AFF Cup - Nơi sống dậy của các nền bóng đá Đông Nam Á: Sự trở lại của Việt Nam

Nếu như Malaysia bắt đầu từ con số không tại kỳ Tiger Cup đầu tiên, Việt Nam lại làm điều ngược lại. Từng được đánh giá rất cao trong 3 lần tổ chức đầu tiên, nhưng ở Tiger Cup 2002, đội quân của Calisto chỉ được xếp vào nhóm ngựa ô.

Chắp vá

Trong suốt thập niên 90 và Tiger Cup 2000, người hâm mộ nước nhà đều quen với những cái tên gạo cội, đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hoàng Bửu, Đỗ Khải… Nhưng tại giải đấu trên đất Indonesia, Việt Nam chỉ còn mình đội trưởng Huỳnh Đức. Dẫn dắt Việt Nam tại giải năm ấy cũng là một ông thầy mới - Henrique Calisto, người mới chỉ khẳng định được tài năng trong màu áo CLB - đội Long An. Cùng với rất nhiều tuyển thủ lần đầu lên tuyển như Huy Hoàng, Minh Phương, Tài Em và Văn Quyến, Việt Nam không còn được xếp vào nhóm ứng viên vô địch. Ông thầy người Bồ Đào Nha thậm chí phải sử dụng rất nhiều ngôi sao nở muộn như Huỳnh Hồng Sơn (33 tuổi), Trịnh Xuân Thành, Trần Trường Giang (cùng 26 tuổi).

HLV Calisto giành tấm HCĐ lịch sử, lấy lại niềm tin cho bóng đá Việt Nam

Việt Nam trong năm 2002 không còn là một thế lực của bóng đá khu vực. Chúng ta đã thất bại tan nát ở Tiger Cup 2000 khi chỉ xếp thứ tư, dù được đánh giá là mạnh hơn cả chủ nhà Thái Lan trước giải. Ở kỳ SEA Games 21 diễn ra năm 2001, giải đấu đầu tiên giới hạn độ tuổi tham dự của cầu thủ xuống 23, Việt Nam cũng bị loại ngay từ vòng bảng. Gói gọn hình ảnh của Việt Nam trước thềm Tiger Cup 2002, có thể dùng câu “tre đã già nhưng măng chưa mọc”.

HLV Calisto không có nhiều thời gian để lắp ghép đội hình. Trong quá trình chuẩn bị cho giải đấu, Việt Nam còn gặp sự cố ở trận giao hữu trên đất Thái Lan khi gần một nửa đội hình phá kỷ luật đi chơi về muộn. Trong số này, rất nhiều người được đánh giá cao như Thế Anh, Tài Em, Văn Sỹ, Văn Quyến. Dù vậy, việc xé rào khiến họ suýt bị gạch tên khỏi kế hoạch dự Tiger Cup 2002 khi lãnh đội đề xuất ý kiến đưa đội Olympic sang thay thế.

Việt Nam không kỳ vọng nhiều vào giải đấu năm 2002 nên việc cắt suất tham dự của đội tuyển, ở khía cạnh nào đó, có thể được duyệt. Dù nằm ở bảng đấu không quá mạnh, gồm chủ nhà Indonesia, Myanmar, Campuchia và Philippines, chúng ta chỉ dám mơ tới việc vượt qua vòng bảng. Đó là điều gần như được mặc định với các đội tuyển Việt Nam mỗi khi đua tranh trong khu vực, kể từ sau SEA Games 18 năm 1995.

Lịch thi đấu năm đó cũng không ủng hộ thầy trò Calisto. Hai trận đấu quan trọng nhất vòng bảng của Việt Nam, gặp Indonesia và Myanmar, diễn ra chỉ cách nhau 2 ngày. Ở trận đấu mở màn vòng bảng, hai đối thủ trực tiếp của Việt Nam hòa nhau không bàn thắng. Điều ấy càng đẩy Việt Nam vào thế bí, bởi chỉ cần sơ sảy thua một trận, chúng ta rất khó lật ngược thế cờ.

Vượt khó

Giữa muôn trùng gian khó, Việt Nam đã không chỉ một mà hai hai lần chứng tỏ được bản lĩnh. Đầu tiên là tại vòng bảng. Trước sức ép của hàng vạn khán giả chủ nhà trên sân Gelora Bung Karno, đội quân của Calisto bị Indonesia chọc thủng lưới ngay phút 12. Indonesia rất mạnh thời điểm đó, và từng hạ Việt Nam ở bán kết Tiger Cup 2000. Thế trận trong suốt 45 phút đầu tiên tiếp tục diễn ra theo hướng bất lợi khi chúng ta hầu như chỉ lo chống đỡ các pha hãm thành của đội chủ nhà. Tuy nhiên, trong vòng 6 phút đầu hiệp hai, Tài Em và Huỳnh Đức tỏa sáng, liên tiếp ghi hai bàn giúp chúng ta dẫn ngược 2-1. Dù bị đối thủ gỡ hòa 2-2 trong những phút cuối, một điểm có được đã mở toang cánh cửa vào bán kết cho Huỳnh Đức cùng đồng đội. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam đè bẹp Myanmar với tỷ số 4-2 ở trận đấu sau đó hai ngày.

Đội tuyển Việt Nam ở Tiger 2002

Vào bán kết, Việt Nam gặp đối thủ đầy duyên nợ Thái Lan. Giống như hai năm trước, chúng ta thất bại, nhưng điều bất ngờ tới ở trận tranh HCĐ. Thay vì buông xuôi, HLV Calisto hạ lệnh phải mang huy chương về Tổ quốc. Đó là điều ông từng bắt các học trò hứa ở khách sạn Bangkok, là phải chơi thật tốt tại Tiger Cup 2002, sau vụ đi chơi đêm về muộn. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha giữ nguyên ngọc lửa ấy vào trận cầu thường bị xem nhẹ ở các giải đấu, để rồi Trần Trường Giang và Minh Phương, cụ thể hóa ưu thế của Việt Nam bằng hai pha lập công, chia đều trong hai hiệp, giúp Việt Nam đánh bại Malaysia 2-1, đồng thời trả món nợ đã vay ở trận tranh HCĐ trước đó hai năm.

Nhiều hảo thủ của Việt Nam sau Tiger Cup 2002 như Tài Em, Minh Phương là người cùng Calisto vô địch AFF Cup 2008. Tuy nhiên, phát hiện lớn nhất của nhà cầm quân này tại giải đấu phải kể tới Văn Quyến. Tiền đạo xứ Nghệ trưởng thành vượt bậc trong vài năm sau đó, giúp Việt Nam lấy lại vị thế tại đấu trường khu vực. Tiếc là anh dính vào vụ dàn xếp tỷ số ở SEA Games 23 và sớm phải chia tay bóng đá đỉnh cao.

HÀ GIANG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/aff-cup-noi-song-day-cua-cac-nen-bong-da-dong-nam-a-su-tro-lai-cua-viet-nam-post230148.html