Ai đang là chủ nợ lớn nhất của Hòa Phát?

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tại ngày 31/12/2023, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long còn vay dài hạn 18.075 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2023, tập đoàn có 187.782,6 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 17.447 tỷ đồng so với đầu năm; doanh thu thuần đạt 118.953 tỷ đồng, bằng 84,1% năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.800,4 tỷ đồng, giảm 19,5% so với năm 2022. Các con số này không có chênh lệch so với báo cáo công ty tự lập.

Giải trình cho kết quả kinh doanh sụt giảm, phía tập đoàn này cho biết, ngành sản xuất kinh doanh thép đóng góp hơn 90% vào kết quả kinh doanh hợp nhất. Trong năm 2023, kết quả kinh doanh nhóm thép suy giảm so với năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao, giá thép giảm, đồng thời với biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng.

Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận chi phí lãi vay 3.585 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.

Dư nợ các khoản vay dài hạn của HPG tính đến cuối năm 2023.

Dư nợ các khoản vay dài hạn của HPG tính đến cuối năm 2023.

Nợ phải trả của doanh nghiệp đầu ngành thép đã lên gần 85.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 10.723,6 tỷ đồng. Riêng nợ vay dài hạn còn 18.075 tỷ đồng, ít hơn 721,6 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong năm 2023, có 10 tổ chức, cá nhân cho Hòa Phát vay vốn, trong đó khoản nợ dài hạn tại Ngân hàng BNP Paribas bằng USD trị giá 1.460,3 tỷ đồng đã được tất toán, song khoản nợ dài hạn với Vietcombank - chi nhánh Thành Công (đáo hạn vào 2025-2030) đã tăng từ 5.164,5 tỷ đồng lên 8.859,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, dư nợ vay dài hạn với một số đối tác khác cũng giảm khá mạnh. Tại VietinBank chi nhánh Hà Nội (đáo hạn năm 2025) giảm từ 5.199,4 tỷ đồng xuống 2.424,4 tỷ đồng; tại Ngân hàng TNHH Woori Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh (đáo hạn 2024-2026) giảm từ 761,8 tỷ đồng xuống còn 413,6 tỷ đồng; tại Techcombank giảm từ 783,6 tỷ đồng xuống còn 615,3 tỷ đồng…

Ngoài ra, một số ngân hàng, tổ chức khác cũng cho Hòa Phát vay vốn như: BIDV chi nhánh Hà Thành cho vay 694,1 tỷ đồng; Vietinbank là 2.424,4 tỷ đồng; Ngân hàng HSBC Việt Nam là 3.980,1 tỷ đồng; Quỹ bảo vệ môi trường là 6,1 tỷ đồng;

Đáng chú ý, trong danh sách các chủ nợ lớn của Hòa Phát có một cá nhân là bà Nguyễn Thị Tố Hoài cho vay đến 325 tỷ đồng, khoản vay này xuất hiện từ cuối năm 2022 và đến năm 2024 đáo hạn. Tuy nhiên, mục đích khoản vay này chưa bao giờ được thuyết minh chi tiết trong báo cáo tài chính của Hòa Phát.

Theo báo cáo tài chính của Hòa Phát, bà Nguyễn Thị Tố Hoài cũng đã nhiều lần xuất hiện tại các khoản mục liên quan đến các khoản phải thu về cho vay ngắn và dài hạn.

Đến cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Tố Hoài còn khoản vay ngắn hạn 8,4 tỷ đồng (lãi suất 6%/năm) và 95,3 tỷ đồng (lãi suất 6%/năm) tại HPG. Được biết, các khoản vay này là khoản Hòa Phát cho vay cá nhân nhằm mục đích xây dựng và đầu tư các hạng mục chuồng trại, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất mà sau đó Hòa Phát sẽ thuê lại. Gốc và lãi của các khoản vay này sẽ được cấn trừ với tiền thuê trang trại trong suốt thời gian thuê.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/ai-dang-la-chu-no-lon-nhat-cua-hoa-phat-1099139.html