Ai cập: Thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Nga

Trong chuyến thăm Nga, ngày 17-10, Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi và người đồng cấp nước chủ nhà V.Pu-tin đã ký Thỏa thuận về hợp tác chiến lược và đối tác toàn diện Ai Cập - LB Nga. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng ký Bản ghi nhớ về tham vấn chính trị chiến lược. Các văn kiện được ký dịp này đánh dấu việc nâng tầm hợp tác giữa hai nước lên mức cao nhất, đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển toàn diện và bền vững.

THẾ GIỚI NGÀY QUA

PHÁP: PHỐI HỢP NHẬT BẢN BẢO ĐẢM ỔN ĐỊNH KHU VỰC

Tại cuộc hội đàm ở Pa-ri, Tổng thống Pháp E.Ma-crông và Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước nhằm thúc đẩy sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; chia sẻ quan điểm chung phản đối chủ nghĩa bảo hộ; đồng thời cam kết phối hợp thúc đẩy hiệu lực của thỏa thuận thương mại tự do mà Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU) ký hồi tháng 7.

I-TA-LI-A: NÂNG CẤP QUAN HỆ VỚI HÀN QUỐC

I-ta-li-a và Hàn Quốc nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược; thúc đẩy thảo luận sâu rộng, tăng cường hợp tác thực tế về chính trị, quốc phòng, phát triển thương mại, đầu tư, công nghệ - khoa học..., để cùng chuẩn bị đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là kết quả nổi bật của cuộc hội đàm giữa Thủ tướng I-ta-li-a G.Côn-tê và Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In, người đang thăm chính thức I-ta-li-a. Hai bên cũng nhất trí thiết lập kênh đối thoại ngoại giao cấp Thứ trưởng và một ủy ban chung về hợp tác công nghiệp và năng lượng.

MỸ: LÊN KẾ HOẠCH RÚT KHỎI UPU

Chính quyền Tổng thống Mỹ Đ.Trăm ngày 17-10 tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), tổ chức được thành lập năm 1874, gồm 192 quốc gia thành viên, chuyên trách các quy định về mức cước bưu chính quốc tế. Nhà trắng cho rằng, cơ cấu cước bưu chính quốc tế hiện nay chỉ có lợi cho một số nền kinh tế đang phát triển, khiến các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ rơi vào thế bất lợi trong cạnh tranh. Quy trình Mỹ rút khỏi UPU sẽ kéo dài một năm, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo chính thức.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37968802-ai-cap-thiet-lap-quan-he-doi-tac-toan-dien-voi-nga.html