bể nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, được ví như người đẹp chưa hoàn toàn thức giấc, cũng giống như tiềm năng du lịch của Bắc Kạn nói chung vậy. Vấn đề đặt ra là làm sao khai phá các tiềm năng để phục vụ cho đời sống cộng đồng dân cư gồm nhiều dân tộc ít người tại đây.

Đấy chính là lí do các tiểu dự án của ADB nhằm vào phát triển du lịch bền vững tại Bắc Kạn, tập trung vào bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Kết quả là đã xây dựng được Trung tâm Giao lưu văn hóa và Thông tin Du lịch ngay gần Vườn Quốc gia Ba Bể, đảm bảo cung cấp thông tin và dịch vụ du lịch, trang thiết bị đào tạo… Cùng với đó là đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng, bảo tồn cảnh quan môi trường sinh thái, tôn tạo các nhà sàn cổ… tại các địa phương như: Làng rèn Pắc Rằng, bản Bó Lù, thúc đẩy mô hình homestay ở bản Pác Ngòi…

Đoàn phóng viên khảo sát thực địa chụp ảnh lưu niệm tại Khách sạn Vườn Quốc gia Ba Bể.

Thành tựu và thách thức

Tiếp chúng tôi tại Khách sạn Vườn Quốc gia Ba Bể, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao - Du Lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trước khi có dự án, nhận thức của người dân và cán bộ chưa bài bản. Sau khi có dự án, có đào tạo tập huấn, nhận thức, ứng xử của người dân nâng lên, làm du lịch, thương mại chuyên nghiệp hơn, thu hút được rất nhiều du khách. Cơ cấu sản xuất thay đổi, từ thuần túy nông nghiệp, buôn bán lâm thổ sản sang phối hợp làm du lịch tập thể từ trồng rau, nuôi gia cầm, gia súc, đánh cá, tới lập đội văn nghệ... cùng cung cấp các sản phẩm dịch vụ làm du lịch thay vì trước kia nhà nào biết nhà ấy.

Đến nay, tại các bản làm du lịch hầu như không có hộ nghèo vì nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp tham gia thông qua chuỗi dịch vụ cung ứng cho du lịch homestay. Mặt tích cực là như vậy, tuy nhiên vẫn có không ít khó khăn. Đó là: đường xá chật hẹp, khó vào; chưa có nhà đỗ xe, nơi sinh hoạt chung của khách; người dân cơi nới, xây dựng thêm, phá vỡ vẻ đẹp nguyên sơ; tiếng Anh của dân còn hạn chế để giới thiệu với khách; chưa tạo được cơ hội cho khách đi đông, ở lại nhiều vì thiếu chỗ ngủ; chuỗi sản phẩm du lịch chưa phong phú, chủ yếu là nghỉ dưỡng; điểm giải trí, thu hút khách chưa có; Thời gian chết của khách du lịch khá nhiều; các làng nghề, như dệt quần áo, công sức nhiều song không bán được hàng; vệ sinh môi trường chưa đảm bảo do thói quen xả rác của người dân và khách du lịch… Cần đầu tư nhiều thêm nữa cho hạ tầng làm du lịch nơi đây: như hệ thống giao thông, nhà nghỉ để có thể chứa được nhiều khách, xây dựng các điểm hút khách như chợ đêm, khu du lịch mạo hiểm, giải bơi…”.

Ông Hoàng Văn Chuyền, trưởng thôn Pác Ngòi (thứ hai từ phải) trao đổi với các phóng viên.

“Bùng nổ” du lịch homestay

Từ Khách sạn Vườn Quốc gia Ba Bể, vượt khoảng hơn 20 km và thêm khoảng nửa tiếng đi thuyền trên hồ Ba Bể, chúng tôi tới nghỉ đêm và tham gia du lịch homestay tại Pác Ngòi. Những gì chứng kiến tại đây như một minh chứng cho giới thiệu của ông Hà. Cảnh quan tuy có sự tác động bởi bàn tay con người qua các công trình nhà ở với khá nhiều biển Homestay song vẫn đầy nét nguyên sơ, hữu tình. Buổi tối cuối đông hơi lạnh tại vùng núi ven hồ Ba Bể đến khá sớm. Sau buổi ăn tối với các màn chúc rượu, trao đổi với chủ nhà cùng thực phẩm khá đa dạng, chúng tôi được thưởng thức tiết mục văn nghệ sinh động của đội văn nghệ thôn (cả thôn có 4 đội văn nghệ), có cả màn giao lưu vui nhộn với các vị khách, đặc biệt là với những người bạn đến từ Đan Mạch.

Thức dậy sau một giấc ngủ ngon và yên bình, chúng tôi tiếp tục hành trình thưởng ngoạn và tìm hiểu tại Pác Ngòi.

Ông Hoàng Văn Chuyền, trưởng thôn Pác Ngòi cho biết: Ông mở dịch vụ homestay từ năm 2015. Cả thôn có 97 hô, 421 nhân khẩu, trong đó có 24 hộ kinh doanh homestay. Hiện thôn có 12 hộ nghèo, chủ yếu là các hộ vừa tách ra, chưa có khả năng làm homestay. Tuy nhiên nghèo không phải đói ăn mà là thiếu cái khác, như công nghệ thông tin chẳng hạn. Cách đây 5 năm, khi chưa có đầu tư của ADB một nửa thôn vẫn nghèo. Nhiều gia đình thích làm du lịch homestay vì ngoài thu nhập chính là nông nghiệp, nay lại có thu nhập thêm. Cả thôn hiện đã khang trang hơn nhiều với việc ứng dụng nhiều sản phẩm của đời sống hiện đại nhờ có du lịch Homestay.

Du lịch homestay tại Pác Ngòi

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngôn Văn Toàn, chủ nhà nghỉ Khánh Toàn, nơi mở dịch vụ homestay đầu tiên từ 1996-1997, hào hứng kể lại các kỷ niệm trong hơn hai mươi năm làm du lịch Homestay. Tuy hình thức homestay xuất hiện đã lâu, song chỉ thực sự phát triển mạnh khi có các dự án của ADB. Nhà nghỉ của ông một ngày có thể đón được 40-60 người. Năm 2016 đón 1.200-1.500 lượt khách Tây. Trung bình, khách phải chi phí 480-500 nghìn đồng /ngày đêm kể cả đi thuyền. Ông thích làm du lịch vì vui hơn, có tiền ngay, được nâng cao trình độ, song vẫn duy trì 3.000 m2 đất canh tác để lấy lúa ăn. Thường khách vắng vào mùa mưa, mùa cao điểm đón khách là các ngày lễ. Nhìn chung khách thích không khí trong lành và cảnh quan song thường chỉ nghỉ lại hai đêm.Trong hai mươi năm qua, tuy ít song có khách đã quay lại dến lần thứ hai, thứ ba. Mọi người trong thôn đoàn kết, thỏa thuận với nhau, cùng làm du lịch, hàng năm có tổng kết, đánh giá. Ông Toàn mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường xá, các điểm dịch vụ công cộng…

Rời Pác Ngòi, chúng tôi dành trọn ngày còn lại khám phá cảnh đẹp hồ Ba Bể, thăm đền An Mã, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, rồi Ao Tiên và ngược dòng sông Năng tới Động Puông…Câu hỏi luôn vương vấn trong tâm trí chúng tôi là bao giờ du lịch Ba Bể “ thức giấc” hoàn toàn đúng với tiềm năng của mảnh đất này để rồi lại phục vụ cho chính con người nơi đây. Điều đấy chắc chắn còn cần thêm nhiều sự quan tâm đầu tư hơn nữa về trí tuệ và vốn của các bên hữu quan.

VÀI NÉTVỀ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ KÔNG MỞ RỘNG TẠI BẮC KẠN

Thông tin cơ bản:

Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, với tổng mức đầu tư là 11.792.000 USD được thực hiện trong giai đoạn 2009-2013, tại 05 tỉnh, bao gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Trong đó, vốn ODA (tài trợ của ADB) là 10.000.0000 USD và vốn đối ứng trong nước là 1.792.000 USD. Các tiểu dự án thực hiện tại tỉnh Bắc Kạn có tổng mức đầu tư là 2.099.970 USD. Trong đó, vốn tài trợ của ADB là 1.735.200 USD; vốn đối ứng trong nước là 364.770 USD.

Kết quả thực hiện:

Việc sử dụng và khai thác các công trình, thiết bị của dự án đúng mục đích đầu tư đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động kinh doanh du lịch của Bắc Kạn (trọng tâm là khu du lịch Ba Bể) với thành tích năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2017 như sau:

- Tổng số khách du lịch đạt được là 445.500 lượt, tăng 11% so với năm 2016, tăng 65% so với năm 2013 (trước khi dự án kết thúc), trong đó lượng khách quốc tế đến Bắc Kạn là 13.778 lượt, tăng 40% so với năm 2016.

- Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 301 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016, tăng 40% so với năm 2013.

Xuân Thông

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/adb-ho-tro-phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-bac-kan-67249.html