Ai đi đường vào ban đêm, cần đặc biệt lưu ý

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, trong quí I năm 2024, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 69/104 vụ tai nạn giao thông (TNGT) (giảm 35 vụ so cùng kỳ năm 2023), chết 32/68 người (giảm 36 người), bị thương 45/46 người (giảm 01 người), thiệt hại tài sản 335 triệu đồng.

Ảnh minh họa: LĐ

Phân tích số liệu 69 vụ TNGT đường bộ trong quí I năm 2024, cho thấy:

Thời gian xảy ra tai nạn: Từ 0h đến 6h: 08 vụ (chiếm 11,59%); từ 6h đến 12h: 12 vụ (chiếm 17,39%); từ 12h đến 18h: 28 vụ (chiếm 40,58%); từ 18h đến 24h: 21 vụ (chiếm 30,44%). Như vậy, số vụ TNGT xảy ra vào ban đêm chiếm tỷ lệ rất cao. Đó là quãng thời gian sự tập trung chú ý, quan sát của người điều khiển phương tiện giao thông bị hạn chế. Không loại trừ một số vụ có sự tác nhân từ nồng độ cồn sau khi người tham gia giao thông dự tiệc tùng, ăn uống sau giờ hành chánh.

Về tuyến đường xảy ra TNGT: Cao tốc: 03 vụ (chiếm 4,35%); quốc lộ: 21 vụ (chiếm 30,44%); đường tỉnh: 21 vụ (chiếm 30,44%); nội thị: 08 vụ (chiếm 11,59%); nông thôn: 02 vụ (chiếm 2,9%); tuyến đường huyện: 07 vụ (chiếm 10,14%); tuyến đường xã: 07 vụ (chiếm 10,14%).

Như vậy, TNGT tập trung nhiều ở tuyến quốc lộ, đường tỉnh do các tuyến này có phương tiện tham gia giao thông đông đúc; tốc độ xe nhanh hơn đường huyện, xã. Tuy nhiên, ghi nhận tuyến đường giao thông nông thôn không ngừng gia tăng TNGT, đây là lời cảnh báo người dân nông thôn, ít có cảnh sát giao thông tuần tra và thiếu ánh sáng đèn đường, lại dễ chủ quan trong việc uống rượu bia.

Về giới tính, số vụ TNGT do nam giới gây ra là 53 vụ, chiếm 76,81%; nữ: 16 vụ (chiếm 23,19%). Đây cũng là lời nhắc nhở nam giới vì thường chủ quan, chạy nhanh, có nồng độ cồn.

Về độ tuổi: Dưới 18 tuổi: 03 vụ (chiếm 4,35%); từ 18 đến dưới 27 tuổi: 17 vụ (chiếm 24,64%); Từ 27 đến 55 tuổi: 40 vụ (chiếm 57,97%); trên 55 tuổi: 09 vụ (chiếm 13,04%). Như vậy, độ tuổi từ 27 đến 55 tuổi chiếm gần 58 %. Đây là độ tuổi trưởng thành, thành đạt, hầu hết đã lập gia đình, có việc làm và trách nhiệm nuôi con, có thu nhập, có quan hệ xã hội rộng,... nên tham gia nhiều đám tiệc, thường xuyên tham gia giao thông.

Trong các phương tiện tham gia giao thông gây TNGT, lỗi do mô tô, xe máy là cao nhất với 47 vụ (chiếm 68,12%); ô tô: 17 vụ (chiếm 24,64%); xe đạp: 03 vụ (chiếm 4,35%); đi bộ: 02 vụ (chiếm 2,89%). Hiện nay, mỗi gia đình đều có ít nhất 01-2 xe mô tô, xe máy. Trong khi hạ tầng giao thông chậm phát triển thì phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện tăng rất nhanh nên lượng phương tiện này tham gia giao thông đông đúc, dẫn đến chiếm vị trí đầu về lỗi gây TNGT.

Phân tích nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm thì ý thức kém vẫn là nguyên nhân chính như đi sai phần đường, làn đường, không chú ý quan sát, chuyển hướng.

Cụ thể, nguyên nhân do tốc độ: 01 vụ (chiếm 1,45%); phần đường, làn đường: 14 vụ (chiếm 20,29%); vượt xe: 08 vụ (chiếm 11,59%); chuyển hướng: 12 vụ (chiếm 17,39%); không nhường đường: 02 vụ (chiếm 2,9%); quy trình thao tác lái xe: 02 vụ (chiếm 2,9%); không chú ý quan sát: 14 vụ (chiếm 20,29%); do người đi bộ: 03 vụ (chiếm 4,35%); nguyên nhân khác: 13 vụ (chiếm 18,84%).

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng chức năng đã xử phạt 14.857 trường hợp vi phạm, phạt tiền 53,439 tỉ đồng; tước giấy phép lái xe 3.284 trường hợp. Trong đó, đường thủy nội địa phát hiện 329 trường hợp vi phạm, phạt tiền 397 triệu đồng.

Đặc biệt, phạt vi phạm về nồng độ cồn 4.983 trường hợp, với số tiền 25,1 tỉ đồng; vi phạm về ma túy 09 trường hợp, với số tiền 147 triệu đồng. Điều này tiếp tục cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông còn kém, nhiều người vi phạm về nồng độ cồn, dù việc xử lý lỗi này “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” từ mấy năm nay.

Bên cạnh ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn chủ quan, vi phạm TTATGT còn phổ biến, nhất là hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, giấy phép lái xe, các loại xe không đủ điều kiện lưu hành; không chấp hành tín hiệu đèn, biển báo... Đây là một trong những nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn đến TNGT.

Ngoài ra, tình trạng kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, xây dựng công trình vi phạm hành lang ATGT vẫn còn xảy ra, chưa xử lý triệt để. Trong khi đó, chủ tịch UBND cấp xã chưa quan tâm, quyết liệt trong giải quyết vi phạm hành lang ATGT đường bộ.

Tiếp tục triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024 là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân, chủ đề tuyên truyền phù hợp với năm ATGT; phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp.

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT. Chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT; phát huy hiệu quả mô hình tuần tra phối hợp giữa CSGT với các lực lượng cảnh sát kết hợp giữa xử lý vi phạm về TTATGT và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn./.

Tấn Lộc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ai-di-duong-vao-ban-dem-can-dac-biet-luu-y-a175438.html