Ai chịu trách nhiệm khi Anh đưa quân sang Iraq?

Cựu Tổng thống Bush đánh giá: Thế giới sẽ tốt hơn nếu không có Saddam Hussein.

Báo cáo điều tra của Ủy ban Chilcot về việc Anh đưa quân sang Iraq vào năm 2003 đã gây ra nhiều phản ứng ở Anh và các đồng minh của Mỹ.

Tại Anh ngày 6-7 (giờ địa phương), Thủ tướng David Cameron (đảng Bảo thủ) phát biểu trước Hạ viện kêu gọi Anh phải rút ra bài học từ thất bại trong cuộc chiến Iraq.

Ông đánh giá các đảng và các nghị sĩ đã bỏ phiếu để Anh đưa quân sang Iraq lúc đó phải chịu phần trách nhiệm của mình.

Dù vậy ông nhấn mạnh: “Cũng như hành động can thiệp của chúng ta chống IS ở Iraq và Syria hiện nay, Anh sẽ không giảm vai trò trên quốc tế…”.

Anh đưa 45.000 quân tham gia cuộc chiến Iraq dưới thời chính phủ Công đảng của Thủ tướng Tony Blair. Do đó Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đã thay mặt đảng đưa ra lời xin lỗi.

Ông nói: “Hôm nay tôi muốn thay mặt đảng xin lỗi về quyết định sai lầm tham chiến ở Iraq”.

Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thống Bush thời chiến tranh Iraq. Ảnh: EPA

Ông cho rằng có những bài học lớn cần rút ra hôm nay và cần suy nghĩ nghiêm túc trước khi đưa ra quyết định về hành động quân sự, đồng thời phải lường trước hậu quả về sau.

Trong khi đó, trong bài phát biểu dài hơn 45 phút trước các nhà báo, cựu Thủ tướng Tony Blair nói: “Chúng tôi đã đưa ra quyết định đúng. Thế giới tốt hơn và an toàn hơn nếu không có Saddam Hussein… Nếu nhà độc tài Saddam Hussein còn cầm quyền năm 2003, ông ta sẽ tiếp tục đe dọa hòa bình toàn thế giới”.

Ông bác bỏ cáo buộc rằng hành động can thiệp vào Iraq đã làm gia tăng nguy cơ khủng bố.

Ông phân trần đây là quyết định khó khăn nhất của ông vì ông chỉ nghĩ đến lợi ích quốc gia.

Ông nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định đó. Tôi cảm thấy có nhiều đau khổ, hối tiếc và có lỗi hơn các bạn tưởng”.

Ông nhấn mạnh: “Không có nói dối, Quốc hội và chính phủ không bị lừa, không có giao kèo bí mật đi đến chiến tranh. Thông tin tình báo không phải ngụy tạo và quyết định đưa quân xuất phát từ niềm tin nội tâm”.

Ông xác nhận có gửi thư cho tổng thống Mỹ cam kết Anh sẽ đứng chân ở Iraq lâu nhất có thể và biện bạch: “Điều quan trọng là Mỹ không đứng một mình trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Tại Mỹ, sau khi Anh công bố báo cáo Chilcot, các nhà lãnh đạo tỏ ra kín tiếng vì không muốn dấy lên cuộc tranh luận về quá khứ.

Người phát ngôn của cựu Tổng thống George W. Bush tuyên bố: “Mặc dù tình báo thất bại và nhiều sai lầm khác, Tổng thống Bush luôn đánh giá thế giới sẽ tốt hơn nếu không có Saddam Hussein cầm quyền”.

Người phát ngôn cho biết ông Bush khẳng định cực kỳ biết ơn về hành động và sự hy sinh của quân đội Mỹ và đồng minh trong chiến tranh Iraq. Ông Bush khẳng định “không có đồng minh nào vững chắc hơn Anh dưới thời Thủ tướng Tony Blair”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố ngay từ đầu Tổng thống Obama đã bày tỏ thái độ phản đối cuộc chiến Iraq.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao John Kirby khẳng định Mỹ đang tập trung cho khủng hoảng ở Iraq và Syria rồi nói: “Tranh luận lại các quyết định dẫn đến cuộc chiến Iraq năm 2003 không làm chúng tôi quan tâm”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter không muốn bình luận.

Tại Úc ngày 7-7, Ngoại trưởng Julie Bishop tuyên bố Úc tham chiến ở Iraq dựa trên các thông tin tốt nhất vào thời đó. Úc đã đưa 500 quân tham chiến bên cạnh Mỹ và Anh. Cuối cùng có ba binh sĩ tử trận. Tướng Peter Leahy chỉ huy lực lượng Úc lúc bấy giờ cho rằng báo cáo Chilcot sẽ được dùng làm kim chỉ nam cho mọi can thiệp quân sự sau này. Ông nhận xét Úc đừng mù quáng đi theo các đối tác quốc tế.

Đưa một quốc gia vào cuộc chiến luôn là giải pháp cuối cùng. Việc này chỉ làm khi đã áp dụng mọi giải pháp thay thế đáng tin cậy.

Thủ tướng Anh DAVID CAMERON

Điều quan trọng là nước Mỹ phải rút ra bài học từ sai lầm trong quá khứ.

Người phát ngôn Nhà Trắng JOSH EARNEST

PH.QUỲNH

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-gioi/ai-chiu-trach-nhiem-khi-anh-dua-quan-sang-iraq-639432.html