Ai có quyền hạ lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga?

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Tổng thống chính là người ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của quốc gia.

Hôm 25/3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã có thỏa thuận đặt các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Ông Putin khẳng định, động thái của Nga không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars trong một cuộc tập trận vào năm 2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Theo Reuters, giới học thuật và các nhà đàm phán kiểm soát vũ khí đã dành nhiều năm để tranh luận về cách định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW). Chúng là vũ khí hạt nhân được sử dụng nhằm giành lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường. Không ai biết chính xác Nga đang có bao nhiêu TNW.

Nhắc tới TNW, Nga đang có ưu thế vượt trội về số lượng so với Mỹ và NATO. Theo đó, Mỹ tin rằng Nga có khoảng 2.000 đầu đạn chiến thuật đang hoạt động, gấp 10 lần so với Mỹ. Những đầu đạn này có thể được phóng từ nhiều loại tên lửa, ngư lôi và bom trọng lực của các lực lượng hải quân, không quân hoặc lục quân.

Mỹ hiện có khoảng 200 vũ khí như vậy, mà một nửa nằm ở các căn cứ quân sự tại châu Âu. Theo đó, những quả bom hạt nhân B61 của Mỹ dài hơn 3,6m, có sức nổ là từ 0,3 - 170 kiloton, đang được triển khai tại 6 căn cứ không quân ở Italia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.

Quả bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945 có sức công phá là khoảng 15 kiloton.

Ai có quyền hạ lệnh dùng TNW của Nga?

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Tổng thống chính là người ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của quốc gia.

Khi Liên Xô cũ tan rã vào năm 1991, Nga có khoảng 22.000 TNW, trong khi Mỹ có khoảng 11.500. Hầu hết số vũ khí này đã được tháo dỡ, hoặc đang chờ được tháo dỡ.

Những TNW của Nga đang được cất giữ tại ít nhất 30 căn cứ quân sự và silo nằm dưới sự kiểm soát của Tổng cục 12 thuộc Bộ Quốc phòng Nga do Trung tướng Igor Kolesnikov đứng đầu.

Để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng TNW, Tổng thống Putin có thể sẽ tham khảo ý kiến của các quan chức cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Nga trước khi ra lệnh.

Trong tuyên bố hôm 25/3, Tổng thống Putin khẳng định đặt TNW ở Belarus là không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ai-co-quyen-ha-lenh-su-dung-vu-khi-hat-nhan-chien-thuat-cua-nga-2124964.html