Afghanistan - không chỉ là nỗi lo

Chỉ trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ 6-8 đến 8-8, bằng những đợt tấn công chớp nhoáng, lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát thêm 5 thủ phủ các tỉnh tại khu vực miền Bắc Afghanistan, bao gồm cả những 'trọng trấn' như Kunduz - thủ phủ tỉnh Kunduz và Taloqan - thủ phủ tỉnh Takhar.

Những nỗi lo về việc ngọn lửa nội chiến bùng lên sau khi quân đội Mỹ cũng như các lực lượng quốc tế triệt thoái khỏi Afghanistan đã nhanh chóng trở thành hiện thực.

Nước Mỹ quay cuồng

Nước Mỹ rõ ràng là phải chịu một phần trách nhiệm về bối cảnh rối ren hiện tại ở đất nước Nam Á ấy, bởi đây chính là những gì giới quan sát quốc tế đã sớm tiên liệu, ngay từ khi cựu chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump bắt đầu xúc tiến những cuộc thương thảo riêng rẽ đầu tiên với Taliban, hồi đầu năm 2020. Bởi vậy, quân đội Mỹ cũng đã có những động thái phản ứng, sau những đợt tấn công mãnh liệt mà Taliban thực hiện.

Ngày 7-8, theo Thông tấn xã TASS (Nga), dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan - ông Fawad Aman: “Nhóm Taliban đã trở thành mục tiêu của B-52 tại thành phố Sheberghan, tỉnh Jawzjan”. Như ông Aman cho biết, theo số liệu sơ bộ, khoảng 200 tay súng Taliban đã thiệt mạng.

Trong khi đó, tờ The Times dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết thêm: Các máy bay B-52 của Mỹ đã bay vào Afghanistan từ một căn cứ không quân ở Qatar để tấn công các mục tiêu ở tỉnh Kandahar, tỉnh Herat và Lashkar Gah thuộc tỉnh Helmand. Còn theo tờ New York Post, Mỹ cũng điều động máy bay tiêm kích F/A-18 SuperHornet từ tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan đang hoạt động trên biển Arab cùng máy bay AC-130 Spectre tham gia các cuộc không kích này.

Thành phố Sheberghan của tỉnh Jawzjan là thủ phủ cấp tỉnh thứ hai, sau thành phố Zaranj thuộc tỉnh Nimroz, rơi vào tay Taliban trong vòng 24 giờ, kể từ ngày 6-8. Nhiều thành phố và khoảng một nửa trong tổng số 34 tỉnh của Afghanistan chìm trong các vụ đụng độ lớn, khi Taliban liên tục tập kích các lực lượng an ninh. Bạo lực gia tăng tại Afghanistan kể từ tháng 5-2021, khi các lực lượng nước ngoài bắt đầu triệt thoái toàn bộ binh sĩ khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Tính đến cuối tháng 7, theo tờ The Economist, Taliban kiểm soát tới 229 quận so với 66 của chính phủ Kabul và chiến sự giằng co diễn ra ở 112 quận.

Ngày 9-8, đến lượt Aibak - thủ phủ tỉnh Samangan bị “bức hàng”. Lầu Năm Góc ước tính Taliban đã kiểm soát được một nửa trong tổng số 419 trung tâm cấp quận, huyện của Afghanistan. Trước đó 2 ngày, một quả bom gắn trộm vào xe hơi nổ tung ở Kabul, khiến phi công Hamidullah Azimi thiệt mạng và làm bị thương 5 người khác. Azimi được đào tạo để điều khiển trực thăng UH60 Black Hawk do Mỹ sản xuất và đã phục vụ trong lực lượng này 4 năm. Người phát ngôn Zabihullah Muhajid của Taliban đã ra tuyên bố thừa nhận trách nhiệm.

Theo hãng tin Reuters, Taliban đã và đang triển khai một chiến dịch nhằm ám sát các phi công quân sự được Mỹ huấn luyện và đào tạo. Chiến dịch này được Kabul xác nhận là đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 phi công Afghanistan trước vụ đánh bom xe ngày 7-8 ấy. Nghĩa là, sức mạnh vốn đã hạn chế của không quân Afghanistan lại càng trở nên mỏng đi đáng kể.

Các chiến binh Taliban nhanh chóng tràn ngập miền Bắc Afghanistan.

Tuy vậy, bên cạnh việc cho B-52 xuất kích, Washington cố gắng vãn hồi tình thế bằng cả các công cụ ngoại giao. Ngày 6-8, theo Reuters, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: “Quan điểm của chúng tôi là nếu Taliban tuyên bố muốn có tính hợp pháp quốc tế, những hành động này sẽ không hướng tới tính hợp pháp mà họ tìm kiếm. Họ có thể lựa chọn cống hiến sức lực cho tiến trình hòa bình như họ đang dành cho chiến dịch quân sự mà họ đang thực hiện”.

Song, đến ngày 8-8, câu trả lời dứt khoát được đưa ra từ phía Taliban, trên kênh truyền hình Al-Jazeera: Chẳng có thỏa thuận ngừng bắn nào giữa Taliban với chính phủ Kabul hết (ít nhất là tới thời điểm đó). Và trong khi Taliban vẫn e dè dự báo đến kịch bản Mỹ can thiệp sâu hơn vào tình hình quốc gia này thì cựu Đại sứ Mỹ tại Kabul - Ryan Crocker, một nhà ngoại giao kỳ cựu - nhận định: Hầu như không có khả năng Mỹ sẽ can thiệp trở lại Afghanistan sau khi hoàn tất quá trình rút quân vào cuối tháng này.

Đúng vậy, “cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ” từ lâu đã trở thành một vũng lầy, một gánh nặng, một “cỗ máy đốt tiền” mà cho dù xung đột quan điểm với nhau ở những vấn đề khác như nước với lửa, cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn đương kim Tổng thống Joe Biden đều muốn thoát khỏi nó bằng mọi giá.

Kabul run rẩy

Và không chỉ Kabul, cộng đồng quốc tế cũng vô cùng lo ngại, trước sự leo thang chóng mặt của các cuộc giao tranh ở đây, trong những ngày qua, cho dù chúng đã bắt đầu từ cuối tháng 5.

Ngày 5-8, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell và Ủy viên EU phụ trách quản lý khủng hoảng và cứu trợ Janez Lenarcic cho rằng: Taliban đã vi phạm cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Afghanistan thông qua đối thoại, dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng cho người dân, khiến ngày càng nhiều người phải tha hương tìm nơi trú ẩn, tránh xung đột, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị phá hủy. EU cảnh báo những hành động vi phạm kể trên có thể sẽ bị điều tra theo hướng tội ác chiến tranh, dẫn tới hậu quả là các tay súng Taliban và những chỉ huy của lực lượng này sẽ phải chịu trách nhiệm, đồng thời kêu gọi các bên nhanh chóng đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài để tạo cơ hội xây dựng nền hòa bình tại Afghanistan.

Các vụ đánh bom vẫn nổ ra ngay tại thủ đô Kabul.

Trước đó một ngày, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết kể từ đầu năm tới nay, đã có gần 360.000 người phải sơ tán do xung đột ở Afghanistan. Từ năm 2012, con số này là khoảng 5 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Do đó, Liên Hợp Quốc “đặc biệt quan ngại về sự an toàn của người dân bị mắc kẹt do các cuộc giao tranh”.

Ngày 6-8, tại một hội nghị cấp cao diễn ra ở nước láng giềng Turkmenistan, lãnh đạo 5 nước Trung Á (gồm Turkmenistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) bày tỏ sự lo ngại viễn cảnh “lửa cháy lan sang nhà mình” từ Afghanistan, khi nhiều nhóm khủng bố thánh chiến đang tận dụng cơ hội gia tăng hoạt động chống phá và ảnh hưởng tại khu vực.

Nhưng, trên hết, chính quyền Kabul chính là những người đang phải trực tiếp đối diện với những nỗi ám ảnh - những viễn cảnh u tối đang dần trở nên rõ ràng trong hiện thực, khi những lá cờ Taliban được cắm khắp nơi và một vòng vây vô hình quanh Kabul dần được siết chặt.

Vòng vây siết quanh Kabul.

Mất Kunduz và các đô thị quan trọng ở miền Bắc là những cú đánh dồn dập chí mạng, bởi khu vực đó từ lâu vẫn được xem là “thành trì chống Taliban”. Bộ Quốc phòng Afghanistan sẽ còn phải đau đầu vất vả tìm cách tái chiếm những thành phố đó, khi “nhuệ khí” của kẻ địch đang lên rất cao, bởi mọi thứ dường như đều đang diễn ra theo đúng tính toán của Taliban kể từ năm ngoái. Họ bập vào lời đề nghị hòa đàm song phương riêng rẽ, mở cho quân đội Mỹ cùng các đồng minh “lối thoát trong danh dự” và rồi có thể tập trung toàn bộ lực lượng để đối phó với chính quyền trung ương Afghanistan ở Kabul.

Kabul không chỉ đang rung chuyển bởi những vụ ám sát các phi công chiến đấu. Ngày 9-8, theo Reuters, các tay súng tình nghi thuộc Taliban đã bắn chết Toofan Omar, lãnh đạo Đài phát thanh Paktia Ghag đồng thời là thành viên nhóm hỗ trợ truyền thông độc lập NAI ở Afghanistan, trong một vụ giết người có chủ đích ở thủ đô Kabul hôm 8-8. Cùng ngày, Taliban bắt giữ một nhà báo địa phương tên là Nematullah Hemat khi ông đang ở tại nhà riêng tại Lashkar Gah, thủ phủ tỉnh Helmand. Trước đó, ngày 6-8, ông Dawa Khan Minapal - quan chức chính phủ phụ trách lĩnh vực truyền thông và thông tin bị ám sát. Ngày 3-8, Taliban còn tấn công Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan - ông Bismillah Mohammadi và một số nghị sĩ ngay tại thủ đô Kabul, khiến 4 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Rất may, Bộ trưởng Quốc phòng đã thoát hiểm.

Quân đội Afghanistan sẽ phải chiến đấu một mình.

Có thể nói, chính quyền Kabul đang lâm vào một tình thế vô cùng khó khăn khi bị công kích ở mọi nơi và chắc chắn là Taliban sẽ tiếp tục tận dụng tình thế này để gia tăng áp lực lên mức cao nhất có thể, nhằm đánh gục hẳn sự kháng cự.

B-52 Mỹ đã buộc phải xuất kích.

Tuy nhiên, giờ thì Kabul thực sự chỉ còn có thể trông cậy vào chính họ. Điều đó đã được gián tiếp xác nhận qua lời phát biểu đầy tính “phủi tay” từ Người phát ngôn Lầu Năm Góc - John Kirby, ngày 9-8. Ông nhận xét rằng tình hình ở Afghanistan đang “không đi đúng hướng” nhưng ông vẫn cho rằng lực lượng vũ trang của chính quyền Kabul đủ sức trấn áp các cuộc nổi dậy - điều dường như trái ngược với thực tế. Và, John Kirby nói thẳng: “Đây là các lực lượng quân sự của họ, đây là thủ phủ các tỉnh, người dân của họ mà họ phải bảo vệ và điều này thực sự phụ thuộc vào giới lãnh đạo liệu họ có sẵn sàng thể hiện mình vào thời khắc đặc biệt này”.

Nghĩa là, dù bất cứ điều gì xảy ra thì nước Mỹ cũng đã kết thúc công việc của mình tại Afghanistan.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/afghanistan-khong-chi-la-noi-lo-i623857/