Afghanistan: Hồi kết cho cuộc chiến 20 năm

Mỹ thông báo sẽ rút quân khỏi Afghanistan trong năm nay, đánh dấu hồi kết cho cuộc chiến kéo dài 20 năm mà không hoàn toàn thu lại được kết quả tích cực.

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, Mỹ sẽ rút hết binh sĩ còn lại khỏi Afghanistan vào ngày 11/9 năm nay, kết thúc cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử quốc gia này. Việc Mỹ rút khoảng 2.500 lính khỏi quốc gia Tây Nam Á này trùng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày “xứ sở cờ hoa” bị tấn công khủng bố bởi al-Qaeda, và là “giọt nước tràn ly” khiến Mỹ khởi động chiến dịch chống khủng bố và đưa quân vào Afghanistan.

Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ, đi thăm một trung tâm huấn luyện của Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) ở Kabul vào ngày 1/11/2011. (Nguồn: AFP)

Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ, đi thăm một trung tâm huấn luyện của Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) ở Kabul vào ngày 1/11/2011. (Nguồn: AFP)

Sau gần 2 thập kỷ và 3 nhiệm kỳ tổng thống, với cuộc chiến lấy đi hàng ngàn mạng sống của lính Mỹ và người Afghanistan, ông Biden đã dõng dạc tuyên bố rằng, động thái rút hết quân khỏi Afghanistan là điều mà không ai trong 3 người tiền nhiệm của ông làm được.

“Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Đã đến lúc quân đội Mỹ phải về nhà”, ông Biden phát biểu về quyết định trên. “Tôi hiện là tổng thống Mỹ thứ tư quản lý sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan. Hai tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, hai tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho người thứ năm”.

Sau khi Mỹ công bố quyết định của mình, Anh, Đức và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố sẽ cùng với Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan. Cụ thể, Anh sẽ rút khoảng 750 binh sĩ, với Đức là 1.000 binh sĩ. NATO cũng cho biết, 7.000 binh lính không phải của Mỹ ở Afghanistan cũng sẽ rời đi trong vài tháng tới.

Hiện quân đội Mỹ tại Afghanistan còn khoảng 2.500 lính, rất ít so với đỉnh điểm hơn 100.000 lính vào năm 2011. Trên thực tế, con số này lớn hơn do lực lượng chống khủng bố Mỹ không được tính vào số lượng huấn luyện chính thức.

Khởi đầu cuộc chiến chống khủng bố

Cuộc chiến tại Afghanistan được châm ngòi sau thảm họa khủng bố ngày 11/9/2001. Vào cái ngày định mệnh đó, các phần tử khủng bố của al-Qaeda đã bắt cóc bốn chiếc máy bay dân dụng và lái những chiếc máy bay này đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới (New York), Lầu Năm góc (Virginia) và một cánh đồng ở Pennsylvania. Vụ khủng bố này đã khiến gần 3.000 người chết. Ngay sau đó, Osama bin Laden, kẻ đứng đầu nhóm khủng bố Hồi giáo, được xác định là kẻ đứng sau vụ tấn công.

Ngày 11/9/2001 được coi là ngày tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. (Nguồn: Getty)

Ngay sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ có lý do chính đáng để mang quân sang chiến đấu ở Afghanistan - quét sạch nhóm khủng bố al-Qaeda và lật đổ chính quyền Taliban, lực lượng chính trị và quân sự Hồi giáo điều hành quốc gia này. Mặc dù không ai trong số những kẻ không tặc hoặc lập kế hoạch là người Afghanistan, chính quyền Tổng thống George W. Bush đã xếp các thủ lĩnh Taliban vào đối tượng khủng bố, do họ đã cho al-Qaeda mật phục và từ chối giao nộp người cầm đầu Osama bin Laden.

Chiến dịch Tự do Bền vững bắt đầu vào ngày 7/10/2001 với các đợt ném bom vào các lực lượng của Taliban. Trong vòng sáu tháng, các thủ lĩnh của al-Qaeda và Taliban đã chết, bị bắn hoặc đang lẩn trốn. Tuy nhiên, thay vì rút quân, Mỹ bắt đầu xây dựng kế hoạch phản đòn - điều dẫn tới các cuộc chiến trong 20 năm sau đó.

Vào đầu tháng 11/2001, một nhóm nhỏ lính thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ đã được triển khai tới Afghanistan để chiến đấu cùng với Liên minh miền Bắc, một đội quân mang tên Liên minh miền Bắc được hình thành chủ yếu từ các tay súng du kích và binh lính quân đội thuộc chính phủ đã bị Taliban lật đổ năm 1996.

Tháng 12/2001, các lực lượng của Taliban đã bị đánh bật khỏi các thành trì của chúng ở Kandahar. Các hang động ở Tora Boca, phía Đông Nam Kabul, nơi được cho là chỗ trú ẩn của Bin Laden, đã bị máy bay B-52s của Mỹ ném bom trong suốt hai tuần. Taliban sụp đổ, nhưng Bin Laden đã trốn thoát cùng với Mullah Omar - thủ lĩnh của Taliban.

Tháng 3/2002, các đơn vị quân đội Mỹ và Afghanistan đã tiến hành Chiến dịch Anaconda, cuộc tấn công trên mặt đất quy mô lớn đầu tiên kể từ sau cuộc chiến ở Tora Bora hồi tháng 12/2001. Hơn 800 tay súng Taliban và Al Qaeda đã bị đánh bật khỏi Thung lũng Shah-i-Kot trong chiến dịch này.

Tháng 5/2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld thông báo các chiến dịch chiến đấu lớn đã chấm dứt ở Afghanistan. Trong cùng ngày, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố “nhiệm vụ đã hoàn thành” ở Iraq. Khi đó, có khoảng 8.000 quân đóng tại Afghanistan.

Bước ngoặt quan trọng

Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ lên 68.000 binh sĩ, thực hiện đúng lời hứa của ông trong quá trình tranh cử là chuyển trọng tâm quân sự từ Iraq sang Afghanistan. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn chưa thể nhanh chóng đạt được thắng lợi.

Ngày 2/5/2011, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc đột kích và tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden tại một ngôi làng ở Pakistan, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến ở Afghanistan. Tổng thống Obama đã ca ngợi chiến thắng này như “một thành quả quan trọng nhất trong nỗ lực của Mỹ chống lại Al Qaeda”.

Từ giữa năm 2013 đến cuối năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rút gần 34.000 binh sĩ Mỹ ra khỏi Afghanistan và tuyên bố chính thức kết thúc các hoạt động chiến đấu của Mỹ ở quốc gia này vào ngày 28/12/2014. Thời điểm đó, số lượng lính Mỹ ở Afghanistan là 9.800.

Vào năm 2015, Chiến dịch Tự do Bền vững đã được đổi tên thành Chiến dịch Hỗ trợ kiên quyết và bắt đầu ngày 1/1/2015. Theo Chiến dịch của NATO, 13.000 binh sĩ, chủ yếu là lính Mỹ, sẽ được duy trì ở Afghanistan trong vòng hai năm đề đào tạo và cố vấn cho các lực lượng an ninh Afghanistan.

Tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump đã vạch ra một chiến lược mới để giải quyết cuộc xung đột ở Afghanistan trong một bài phát biểu tại căn cứ quân sự Fort Myer, Virginia. Ông Trump đã mời Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong việc khôi phục hòa bình ở Afghanistan, đồng thời lên án Pakistan chứa chấp lực lượng Taliban.

Năm 2019, Mỹ tăng cường đàm phán hòa bình với Taliban ở Doha. Các quan chức Taliban thề sẽ ngăn chặn các nhóm khủng bố quốc tế khỏi Afghanistan để đổi lấy việc Mỹ rút quân.

Đến năm 2020, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận, mở đường cho việc hàng loạt binh sĩ nước ngoài rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, hai bên đã không ký kết một thỏa thuận ngừng bắn, khiến cho các chiến binh Taliban đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Afghanistan trong những ngày sau đó. Đáp lại, Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào lực lượng Taliban đóng tại tỉnh Helmand.

Vào tháng 11/2020, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher C. Miller đã công bố kế hoạch giảm một nửa quân số xuống còn 2.500 quân vào tháng Giêng năm sau. Sau thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, hàng nghìn binh sĩ đã được rút đi.

Trước đó, chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump đặt ra hạn chót rút hết binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan là ngày 1/5 theo thỏa thuận với Taliban, nhưng chính quyền Tổng thống Biden cho rằng, thời hạn này khó có thể đáp ứng do thiếu thời gian chuẩn bị.

Kế hoạch hậu rút quân

Việc Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan không đồng nghĩa rằng, Washington sẽ từ bỏ các cam kết đối với khu vực. Ngày 15/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kabul để khẳng định với lãnh đạo quốc gia này "dù rút quân nhưng Mỹ luôn duy trì cam kết an ninh lâu dài đối với đất nước và người dân Afghanistan".

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng, Mỹ sẽ rút hết binh sĩ còn lại khỏi Afghanistan vào ngày 11/9/2021, kết thúc cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử quốc gia này. (Nguồn: Getty)

Ngoài ra, theo New York Times, Mỹ đã có được những bài học “đắt giá” trong quá khứ từ việc rút quân khỏi Iraq, khiến cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành nỗi sợ hãi của thế giới. Chính vì vậy, Lầu Năm Góc đang thảo luận với các đồng minh về khả năng bố trí lực lượng tới các nước láng giềng như Tajikistan, Kazakhstan và Uzbekistan.

Máy bay tấn công trên tàu sân bay, máy bay ném bom tầm xa từ các căn cứ đất liền của Mỹ dọc theo Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương và thậm chí máy bay không người lái được điều khiển từ Mỹ hoàn toàn có thể tấn công các lực lượng nổi dậy nếu có bất kì tình huống xấu nào xảy ra.

Trong một bài phát biểu từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ không rời mắt khỏi mối đe dọa từ khủng bố”, đồng thời khẳng định sẽ tổ chức lại đội ngũ để ngăn chặn sự tái xuất hiện của các lực lượng này.

Năm 2021 sẽ chứng kiến dấu chấm hết cho sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại quốc gia Tây Nam Á này, vốn đã trở thành một thực tế cuộc sống của một thế hệ người Afghanistan trong suốt 40 năm xung đột. Cuộc chiến đã khiến Mỹ tốn 2.000 tỷ USD và khoảng 2.400 quân nhân nước này thiệt mạng. Ngoài ra, ít nhất 100.000 dân thường Afghanistan thương vong trong cuộc xung đột kéo dài.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/afghanistan-hoi-ket-cho-cuoc-chien-20-nam-142699.html