Ai đã cắt ruộng oan uổng của 8 người dân xã Ngọc Mỹ?

Đó là các chị Đinh Thị Nụ; Tào thị Thanh; Đỗ Thị Ngọc; Đỗ Thị Chinh; Nguyễn Thị Phòng; Nguyễn Thị Thìn; Đỗ Thị Nga; Đỗ Thị Xuân Thúy. Tất cả đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Tuy tuổi đời khác nhau, nhưng cả 8 chị đều lấy chồng cùng thôn trước năm 1992. Điều đáng nói là gia đình nhà chồng 8 chị đều là các hộ SX nông nghiệp cá thể, không phải là xã viên HTX nông nghiệp Ngọc Than.

Những người nông dân bị cắt ruộng oan uổng ở Ngọc Mỹ

Trở lại thời điểm năm 1992, tỉnh Hà Tây (cũ) được chọn làm thí điểm giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân. Ngày 3/8/1992, UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định số 250/QĐ-UBND về việc ban hành bản quy định về giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các hộ nông dân.

Mục II, phần 1 quyết định trên ghi: “Đối tượng được giao ruộng là lao động, nhân khẩu thuộc các hộ xã viên của HTX”. Đồng thời, ngày 25/9/1992, UBND huyện Quốc Oai ban hành quy định số 278/QĐ-UB về việc giao ruộng đất lâu dài. Mục II, phần I, điểm a của quy định trên cũng ghi: “Các đối tượng được giao ruộng là lao động, nhân khẩu thuộc các hộ xã viên của HTX có mặt tại địa phương đến thời điểm 15/10/1992”.

HTX Ngọc Than đã có đề án giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân. Đề án do ông Nguyễn Văn Cung, chủ nhiệm HTX ký tên, đóng dấu, và được thông qua tại đại hội xã viên ngày 25/10/1992. Nhưng khi tiến hành giao ruộng, thì cả 8 chị đều không được nhận ruộng.

Hỏi, thì được trả lời: Các chị đã trở thành thành viên của những hộ gia đình cá thể, không còn là thành viên của hộ gia đình xã viên HTX như quy định tại hai quyết định số 250/QĐ-UBND và 278/QĐ-UB của UBND tỉnh và UBND huyện nữa.

Lý do mà HTX Ngọc Than và UBND huyện Quốc Oai đưa ra để biện minh cho việc cắt ruộng một cách oan uổng của 8 chị là không chấp nhận được. Bởi lẽ khi đi lấy chồng, cả 8 chị đều đã trên 18 tuổi, tức là đã trưởng thành, và đều là xã viên HTX Ngọc Than. Việc các chị trở thành thành viên trong một hộ SX nông nghiệp cá thể và việc họ là xã viên HTX Ngọc Than không liên quan gì đến nhau.

Không có bất cứ một văn bản của cấp có thẩm quyền nào tước bỏ tư cách xã viên HTX của các chị cả. Vì vậy, các chị vẫn là xã viên của HTX nông nghiệp Ngọc Than và ngày nay là HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Than, và vẫn là đối tượng được giao đất nông nghiệp theo quy định tại hai quyết định trên.

Điều 6, Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993, quy định rất rõ ràng: “Đối tượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định, lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự”. Quy định này không phân biệt người trong HTX hay người ngoài HTX.

Lấy cớ 8 chị em nói trên đã trở thành thành viên trong các gia đình SX nông nghiệp cá thể để tước bỏ quyền được nhận đất canh tác ổn định, lâu dài của họ, là HTX Ngọc Than và UBND huyện Quốc Oai đã vi phạm nghị định 64-CP của Chính phủ.

Hơn thế nữa, phần I, mục III đề án giao ruộng của HTX Ngọc Than, được đại hội xã viên thông qua ngày 25/10/1992, trở thành nghị quyết của đại hội, về những đối tượng được giao ruộng, cũng chỉ ghi: “Các nhân khẩu, lao động thuộc các hộ nông dân có mặt đến 15/10/1992” chứ không phân biệt người trong hay ngoài HTX. Điều đó có nghĩa là HTX Ngọc Than đề ra nghị quyết, rồi lại vi phạm chính nghị quyết của mình.

8 chị bị tước đi quyền được giao đất nông nghiệp, là tư liệu SX quan trọng nhất đối với người nông dân, khiến đời sống của họ vô cùng vất vả. Trong số 8 chị đó, có người là quân nhân phục viên, chồng là thương binh, như chị Đinh Thị Nụ và anh Đỗ Lai Trạch.

Điều thiệt thòi nữa là những cháu bé do các chị sinh trước năm 1992, dù có hộ khẩu thường trú vào thời điểm 15/10/1992, nhưng do mẹ không được giao ruộng, nên các cháu cũng không được giao.

TRẦN TRUNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ai-da-cat-ruong-oan-uong-cua-8-nguoi-dan-xa-ngoc-my-post223860.html