Ai đắc lợi từ thỏa thuận OPEC - Nga?

Dầu thô trên thị trường thế giới ngày 1-12 tăng giá, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác cho tới cuối năm sau.

Theo Reuters, trong cuộc họp thượng đỉnh cấp bộ trưởng mới nhất và cũng là kỳ họp thứ 173 của OPEC tại Vienna - Áo ngày 30-11, tổ chức do Ả Rập Saudi dẫn đầu này cùng nhóm 10 nhà sản xuất dầu ngoài OPEC do Nga dẫn đầu đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày tới tháng 12-2018.

Đạt được vào cuối năm ngoái nhằm xử lý tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu, thỏa thuận cắt giảm này lẽ ra kết thúc vào cuối tháng 3-2018. Mục đích gia hạn là tiếp tục tìm cách tái cân bằng thị trường dầu thô và giữ giá dầu ít nhất trên mức 60 USD/thùng. Việc gia hạn được cho là nằm trong dự đoán nhưng cuộc họp nói trên vẫn chưa có câu trả lời về mối bận tâm lớn nhất từ phía Nga, đó là khi nào và làm thế nào chấm dứt cắt giảm!

Giới chuyên gia cho rằng với giá dầu vượt mức 60 USD/thùng, Moscow không khỏi lo ngại gia hạn thỏa thuận bao trùm năm 2018 có thể thúc đẩy sản xuất dầu thô tăng vọt ở Mỹ - vốn không tham gia thỏa thuận nói trên.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak (bìa trái), Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih (giữa) và Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo (bìa phải) họp báo sau hội nghị của OPEC ngày 30-11Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, chính phủ Mỹ công bố dữ liệu cho thấy sản xuất dầu của nước này tăng 3% trong tháng 9 lên tới 9,48 triệu thùng/ngày, tức tăng 290.000 thùng/ngày so với tháng 8 và gần đạt kỷ lục 9,63 triệu thùng/ngày của hồi năm 2015. Với một số chính sách giảm giá hấp dẫn, lượng dầu thô Mỹ chảy về châu Á ngày càng tăng với các thống kê tàu chở dầu cho thấy khoảng 135.000 thùng/ngày được xuất khẩu sang châu lục này trong 10 tháng đầu năm 2017, có thể tăng tới 242.000 thùng/ngày trong tháng 11 và 379.000 thùng/ngày trong tháng 12.

Theo Giám đốc điều hành giao dịch dầu thô của hãng Strong Petroleum (Singapore) Oystein Berentsen, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng tương đương sản lượng mà OPEC cắt giảm, thế nên lượng dầu tăng thêm mà châu Á nhập khẩu phần lớn đến từ Mỹ. Trong khi đó, chuyên gia môi giới tại Công ty giao dịch hàng hóa Freight Investor Service, ông Matt Stanley, cho rằng bên hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC chính là các nhà sản xuất Mỹ.

Trước câu hỏi phải chăng OPEC sẽ thua trong canh bạc này, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ không nằm ngoài dự đoán. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cho biết OPEC sẽ không vội phản ứng trước sự tăng vọt ngắn hạn trong sản xuất dầu thô của nền kinh tế số 1 thế giới.

Thu Hằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ai-dac-loi-tu-thoa-thuan-opec-nga-20171201220422253.htm