Ai Cập điều 'ác điểu Trung Đông' trấn giữ biển Đỏ

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chính thức khai trương căn cứ quân sự lớn nhất tại Biển Đỏ nhằm tăng cường tiềm lực phòng thủ đất nước. Đây cũng là căn cứ có triển khai số lượng lớn chiến đấu cơ MiG-29M/M2.

 Hôm 15-1, tại buổi lễ tổng kết cuộc tập trận Kader của Quân khu miền Bắc, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chính thức khai trương căn cứ quân sự lớn nhất tại Biển Đỏ nhằm tăng cường tiềm lực phòng thủ đất nước.

Hôm 15-1, tại buổi lễ tổng kết cuộc tập trận Kader của Quân khu miền Bắc, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chính thức khai trương căn cứ quân sự lớn nhất tại Biển Đỏ nhằm tăng cường tiềm lực phòng thủ đất nước.

Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Ai Cập, căn cứ quân sự vừa được khai trương có tên là Barnis, rộng hơn 62 héc ta, được xây dựng ở vị trí dọc bờ Biển Đỏ, gần biên giới phía Nam Ai Cập.

Căn cứ này được trang bị một bệnh viện quân sự, các trường bắn và khu huấn luyện tác chiến các loại vũ khí, một sân bay quốc tế, một nhà máy khử mặn nước biển cùng nhiều cơ sở vật chất hiện đại khác.

Theo kế hoạch, căn cứ này sẽ là nơi đồn trú của các lực lượng lục quân, hải quân và không quân của Ai Cập.

Căn cứ quân sự lớn nhất này được xây dựng với mục đích bảo vệ khu vực ven biển phía Nam, bảo vệ các mục tiêu đầu tư kinh tế và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa an ninh nào tại khu vực Biển Đỏ.

Ngoài ra, căn cứ Barnis còn giúp đảm bảo an ninh cho tuyến hàng hải hoạt động từ Biển Đỏ tới kênh đào Suez cùng các khu vực kinh tế liên quan.

Được biết, không quân Ai Cập đã triển khai các chiến đấu cơ MiG-29M.M2 tại căn cứ này để tăng cường sức mạnh chiến đấu trên không.

Những chiếc MiG-29M/M2 được bàn giao cho Ai Cập trong gói hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD mua từ Nga.

Tổng cộng đã có 46 chiếc MiG-29M/M2 đã được bàn giao cho Ai Cập nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của nước này.

MiG-29M/M2 là phiên bản hiện đại hóa từ dòng máy bay tiêm kích MiG-29 được Cục thiết kế Mikoyan (nay là Tổng công ty máy bay MiG) phát triển cho Không quân Liên Xô từ giữa những năm 1980.

Nguyên mẫu MiG-29M cất cánh lần đầu tiên vào ngày 26-4-1986.

So với MiG-29 nguyên bản, MiG-29M một chỗ ngồi và M2 hai chỗ ngồi giống hệt khung thân nhưng có cải tiến thêm về vật liệu chế tạo, sử dụng nhiều hợp kim nhôm - lithium siêu nhẹ.

Hình dạng của khe hút khí cũng được xem lại, loại bỏ mái hắt trên đầu vào khe hút khí để tăng nhiên liệu trong LERXs (diềm cánh mở rộng), mắt lưới được sử dụng để ngăn ngừa những hư hại từ bên ngoài và mở rộng kích thước đầu vào khe hút khí cho luồng khí lớn hơn.

Phía sau của máy bay có phần xương sống mở rộng để có thêm thể tích chứa nhiên liệu và một phanh khí trên lưng. Mái che radar và vòm buồng lái cũng được thiết kế lại để chứa hệ thống điện tử nâng cấp. Hình dáng khí động học cũng được cải tiến. Cánh được làm dài hơn, tăng sải cánh, trong khi cánh đuôi sửa lại bộ phận lái.

Buồng lái MiG-29M/M2 cũng được thiết kế lại để kết hợp các đặc tính hiện đại. Trong khi một số công cụ tương tự đã được giữ lại, hai màn hình hiển thị đơn sắc tinh thể lỏng (LCD) đa chức năng (MFD) đã được lắp đặt.

Máy bay cũng được tích hợp radar xung doppler Zhuk-ME thế hệ mới có thể phát hiện các mục tiêu trên không từ khoảng cách 120 km, theo dõi trong khi phân tích 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Khi quét mục tiêu, radar có tầm phát hiện mục tiêu dạng máy bay ném bom đạt 250 km và mục tiêu máy bay chiến đấu từ xa 150 km.

Việc nâng cấp vũ khí cho phép MiG-29M/M2 cải thiện khả năng mang vác tên lửa, bom không đất đất, không đối hải so với MiG-29 nguyên bản thiên về không đối không. Đặc biệt, tải trọng của MiG-29M/M2 tăng lên 5,5 tấn so với 3,5 tấn MiG-29 nguyên bản.

Theo nhà sản xuất, trong nhiệm vụ không đối không nó có thể mang kết hợp 4 tên lửa tầm nhiệt R-73E và 4 tên lửa dẫn đường radar RVV-AE.

Trong nhiệm vụ đối đất, nó mang kết hợp đạn đối không và 2 đạn tên lửa đối đất dẫn đường Kh-29L cùng bom KAB. Và trong nhiệm vụ đối hải, MiG-29M/M2 mang được 2 tên lửa siêu âm Kh-3A hoặc tên lửa cận âm Kh-35U.

MiG-29M/M2 sử dụng phiên bản động cơ turbofan RD-33MK có công suất cao hơn 7% (so với RD-33 nguyên bản) do sử dụng vật liệu hiện đại trên các tấm làm mát, động cơ tạo lực đẩy là 9.000 kgf.

Động cơ mới giảm thiểu tối đa hiện tượng xịt khói đen, đồng thời cũng cải tiến để giảm bớt phát xạ hồng ngoại.

Miệng xả khí đẩy vec-tơ cũng được lắp đặt theo yêu cầu của khách hàng. Máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 2,35 2.500km/h, tầm bay 2.000km (hoặc 1.700km với MiG-29M2), trần bay 16.000m, vận tốc leo cao 330m/s.

Với những sửa đổi sâu rộng, MiG-29M/M2 được đánh giá là một trong những "quái điểu" mạnh mẽ tại Trung Đông.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ai-cap-dieu-ac-dieu-trung-dong-tran-giu-bien-do/840297.antd