Ai có nguy cơ cao nhiễm virus cúm H3N2?

Vì virus H3N2 tấn công hệ thống miễn dịch của con người, trẻ em và người già là những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

 Trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên dễ bị virus H3N2 tấn công. Ảnh: Sanfordhealthnews.

Trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên dễ bị virus H3N2 tấn công. Ảnh: Sanfordhealthnews.

Cúm H3N2 là phân nhóm của virus cúm A có thể gây bệnh về đường hô hấp ở người. Nhiễm trùng do virus H3N2 gây ra có đặc điểm là sốt cao, khó thở, mệt mỏi và ho khan. Các chuyên gia cho biết các triệu chứng tồn tại trong cơ thể trong khoảng 3 tuần. Các triệu chứng của bệnh nghiêm trọng do cúm H3N2 gây ra có thể khác nhau ở mỗi người.

H3N2 lây nhiễm như thế nào?

Theo India Times, tiến sĩ Kuldeep Kumar Grover, Trưởng khoa Hồi sức tích cực & khoa Phổi - Bệnh viện CK Birla, Gurgaon (Ấn Độ), giải thích: "Là bệnh truyền nhiễm, virus cúm H3N2 có thể lây lan từ người này sang người khác qua các giọt bắn từ người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và qua các giọt bắn tiếp xúc với tay của người không bị nhiễm bệnh".

Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm virus H3N2 là sốt hoặc sốt ớn lạnh, ho, đau họng, sổ mũi hoặc trong một số trường hợp là nghẹt mũi, nhức đầu và mệt mỏi. Trẻ em, và đôi khi cả người lớn, có thể bị nôn mửa và tiêu chảy. Khó thở cũng là dấu hiệu điển hình khác của nhiễm virus H3N2. Trẻ em có khả năng xuất hiện các triệu chứng thở khò khè.

Trường hợp có nguy cơ cao nhiễm H3N2

Trẻ em và người già là những trường hợp có nguy cơ nhiễm virus H3N2 cao nhất vì virus này tấn công hệ thống miễn dịch của con người. Đặc biệt, số ca mắc cúm ở trẻ tăng cao trong thời gian qua, thời điểm trẻ không tiếp xúc với các loại virus khác do các trường học và cơ sở giáo dục đóng cửa để phòng ngừa Covid-19.

Bác sĩ Dhiren Gupta tại Bệnh viện Ganga Ram (Ấn Độ) cho biết: "Kể từ 2 năm vì Covid-19, trẻ em không bị cúm, vì điều này mà sự bùng phát đột ngột của virus H3N2, một biến thể bình thường của cúm, khiến số ca mắc bệnh ở trẻ em gia tăng tại Ấn Độ".

Đặc biệt, trẻ em hoặc người lớn tuổi mắc bệnh hen suyễn, bệnh tim, tiểu đường, béo phì và hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ nhiễm virus H3N2 cao hơn. Ngay cả phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ nhiễm virus.

Những điều nên và không nên làm

Theo NDTV, bạn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa cúm H3N2, bao gồm tiêm vaccine hàng năm, nghỉ học hoặc nghỉ làm khi bị bệnh. Ngoài ra, bạn có thể giảm khả năng nhiễm virus bằng cách làm theo một số điều nên và không nên làm dưới đây:

Rửa thay thường xuyên bằng xà phòng và nước là điều cần thiết để phòng tránh các loại cúm, trong đó có H3N2. Ảnh: Thekathmandupost.

Dấu hiệu nguy hiểm

Theo Hindustan Times, mặc dù căn bệnh này thường nhẹ, nó có thể trở nên nghiêm trọng và khiến người bệnh có nguy cơ bị biến chứng, thậm chí tử vong. Tiến sĩ Jayalakshmi TK, chuyên gia tư vấn, khoa Phổi, Bệnh viện Apollo, Navi Mumbai (Ấn Độ), liệt kê các dấu hiệu bệnh nặng ở bệnh nhân cúm H3N2 cần đi khám hoặc nhập viện, bao gồm:

Khó thở hoặc thở gấp: Dấu hiệu khởi phát của bệnh viêm phổi hoặc các biến chứng hô hấp khác.
Nôn mửa dữ dội hoặc dai dẳng: Triệu chứng của bệnh cúm H3N2 nặng. Điều này có thể dẫn đến mất nước.
Mất nước: Xảy ra nếu người bị cúm H3N2 không uống đủ nước hoặc bị nôn mửa hoặc tiêu chảy nặng.
Huyết áp thấp: Xảy ra nếu người mắc bệnh nặng bị mất nước hoặc nhiễm trùng huyết.
Nhịp thở nhanh: Xảy ra khi người bệnh cảm thấy khó thở hoặc độ bão hòa oxy thấp.
Làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính hiện có như hen suyễn hoặc tiểu đường.
Môi hoặc mặt tím tái: Dấu hiệu của lượng oxy trong máu thấp, có thể xảy ra với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng như viêm phổi - biến chứng của bệnh cúm.
Động kinh hoặc co giật: Xảy ra do sốt hoặc viêm não, cùng với các trường hợp nặng do cúm hoặc nhiễm virus khác.
Lú lẫn hoặc mất phương hướng: Xảy ra do sốt hoặc viêm não.
Sốt cao kéo dài hơn 3 ngày.
Mệt mỏi hoặc suy nhược cực độ.
Đau hoặc tức ngực.
Độ bão hòa oxy thấp (thiếu oxy máu).

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-co-nguy-co-cao-nhiem-virus-cum-h3n2-post1412130.html