Ai đang có lợi thế trong cuộc chiến 'băng giá' ở Bắc Cực?

Với việc nhiều quốc gia trên thế giới đang quan tâm tới việc khai thác nguồn lợi tại khu vực Bắc Cực, khi nhiệt độ toàn cầu đang nóng dần lên và khiến lớp băng vĩnh cửu tan dần ra.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là quân đội các nước đã chuẩn bị gì cho kịch bản tác chiến trong điều kiện giá lạnh vùng cực. Điều kiện này liệu có ảnh hưởng lớn đến kịch bản tác chiến và thậm chí là kết quả cuộc chiến hay không?

Băng giá có thể thay đổi cục diện chiến trường

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, mùa hè luôn là thời điểm thuận lợi cho các cuộc chiến. Không chỉ vì mặt đất khô ráo, thuận tiện cho việc cơ động quân đội, mà còn là yếu tố chuẩn bị cho cả một đội quân tác chiến trong điều kiện băng giá là điều rất khó khăn, kể cả với các quân đội chính quy và có trang bị hiện đại nhất.

Về vấn đề này, nhiều nhà quan sát quân sự Nga căn cứ vào thực tiễn đánh giá, ở mùa đông, thời gian ban ngày luôn ngắn hơn ban đêm gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định thời điểm tác chiến của người chỉ huy. Mặt khác, thời tiết băng giá không thuận lợi khiến đội hình tác chiến bị kéo dài dễ bị bọc sườn, bao vây, chia cắt. Trong điều kiện mùa đông, các điều kiện thời tiết bất lợi như những trận bão, tuyết rơi gây cản trở khả năng cơ động và tầm nhìn. Thậm chí, các đơn vị có thể lạc nhau khiến đội hình tác chiến bị rối loạn.

Mùa đông đã hạ gục nhiều đội quân thiện chiến nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ càng.

Mùa đông đã hạ gục nhiều đội quân thiện chiến nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ càng.

Trong mùa đông, quần áo ngụy trang của người lính có thể trở nên vô dụng sau một trận tuyết rơi. Màu trắng của tuyết khiến người lính nổi bật giữa giữa môi trường xung quanh. Điều quan trọng hơn chính là gánh nặng với lực lượng hậu cần khi phải chuẩn bị số lượng lớn quân phục chống rét, cũng như các loại nhiên liệu, vật liệu có khả năng chống chịu được nhiệt độ âm tới hàng chục độ C.

Trong thực tế, nhiều chiến lệ đã chứng minh các quân đội dù rất thiện chiến, nhưng có thể gục ngã, mất khả năng chiến đấu do băng giá. Trong cuộc Chiến tranh Mùa đông ở Phần Lan, ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, Hồng quân Liên Xô đã chịu tổn thất nặng nề do thiếu sự chuẩn bị để đối phó với mùa đông giá rét vùng cực. Trong tuần đầu của cuộc chiến, hàng nghìn chiến sĩ Hồng quân đã bị bỏng lạnh, hoại tử chi do giá rét và mất khả năng chiến đấu. Tỷ lệ mất khả năng chiến đấu ở các đơn vị tuyến đầu do giá rét lên tới 8% quân số.

Điều tương tự cũng xảy ra với Phát xít Đức vào năm 1941. Do không có đủ trang bị để đối phó với mùa đông tại Liên Xô nên quân đội phe Trục dù chiếm lợi thế ở chiến dịch Barbarossa khi khơi mào cuộc chiến, đã bị sa lầy. Giới chức quân đội phát xít đã chủ quan và cho rằng có thể kết thúc cuộc chiến trước khi mùa đông đến. Kết quả của sự chủ quan này là việc các tập đoàn quân phát xít bị Hồng quân Liên Xô bao vây, chia cắt và tiêu diệt.

Ai đang có lợi thế tại Bắc Cực

Căn cứ vào điều kiện thời tiết và kinh nghiệm thực chiến, Liên Xô trước đây và Nga hiện nay được coi là quốc gia đã thích nghi và có sự chuẩn bị tốt nhất cho mọi kịch bản quân sự có thể xảy ra ở Bắc Cực. Hạm đội Phương Bắc từ lâu đã có các đơn vị chuyên biệt được huấn luyện để tác chiến tại các khu vực băng giá. Trong các bài diễn tập thực tế, đơn vị đặc biệt này chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực từ Murmansk đến Anadyr (dài khoảng 5.000km) tiếp giáp Bắc Cực.

Quân đội Nga đang sở hữu nhiều đơn vị có khả năng tác chiến ở điều kiện giá lạnh.

Cùng với đó, ngay từ thời Liên Xô, Hồng quân đã tạo ra mạng lưới căn cứ quân sự đặc biệt để các đơn vị quân đội có thể đồn trú lâu dài tại các khu vực giá lạnh. Căn cứ quân sự Arctic Shamrock tại đảo Alexandra là một điển hình rõ ràng. Căn cứ nằm ở khu vực vành đai vùng cực này có duy trì hoạt động của 150 binh sĩ, cùng đầy đủ trang bị quân sự trong thời gian dài bất chấp băng giá. Các binh sĩ tham gia lực lượng tác chiến vùng cực cũng được tuyển chọn kỹ từ cư dân sinh sống ở phương Bắc nước Nga, vốn đã quen với khí hậu giá rét.

Cùng với yếu tố con người, trang bị quân sự hoạt động tại vùng Bắc Cực cũng được chuyên biệt hóa. Các đơn vị xe tăng T-80BVM, tổ hợp tên lửa phòng không Panstir-S1... được tối ưu cho hoạt động trong điều kiện băng giá đã được Nga đưa vào trang bị. Một trong những điều kiện để hoạt động tốt tại vùng cực là phương tiện chiến đấu sử dụng động cơ turbin khí có khả năng hoạt động tốt hơn so với các dòng động cơ đốt trong dùng nhiên liệu diesel trong điều kiện giá lạnh.

Thậm chí, trong nhiều điều kiện khắc nghiệt, các đơn vị tác chiến vùng cực có thể sử dụng các phương tiện động vật như: Chó và tuần lộc để tác cơ động dài này tại Bắc Cực.

Căn cứ quân sự Arctic Shamrock tại vùng cực của Quân đội Nga.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, với nguồn lợi khoáng sản lớn nằm sâu dưới lớp băng vĩnh cửu đang tan dần, nhiều quốc gia đang muốn khẳng định chủ quyền tại vùng băng giá này. Nga hiện là quốc gia có nhiều lợi thế nhất không chỉ vì vị trí địa lý, mà còn là yếu tố con người và công nghệ.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo TASS, RIAN)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/ai-dang-co-loi-the-trong-cuoc-chien-bang-gia-o-bac-cuc-648951