Ai dễ rối loạn ám ảnh cưỡng chế như Beckham?

Tiền vệ tài hoa David Beckham vừa được vinh danh giải thưởng 'Chủ tịch UEFA 2018' vì những đóng góp cho bóng đá thế giới. Truyền thông quốc tế khi đưa tin đã nhắc đến chứng bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế của David Beckham. Để bạn đọc có thêm thông tin về chứng bệnh này, chúng tôi ghi nhận ý kiến của chuyên gia sức khỏe.

Beckham luôn áp lực phải hoàn hảo

Theo nhật báo The Independent (Anh), David Beckham đã đối diện với “cuộc chiến” chống lại bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Beckham phát hiện mắc bệnh khi một lần vào khách sạn, thay vì nghỉ ngơi, anh lại bị thôi thúc phải dọn dẹp các tờ rơi, sách báo ngay ngắn vào ngăn kéo, sắp xếp các lon nước thành từng hàng, theo cặp để có được cảm giác “mọi thứ phải hoàn hảo”.

Trò chuyện trên đài ITV1, Beckham nói: “Tôi bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nó thúc giục tôi phải sắp xếp mọi thứ cho ngăn nắp, thẳng hàng. Tất cả mọi thứ phải có cặp đối xứng hoàn hảo. Tôi luôn bị thôi thúc phải tìm cách để các lon Pepsi trong tủ lạnh nhà mình đầy kín, nếu hết chỗ tôi tiếp tục đặt các lon còn lại vào tủ chén...”.

Beckham cho biết các đồng đội của anh ở Real Madrid không biết chứng bệnh của anh nhưng những cầu thủ ở câu lạc bộ cũ Manchester United thì hay cố tình sắp xếp lại quần áo trong phòng khách sạn hoặc di chuyển tạp chí đúng nơi ngay ngắn, để không khiến anh khó chịu.

David Beckham trong lần thứ ba trở lại Việt Nam tham gia một sự kiện văn hóa tại TP.HCM năm 2015. Ảnh: Thanh Tùng

David Beckham trong lần thứ ba trở lại Việt Nam tham gia một sự kiện văn hóa tại TP.HCM năm 2015. Ảnh: Thanh Tùng

Gọi chồng mình là “kẻ lập dị” bởi những hành vi khác thường, Victoria kể: “Anh ấy có những cơn ám ảnh cưỡng chế đến mức nếu bạn mở tủ lạnh nhà chúng tôi bạn sẽ thấy mọi thứ trong đó đều đối xứng, ngăn nắp quá mức. Chúng tôi có ba tủ lạnh, một dùng để đồ ăn, một chứa rau, cái còn lại là đồ uống và trong tủ lạnh chứa đồ uống, mọi thứ luôn luôn ngay hàng thẳng lối, đối xứng, nếu có cái lon nước thứ ba xuất hiện thì chắc chắn sẽ bị Beckham vứt đi...”.

Báo chí nước ngoài cũng ghi nhận nhiều biểu hiện sinh hoạt khác thường của Beckham như anh buộc phải mặc quần áo trắng để phù hợp với... trang trí nội thất, mua 30 chiếc quần lót Calvin Klein mỗi hai tuần và thường sắp xếp tất cả áo sơ mi theo một thứ tự màu sắc...

Beckham cho biết anh đã nhiều lần tìm cách phá đi sự ám ảnh cưỡng chế bởi các hành vi lặp đi lặp lại theo chu kỳ nhưng không thể.

Những dấu hiệu của OCD

TS-BS. Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội) cho biết, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder - viết tắt OCD) là một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính. Dấu hiệu phổ biến là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do phù hợp, và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng. Tổ chức Y tế Thế giới xếp OCD vào nhóm 10 bệnh lý gây ra tàn phế nặng nề nhất toàn cầu.

OCD có nhiều loại: ám ảnh sợ bẩn, sợ gây tổn hại cho người khác, sợ mắc sai lầm, sợ đám đông, sợ độ cao, luôn đòi hỏi chính sự chính xác và hoàn hảo... OCD biểu hiện qua những ý nghĩ thường xuyên tái diễn liên quan tới lo âu hoặc căng thẳng và/hoặc những hoạt động tâm thần hoặc thể chất có chủ ý lặp đi lặp lại để giảm sợ hãi hoặc giảm căng thẳng do những nỗi ám ảnh gây ra.

OCD do nhiều nguyên nhân (sang chấn tâm lý, nội sinh...), trong đó đáng chú ý là các yếu tố di truyền. OCD đã được xác nhận có tính gia đình và là rối loạn do hỗn tạp nhiều gen không đồng nhất. Các nghiên cứu phả hệ, xét nghiệm phân tử đã chứng minh nguy cơ mắc OCD khởi phát sớm có thể cao gấp bốn lần ở những người thân thế hệ thứ nhất. Nguyên nhân thứ hai, do miễn dịch ở hệ thần kinh.

Sự xuất hiện của OCD sau trường hợp tiếp xúc hoặc nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết bêta - nhóm A ở một nhóm nhỏ trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên đã dẫn tới những nghiên cứu về phản ứng miễn dịch ở OCD. Thứ ba, do chất dẫn truyền thần kinh. Sự có mặt của một số hệ thống dẫn truyền thần kinh (bao gồm hệ thống serotonin và dopamine) đã được coi là điều kiện cơ bản gây ra OCD... Một số nghiên cứu ghi nhận những thay đổi trong hoạt động và mô hình não cũng có thể gây ra OCD, và nó thường xảy ra cùng với các bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu...

Người bệnh OCD thường dành nhiều thời gian vào những ý nghĩ lung tung (là những ý nghĩ sai, luôn xuất hiện trong đầu bệnh nhân với tính chất cưỡng bức; bệnh nhân cũng biết ý nghĩ đó sai nhưng không thể xua đuổi ra khỏi suy nghĩ, khiến họ phải thực hiện, để không thấy lo lắng, bồn chồn, bất an, tim đập nhanh...) và các hành vi đó có tính lặp đi lặp lại, ví dụ: trước khi ra khỏi nhà bệnh nhân đã khóa cửa, nhưng ngay khi vừa đi khỏi thì trong đầu xuất hiện hoài nghi “mình đã khóa cửa chưa?”. Chính ý nghĩ này dẫn tới hành vi quay lại kiểm tra cửa.

Sau khi kiểm tra thấy cửa đã khóa và họ yên tâm được một chút nhưng không lâu sau đó ý nghĩ hoài nghi rằng “mình đã khóa cửa chưa” lại xuất hiện và họ phải quay lại kiểm tra... Những ám ảnh cưỡng chế lặp đi lặp lại được cho là hợp lý để đối phó với nỗi sợ hãi và lo lắng cực độ của người bệnh. Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy sự khó chịu về ảnh hưởng của ám ảnh đến các hoạt động thường ngày. Các hành vi hay các hoạt động tinh thần nhằm ngăn cản/làm giảm đi nỗi lo sợ thường là quá mức, xa rời với các cách vô hiệu hóa hay ngăn cản thông thường.

“OCD thường gặp ở người hay đòi hỏi tính chính xác, tích tụ và chi ly quá mức hoặc tính lo lắng. OCD điển hình bao gồm dọn dẹp, kiểm tra, đếm ý nghĩ, hành vi lặp đi lặp lại và tránh né, do dự, nghi ngờ, chậm chạp hoàn thành công việc. Đối với hầu hết các trường hợp mắc OCD đều có sự xuất hiện cả ý nghĩ ám ảnh và hành động cưỡng bức”, BS.Tâm cho biết.

Bệnh có thể chữa khỏi?

Theo BS. Tâm, phần lớn các ca bệnh OCD đều bắt đầu từ thời kỳ thiếu niên hoặc tuổi dậy thì. Bệnh phổ biến ở trẻ em và tuổi mới lớn với tỉ lệ 0,5% và tỉ lệ suốt đời là 1-3%. OCD ở người trẻ tuổi tăng cấp số nhân khi tuổi đời tăng lên, với tỉ lệ 0,3% ở trẻ 3-5 tuổi, tăng lên 0,6% đối với trẻ 13-18 tuổi. OCD hiện diện ở trẻ vị thành niên cao hơn tỉ lệ mắc các bệnh khác (tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực...). Ở trẻ nhỏ, tỉ lệ bé trai mắc OCD cao hơn bé gái nhưng chênh lệch này giảm khi độ tuổi tăng lên.

Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới với OCD ở trẻ em cho thấy điều trị bằng Sertralin giúp 50% bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn và 25% khỏi bệnh một phần với thời gian theo dõi là một năm. Trong một số ca bệnh, chẩn đoán OCD có thể được coi là dấu hiệu của một dạng rối loạn tâm thần. Với trẻ có triệu chứng dưới ngưỡng OCD, nguy cơ chuyển thành OCD toàn diện trong hai năm là rất cao. Đối với người lớn tuổi, kết quả điều trị khả quan hơn với tỷ lệ thành công cao, khoảng 70%.

“Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy phương pháp chữa trị tối ưu là phối hợp điều trị bằng các thuốc tác động trên serotoninergic và liệu pháp nhận thức hành vi. Kết quả từ nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên dùng thuốc, kết hợp cả thuốc và can thiệp nhận thức hành vi, ở người mắc OCD cho thấy kết quả điều trị tốt hơn so với các rối loạn lo âu khác. Cần biết rằng, OCD không thể giải quyết ngay lập tức, bệnh không dễ điều trị. Ngoài kiến thức chuyên môn, cần có sự kết hợp với gia đình và nỗ lực cao của người bệnh”, BS.Tâm nói.

Lê An - Vi Thoại

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ai-de-roi-loan-am-anh-cuong-che-nhu-beckham-15300.html