Ai cũng thấy phi tần trong Diên Hi công lược đeo nhẫn móng tay nhưng mấy người biết tác dụng của nó

Không chỉ đơn giản là một vật trang trí hay để bảo vệ móng tay, bộ 'hộ giáp' của các phi tần trong chốn hậu cung còn là thứ để phân biệt địa vị, quyền lực và cũng là vũ khí để phòng vệ, tấn công hữu hiệu.

Khi xem các bộ phim cung đấu, chẳng hạn như bộ phim Diên Hi công lược đang làm mưa làm gió trên cộng đồng mạng hiện nay, khán giả vẫn rất ấn tượng với nhẫn móng tay của các vị phi tần, mỹ nữ thời nhà Thanh. Nhìn bề ngoài, vật này có vẻ được làm bằng kim loại, dài và nhọn hoắt, là “vật bất ly thân” của các phi tần. Tuy nhiên, trên thực tế, có đúng là nhà Thanh rất ưa chuộng loại phục sức này và mục đích của nó là gì?

Nhẫn móng tay: “Hộ giáp” bảo vệ bộ móng của các phi tần

Nhẫn móng tay bắt đầu xuất hiện từ thời Chiến quốc với cái tên móng tay giả hay giáp móng tay. Tuy nhiên, đến thời nhà Thanh, phục sức này càng được ưa chuộng hơn, đặc biệt là các phi tần, mỹ nữ chốn hậu cung.

Cũng giống như Việt Nam, người Trung Quốc quan điểm “cái răng cái tóc là góc con người” nên họ rất quan tâm, chăm chút tới vẻ ngoài, từ răng miệng, tóc và móng tay móng chân. Thậm chí, họ còn cho rằng không nên cắt móng tay và tóc mà nên để chúng mọc tự nhiên bởi đó là do cha mẹ sinh ra.

Cao Quý Phi trong Diên Hi công lược sở hữu bộ hộ giáp bằng vàng vô cùng ấn tượng.

Chính vì việc để móng tay dài nên họ đã sáng tạo ra những bộ “hộ giáp” với mục đích đơn thuần là bảo vệ, tránh việc va chạm mạnh hay gãy khi làm việc. Tuy nhiên, việc sở hữu móng tay dài sẽ khiến các hoạt động không được thuận tiện nên chỉ có tầng lớp cao quý trong xã hội như phi tần, tiểu thư khuê các - những người ít phải động tay động chân làm gì - mới có thể dùng phục sức này.

Theo tự truyện của một cung nữ, Từ Hy Thái hậu ngày nào cũng đeo 2 bộ “hộ giáp” ở ngón út và áp út. Mỗi cái dài từ 5-7 cm và bộ bằng vàng đeo ở tay phải, trong khi bộ ngọc trai đeo ở tay trái. Thậm chí, ban đêm khi đi ngủ, Từ Hy Thái hậu cũng phải đeo “hộ giáp”.

Cận cảnh bộ hộ giáp của Từ Hy Thái hậu.

Ngoài ra, Từ Hy Thái hậu rất chú tâm tới việc bảo dưỡng nên thường xuyên nhắc nhở các cung nữ phải rửa “hộ giáp” bằng nước nóng rồi dùng nước bóng từ Pháp đánh lên. Thế nhưng, khi về già, móng tay của Từ Hy Thái Hậu trở nên héo úa và xỉn màu. Ban đầu, bà trách móc các cung nữ vì tội lơ là trách nhiệm, nhưng sau nhận ra quy luật tất yếu của thời gian, bà mới cắt móng tay thường xuyên.

Từ “hộ giáp” trở thành vật phẩm thể hiện quyền lực

Trong thời nhà Thanh, phục sức này không chỉ đơn giản là một vật để bảo vệ bộ móng mà nó còn được khoác lên mình diện mạo mới khi trở thành vật phẩm để phân cấp địa vị, quyền lực trong hậu cung. Thứ vị càng cao thì chất liệu chế tác và họa tiết càng sang trọng, quý giá.

Phú Sát Hoàng hậu có bộ hộ giáp được chạm khắc tinh xảo.

Theo đó, Thái hậu, Hoàng hậu, Quý phi thường dùng “hộ giáp” bằng vàng, ngọc trai, mai rùa. Trong khi đó, các phi tần thứ bậc thấp như Quý nhân, Thường tại, Đáp ứng chỉ được dùng hộ giáp bằng đồng, ngà, men sứ…

Về mặt họa tiết, đối với ngôi vị Hoàng hậu thường xuất hiện những chi tiết chạm khắc hình phượng hoàng trên “hộ giáp”. “Hộ giáp” của Thái hậu thường được khắc chữ “vạn” hoặc chữ “thọ”,… Một số phiên bản “hộ giáp” còn có thể uốn cong theo dáng ngón tay.

“Hộ giáp”: Thứ vũ khí sắc nhọn của phi tần

“Hộ giáp” không chỉ đẹp với những chi tiết chạm khắc tinh xảo mà nó còn rất nhọn và sắc. Do đó, không ít phi tần trong chốn hậu cung xưa đã sử dụng “hộ giáp” để làm vũ khí phòng thân hay tấn công.

Bộ hộ giáp trong chốn hậu cung còn là một vũ khí vô cùng sắc bén.

Chẳng hạn, trong tập 56 Diên Hi công lược, khi Thư Tần vô tình thấy Minh Ngọc mang rèm từ phủ nội vụ về Diên Hi cung, nàng ta đã cười nhạo và không ngừng gây khó dễ cho Minh Ngọc. Sau khi ngáng chân làm Minh Ngọc ngã xuống đất, Thư Tần còn cúi xuống, dùng “hộ giáp” rạch một đường lên má của Minh Ngọc. Vừa lúc đó, Sách Luân thị vệ đi tới, giúp Minh Ngọc giải vây và chăm sóc cô tận tình.

Vết thương do hộ giáp của Thư Tần gây ra trên mặt Minh Ngọc.

Phương An

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/kham-pha/ai-cung-thay-phi-tan-trong-dien-hi-cong-luoc-deo-nhan-mong-tay-nhung-may-nguoi-biet-tac-dung-cua-no-3525307.html