Ai Cập và Đức nhất trí phối hợp giải quyết khủng hoảng tại Libya

Hai bên đã nhất trí rằng Libya cần bảo tồn các nguồn lực nhà nước và hạn chế sự can thiệp của nước ngoài để qua đó góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố.

Ôtô bị phá hủy sau một vụ tấn công tại sân bay quốc tế Mitiga ở Tripoli, Libya (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ôtô bị phá hủy sau một vụ tấn công tại sân bay quốc tế Mitiga ở Tripoli, Libya (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ai Cập và Đức đã nhất trí thúc đẩy những nỗ lực chung để đạt được một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại Libya hiện nay.

Người phát ngôn văn phòng Tổng thống Ai Cập, Bassam Radi cho biết đây là kết quả cuộc gặp ngày 29/10 giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đang ở thăm nước này.

Theo ông Radi, tại cuộc gặp này, hai bên đã nhất trí rằng cần có một giải pháp cho tình hình Libya hiện nay, theo đó bảo tồn các nguồn lực nhà nước và hạn chế sự can thiệp của nước ngoài, để qua đó góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Radi cho biết thêm, Tổng thống al-Sisi đã nhấn mạnh lập trường của Ai Cập ủng hộ một giải pháp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Libya.

Trong cuộc họp báo chung sau đó, Ngoại trưởng Ai cập Sameh Shoukry cho biết Cairo tái khẳng định sự cần thiết phải tìm ra một giải pháp chính trị cho tình hình tại Libya và bác bỏ sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình nội bộ nước này.

Cairo là điểm dừng chân sau cùng của ông Maas trong chuyến công du khu vực Bắc Phi, sau khi tới Libya và Tunisia.

Tại Libya, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức cho biết ông đang tìm cách chấm dứt "tất cả những sự can thiệp từ nước ngoài" vào quốc gia Bắc Phi này.

Hiện Đức có kế hoạch đưa tất cả các phe đối địch tại Libya ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp toàn diện để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tám năm qua.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.

Chính phủ GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi tướng Haftar được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Tháng Tư vừa qua, lực lượng của Tướng Hafta đã phát động chiến dịch tấn công nhằm giành kiểm soát thủ đô Tripoli. Xung đột leo thang kể từ đó đến nay đã làm 1.000 người thiệt mạng và 120.000 người phải đi sơ tán.

Liên hợp quốc đã ra nghị quyết kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng tới các bên tham chiến tại Libya hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ai-cap-va-duc-nhat-tri-phoi-hop-giai-quyet-khung-hoang-tai-libya/604484.vnp