Agribank đạt lợi nhuận kỷ lục

Nhờ thu hồi gần 12 nghìn tỷ nợ đã bán và đã xử lý rủi ro trong năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt mức kỷ lục 7.535 tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2019 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm 9/1, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, kết thúc năm 2018, Agribank có tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, dư nợ đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.

Đại diện Agribank cho biết, lợi nhuận tăng cao so với năm 2017 không phải từ tăng lãi suất cho vay. Thực tế, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Thay vào đó, lợi nhuận lớn đến từ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Năm qua, Agribank đã đưa nợ xấu nội bảng về mức 1,51%, tăng thu dịch vụ ở mức trên 20%, và thu hồi được gần 12 nghìn tỷ nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý.

Ngân hàng đã về đích trước thời hạn đề ra trong kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ nợ xấu giảm về 2,78% vào cuối năm 2018. Ông Khánh cho biết với gần 20.000 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agibank đủ khả năng để mua lại toàn bộ nợ đã bán VAMC và xử lý các khoản nợ xấu phát sinh (nếu có) trong năm 2019

“Bằng nội lực của mình, Agribank sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các NHTM khác về lãi suất cho vay”, ông Khánh cho biết.

Từ đầu năm 2019, Agribank đã tiếp tục thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Về các khó khăn, ông Khánh cho biết trong năm qua vẫn còn một số câu chuyện liên quan đến các vụ án, xét xử trách nhiệm của các cá nhân đối với Agribank trong quá khứ, còn hiện tượng ồ ạt rút tiền sau thông tin về ALC II. Tuy nhiên, Agribank vẫn thanh toán kịp thời, hoạt động kinh doanh an toàn hiệu quả.

Là ngân hàng ưu tiên cho lĩnh vực vốn vay nông nghiệp, Agribank cũng yêu cầu tuyên chiến với “tín dụng đen”. Hiện tại, ngân hàng đã và đang triển khai các chương trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến quy trình cho vay, đổi mới phương thức cho vay; Kết hợp với Ủy ban nhân dân, Hội nông dân, Hội phụ nữ đẩy mạnh cho vay qua tổ, nhóm.

Xem xét cấp hạn mức, mở rộng đối tượng thấu chi qua tài khoản thanh toán không cần đảm bảo bằng tài sản cho các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình cư trú ổn định trên địa bàn nông thôn để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân (dự kiến khoảng 5-10 nghìn tỷ đồng) tạo thuận lợi tối đa để người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.

Ngoài ra, Chủ tịch Agribank đưa ra 3 kiến nghị tới Thủ tướng. Trong đó có đề xuất vấn đề tăng vốn điều lệ. Ông Khánh cho biết để dự phòng khả năng an toàn vốn do giải ngân nhu cầu vốn đáp ứng vụ đông xuân, Agibank đã phát hành 4.000 tỷ đồng với sự đóng góp đáng kể của riêng cán bộ nhân viên ngân hàng.

Agribank cũng kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thành phương án sử dụng đất để sớm cổ phần hóa. Kiến nghị xem xét sửa đổi Nghị định 96/2014 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Phía ngân hàng cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại Thông tư 12/2018 giám sát tài chính đánh giá hiệu quả vốn của tổ chức tín dụng để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo mục tiêu giáo dục phòng ngừa răn đe, khuyến khích người lao động trong bảo toàn vốn Nhà nước.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/agribank-dat-loi-nhuan-ky-luc-1547041243480.htm