ADB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng

Triển vọng kinh tế trước mắt có nhiều khó khăn song Việt Nam thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác.

Ngày 15/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020-ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của ADB.

Báo cáo cho thấy nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tăng trưởng 1,8% thay vì 4,1% như đã dự báo trước đó, trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.

Các chuyên gia ADB phân tích nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.

Cũng theo chuyên gia của ADB, tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm.

“Tuy nhiên, việc đẩy nhanh đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này. Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại,” chuyên gia ADB nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế và các doanh nghiệp còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam trước mắt có nhiều khó khăn

Triển vọng kinh tế của Việt Nam trước mắt có nhiều khó khăn

Dù vậy, hoạt động cho vay sẽ vẫn tiếp tục yếu mặc dù ngân hàng trung ương đã áp dụng những biện pháp hỗ trợ. Về phần mình, các ngân hàng có thể không muốn nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để chấp nhận bảng cân đối kế toán yếu hơn của doanh nghiệp, do lo ngại gia tăng nợ xấu khi kết thúc thời hạn tái cơ cấu khoản vay. Nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp cũng giảm, đi đôi với lượng cầu thấp đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, tín dụng ngân hàng được dự báo chỉ tăng 10% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng năm 14,0% của ngân hàng trung ương.

Ngoài ta, tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và ADB cho thấy có khoảng 548.000 người lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 ngay cả khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả.

Các chuyên gia ADB cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

Trước đó, kết luận cuộc họp mới nhất của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp cụ thể, theo tinh thần từng đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và từng cá nhân đều tích cực xác lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch.

“Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp”, Thủ tướng nêu rõ.

Đến nay, cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát, yêu cầu của Thủ tướng là cần cố gắng phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021, mà theo dự kiến sơ bộ, có thể ở mức khoảng 6-6,5%

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/adb-tang-truong-kinh-te-viet-nam-van-vung-vang-3419015/