Ai 'cầm điều khiển làm giá' cổ phiếu VPI của Văn Phú Invest?

VPI là một trong số ít những cổ phiếu tỏ ra vô cùng 'ngoan cường' trong cơn 'bão' giảm giá vừa qua. Thanh khoản còn kém, nhà đầu tư còn hoang mang việc lợi nhuận tăng trưởng chưa bền vững, vậy VPI đang dựa vào đâu để vững chãi như vậy?

Trong những ngày qua, cổ phiếu VPI của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest là cổ phiếu giao dịch khá bất thường so với thị trường chung. Thị trường giảm mạnh trong 2 tuần qua khi VNI mất 15% so với đỉnh 1.200, hàng loạt các cổ phiếu lớn giảm mạnh thì VPI vẫn đang tăng và lập đỉnh mới.

Tính tới ngày 2/5, VPI đạt mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản trung bình chỉ đạt khoảng 200.000 cổ phiếu/phiên. Đáng chú ý cổ phiếu VPI tăng mạnh từ mức 37.000 đồng/cổ phiếu lên 43.000 đồng/cổ phiếu sau khi ra tin lợi nhuận quý 1/2018 chỉ đạt 6 tỷ đồng vào ngày 17/4.

Điểm đáng chú ý giá trị sổ sách của VPI khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với thị giá hiện tại trên sàn giao dịch.

Theo tìm hiểu, các đợt tăng vốn của VPI không minh bạch khi hầu hết nguồn từ các khoản công nợ (tức VPI nợ các công ty khác biến đổi khoản công nợ thành nguồn vốn) từ chính các công ty liên quan. Mục đích sử dụng vốn lại quay vòng đầu tư vào các công ty con chưa niêm yết rất khó xác định hiệu quả sử dụng vốn vì các công ty liên kết này không có báo cáo thường niên, báo cáo tài chính quý, năm để xem chi tiết.

Cụ thể, đợt 5 tăng vốn vào tháng 4/2017, mục đích bù trừ công nợ với Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Trung Kính (cụ thể, Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Trung Kính sau khi nhận chuyển nhượng 2.620 cổ phần từ ông Tô Như Thắng ứng, với 262 triệu đồng, là cổ đông được quyền ưu tiên mua hơn 3.000 cổ phần. Công ty Văn Phú Trung Kính nhận chuyển nhượng ưu tiên mua từ các cổ đông khác với tổng số lượng là hơn 3,6 triệu cổ phần. Tổng số cổ phần Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Trung Kính mua của CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest từ đợt phát hành thêm là hơn 3,6 triệu cổ phần, ứng với hơn 362 tỷ đồng. Số tiền mua này được bù trừ với số tiền Văn Phú Invest phải trả CT TNHH MTV Đầu tư văn Phú Trung Kính).

Lần 6 tăng vốn điều lệ vào tháng 7/2017 là lần tăng vốn mạnh nhất trước khi lên sàn của doanh nghiệp này. Mục đích để thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng, cá nhân; đầu tư tài chính vào CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Văn Phú, CTCP Văn Phú số 1, CTCP Tài nguyên và Môi trường Trường Minh, Bổ sung cho công ty con (Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Giảng Võ),…

Cũng theo bản cáo bạch của VPI công bố khi niêm yết thì quỹ đất của VPI khá nhiều nhưng không thể hiện lên hàng tồn kho trong báo cáo tài chính nên rất khó xác định. Ngoài ra, theo bản cáo bạch thì hầu hết dự án vẫn đang trong giai đoạn lập thủ tục quy hoạch.

Cũng theo công bố trong bản cáo bạch của VPI trước khi lên sàn, mức lợi nhuận rất thấp tại năm 2015, 2016. Chỉ khi năm 2017 lên sàn VPI mới có mức lợi nhuận đột biến.

Một số chỉ tiêu tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ trong năm 2015, 2016 và 9 tháng đầu năm 2017

Từ cách tăng vốn một cách thần tốc, cách hạch toán lợi nhuận tăng trưởng thiếu bền vững với nhiều điểm khiến nhà đầu tư cảm thấy chưa minh bạch, cùng với việc VPI lên sàn thanh khoản kém khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu có phải cổ phiếu VPI đang bị thao túng, làm giá? Theo luật chứng khoán kể từ tháng 8/2017, nếu làm giá chứng khoán có thể bị xử lý hình sự.

Theo Báo điện tử Ngaymoionline.vn

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/bat-dong-san/ai-cam-dieu-khien-lam-gia-co-phieu-vpi-cua-van-phu-invest