Afghanistan đối mặt với bất ổn mới

Cuộc tranh chấp Ghani-Abdullah có thể thêm vào nhiều thách thức mà Afghanistan phải đối mặt, bao gồm cả những thách thức liên quan đến tiến trình hòa bình. Một cuộc khủng hoảng chính trị tiềm tàng ở Afghanistan xuất hiện khi Mỹ và Taliban tiến gần một thỏa thuận dự kiến ký ở Doha vào ngày 23-2.

Cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan lần thứ 4 thời kỳ hậu Taliban diễn ra ngày 28-9-2019. Nhưng từ đó đến nay, kết quả chưa được công bố do các cáo buộc gian lận cũng như các vấn đề kỹ thuật với các thiết bị sinh trắc học được sử dụng để bỏ phiếu.

Theo Ủy ban bầu cử độc lập (IEC) công bố ngày 18-2, ông Ashraf Ghani, đương kim tổng thống giành được 50,64% phiếu bầu. Tiếp theo là cựu Phó Tổng thống Abdullah Abdullah, với 39,52%. Ông Abdullah đã từ chối kết quả này và tuyên bố sẽ thành lập chính phủ riêng trong khi Mỹ đang chuẩn bị ký thỏa thuận hòa bình với Taliban để rút quân khỏi Afghanistan. Những diễn biến này cho thấy Afghanistan đang đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn mới.

Taliban cũng từ chối kết quả được IEC công bố. Tại Washington, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nói rằng Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad, người đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Taliban về một thỏa thuận rút quân của Mỹ đã đến Kabul để thảo luận diễn biến mới nhất với các nhà lãnh đạo chính trị Afghanistan.

Theo ông Molly Phee, phó của ông Khalilzad, cuộc tranh chấp Ghani-Abdullah có thể thêm vào nhiều thách thức mà Afghanistan phải đối mặt, bao gồm cả những thách thức liên quan đến tiến trình hòa bình. Một cuộc khủng hoảng chính trị tiềm tàng ở Afghanistan xuất hiện khi Mỹ và Taliban tiến gần một thỏa thuận dự kiến ký ở Doha vào ngày 23-2. Ông Ghani đang tìm cách đàm phán với Taliban. Nỗ lực đó có thể đã bị sa lầy trong cuộc tranh luận chính trị và tranh chấp quyền lực với ông Abdullah.

Riêng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo các nhà phân tích, kế hoạch hòa bình Afghanistan là một canh bạc trong năm bầu cử: Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Tổng thống Donald Trump có thêm lợi thế để chấm dứt cuộc xung đột dài nhất ở nước ngoài do Mỹ tham chiến. Ngược lại, ông có thể gây ra một cuộc nội chiến mới ở Afghanistan.

Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban bắt đầu bằng việc giảm bạo lực trong 135 ngày và Mỹ sẽ bắt đầu rút quân từ mức 13.000 quân hiện nay xuống còn 8.600 quân. Hòa bình Afghanistan cũng là chủ đề chính tại cuộc họp thường niên của Hội nghị an ninh Munich vào cuối tuần qua. Các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Ngoại trưởng cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Mike Pompeo và Mark Esper với vai trò dẫn dắt của Đại diện đặc biệt Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad, người đã đàm phán trong 2 năm qua với Taliban.

Ông Khalilzad hy vọng sẽ giảm được 70%-80% bạo lực trong giai đoạn giảm bạo lực 135 ngày. Nếu bạo lực không kết thúc, việc rút quân sẽ chấm dứt. Để theo dõi việc thực thi thỏa thuận Mỹ - Taliban, đại diện của Mỹ và Taliban sẽ duy trì một văn phòng chung ở Doha, Qatar nhằm đánh giá dữ liệu từ khu vực chiến tranh và giải quyết các vấn đề phát sinh. Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng yêu cầu Tổng thống Donald Trump tăng thêm cơ hội cho hiệp ước hòa bình của mình bằng cách trao thêm cho Pakistan thỏa thuận thương mại tự do để đổi lấy sự hỗ trợ thực sự.

Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham, một đồng minh thân cận của ông Donald Trump, đã thường xuyên cảnh báo về nguy cơ khi rút quân Mỹ khỏi Afghanistan quá vội vàng. Theo ông O. Graham, quân đội Mỹ chỉ nên rời đi nếu Taliban đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc giảm bạo lực. Thượng nghị sĩ Robert Menendez của đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cũng có lời cảnh báo tương tự.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/afghanistan-doi-mat-voi-bat-on-moi-646529.html