Ai cũng có thể thành tội phạm nếu lạm dụng rượu bia

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc ban hành luật là cần thiếtnhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc ban hành luật là cần thiếtnhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia

Cấm uống rượu bia trước khi lái xe

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về phòng ngừa TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia thống nhất với Luật GTĐB, Luật Giao thông ĐTNĐ; quy định nhằm phát huy trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 5 của dự thảo (các hành vi bị nghiêm cấm) đã bổ sung nội dung: “Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về ATGT”. Bên cạnh đó, Điều 21 của dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng: Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Cơ quan, người có thẩm quyền chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện đang tham gia giao thông, người bị thương tích do TNGT để phòng ngừa hoặc xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm pháp luật về ATGT. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện GTVT có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải của cơ sở sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông.

Thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật tại kỳ họp này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhấn mạnh, nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm. Theo bà Hiền, rất nhiều vụ TNGT vừa qua đã chứng minh điều này, điển hình là vụ xe Mercedes đâm 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên, vụ tài xế say xỉn tông chết nữ lao công ở đường Láng, hay vụ tai nạn ở Hàng Xanh (TP HCM) mà người gây tai nạn là một phụ nữ...

Chế tài cần cụ thể hơn

Tài xế Lê Trung Hiếu (trú quận Ba Đình, Hà Nội) trở thành kẻ giết người khi điều khiển xe trongtình trạng say rượu đâm chết 2 phụ nữ trong hầm Kim Liên rạng sáng 1/5. Ảnh: Văn Huế

Khẳng định dư luận xã hội đang rất bức xúc chuyện lái xe uống rượu bia gây tai nạn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ được người dân hết sức ủng hộ.

Tán thành với Điều 28 của dự thảo, ĐB Phương cho rằng, quy định như vậy là rất cần thiết: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, ĐB Phương cũng đề nghị bổ sung hình thức xử phạt kỷ luật, từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. “Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa đến mức truy tố thì tịch thu bằng lái xe từ 1- 5 năm, thậm chí tịch thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng”, ĐB Phương đề xuất.

Trong khi đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) nêu ý kiến, về thiết kế nội dung giáo dục chống tác hại rượu bia, nên thiết kế thêm nội dung này trong chương trình đào tạo của học sinh phổ thông, chẳng hạn như chuyên đề không uống rượu bia khi lái xe. “Rất hoan nghênh dự thảo Luật đã có quy định “Bộ GTVT có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp GPLX”, bà Lan nhận xét và cho rằng, các hành vi nghiêm cấm cần mạnh mẽ và nhất quán hơn.

Ngoài ra, chế tài khi lạm dụng rượu bia lái xe, bạo lực, xâm hại tình dục, gây rối trật tự…, không nên dừng ở mức phạt tiền, thu GPLX, tạm giữ phương tiện mà cần bổ sung hình thức khác như lao động công ích, tăng phí bảo hiểm phương tiện, quy định tăng nặng với các trường hợp tái phạm...

ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên) ủng hộ Quốc hội có nghị quyết về việc xử phạt lái xe uống rượu, bia. Theo ĐB, hiện nay chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Để hạn chế tối đa tình trạng này, giúp người dân yên tâm khi ra đường, pháp luật nên có chế tài quy định việc sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép là vi phạm pháp luật hình sự, tránh những tai nạn thảm khốc, gây hậu quả khôn lường như thời gian qua.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) góp ý, luật cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về chế tài. Chẳng hạn như đối với các hành vi bị cấm, dự thảo Luật quy định “không được sử dụng rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông” thì vẫn còn chung chung, cần lượng hóa về thời gian là trước 1 giờ, 2 giờ hay 5 giờ.

Thu 50 nghìn tỷ từ thuế, bỏ ra 65 nghìn tỷ giải quyết hậu quả

Dẫn chứng những số liệu liên quan đến hệ lụy của rượu, bia, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Mỗi năm có khoảng 30% số vụ gây rối an ninh trật tự liên quan đến rượu bia. Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia ở nhóm tuổi từ 16 - 25 là 70%. Chi phí cho tiền mua rượu của người dân trong 1 năm là 4 tỷ USD (gần 100 nghìn tỷ đồng/ năm). Mỗi năm, Nhà nước thu được 50 nghìn tỷ đồng thuế từ kinh doanh rượu, bia, nhưng phải bỏ ra 65 nghìn tỷ đồng chi phí y tế và các hệ lụy khác. Do đó, cần có chế tài mạnh tay hơn nữa với tình trạng sử dụng rượu, bia tràn lan như hiện nay.

155 quốc gia xây dựng luật phòng, chống tác hại của rượu bia

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một lần nữa khẳng định sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri về phòng, chống tác hại rượu bia. Theo bà Tiến, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đã có 155 quốc gia xây dựng luật này.

Bà Tiến chia sẻ, quá trình soạn thảo luật, bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe nhân dân thì vấn đề bảo đảm sự phát triển của ngành rượu bia công nghiệp và thủ công cũng như thu nhập của người lao động, sản xuất cũng đã được cơ quan soạn thảo lưu ý để có lộ trình thích ứng, có giải pháp xử lý, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Các cơ quan hữu quan ghi nhận và tiếp thu ý kiến ĐB để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua. Phó chủ tịch Quốc hội kỳ vọng luật sau khi được hoàn thiện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thi hành pháp luật, tăng cường ý thức người dân, cũng như xử lý nghiêm khắc những người sử dụng rượu bia gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người khác.

Thanh Bình

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/ai-cung-co-the-thanh-toi-pham-neu-lam-dung-ruou-bia-d421873.html