Ai đỡ được đòn trên không cho nhà máy dầu Arab Saudi?

Er- Riyadh (A rập Saudi hay A rập Xê-Út) buộc phải mua một bản sao kém chất lượng từ 'Vityaz' Nga.

Lại xin được giới thiệu bài viết của chuyên gia Nga, nguyên kỹ sư chính TSNIIMASH (Viện khoa học- nghiên cứu chế tạo máy Trung ương- trung tâm nghiên cứu khoa học- thiết kế chế tạo tên lửa-ND) Vladimir Tuchkov với tiêu đề và phụ đề trên (thay lời giới thiệu), Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 22/9/2019.

Ảnh: AP/TASS

Ảnh: AP/TASS

Cuối cùng thì Ả Rập Saudi cũng đã quyết định “nâng tầm” hệ thống phòng thủ (chống) tên lửa của mình lên một “mức mới” đáng tin cậy hơn.

Bởi vì dù tất cả các cuộc tấn công bằng tên lửa của lực lượng của Houthi trước đây (nhằm vào Ả Rập Saudi ) trong phần lớn các trường hợp đều thành công (trúng mục tiêu), nhưng dù sao thì các cuộc tấn công đó cũng không gây ra những tổn thất khủng khiếp như đòn tấn công cuối tuần trước nhằm vào các cơ sở lọc dầu của công ty Aramco nước này.

Và Ryahth quyết định tìm “hạnh phúc” của mình tại Nam Triều Tiên.

Cả chuyện này, nói chung, mới nghe cứ như một câu chuyện tiếu lâm buồn. Trong mấy năm vừa qua, Ả Rập Saudi đã mua sắm một số lượng vũ khí khổng lồ của Mỹ trị giá tới 100 tỷ USD, - tức một “hợp đồng” đạt tầm vóc kỷ lục thế kỷ.

Các đường biên giới của đất nước này hiện đang được bảo vệ (và cần phải được bảo vệ) bởi 88 bệ phóng của các tổ hợp tên lửa phòng không “Patriot” Mỹ. Không chỉ thế, hầu hết các tổ hợp này- là biến thể PAC3 mới nhất, được coi là hiện đại nhất vì khi thiết kế nó các công trình sư- kỹ sư đã tính kỹ và khắc phục hết những nhược điểm của các biến thế trước đó.

Và ở đây có một chi tiết rất đáng quan tâm, nó chứng minh một cách hùng hồn rằng giữa quảng cáo (vũ khí) của Mỹ và tình hình thực tế có một khoảng cách rất lớn. Tại Trung Đông hiện đang diễn ra một “tiến trình” cải hoán các tên lửa chiến thuật Xô Viết cổ đại (từ “cổ đại”- nguyên văn-ND) “Scud” rất mạnh mẽ.

Tập đoàn “Raytheon” trong tất cả các tài liệu, pano quảng cáo công bố rộng rãi trên toàn thế giới về hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không “Patriot” PAC3 đều khẳng định rằng xác suất đánh chặn (thành công) một quả tên lửa “Scud” bằng một quả tên lửa (đánh chặn) là 0,6 – 0,8.

Cùng thời gian đó, trong một bản báo cáo khác được công bố năm ngoái về hiệu quả của các tổ hợp tên lửa phòng không (Patriot PAC3 và PAC2 ít hiệu quả hơn) mà tập đoàn này đã bàn giao cho A rập Saudi, Tập đoàn “Raytheon” đã thừa nhận rằng trung bình phải sử dụng tới 4 quả tên lửa của “hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất thế giới” này mới bắn hạ được một quả “Scud”. Trong khi mỗi quả tên lửa “Patriot” có giá tới một triệu đôla.

Mỹ vẫn tiếp tục “vắt sữa” theo đúng nghĩa đen của từ cái quốc gia giàu có nhất thế giới này. 100 tỷ đối với Mỹ vẫn còn là ít, và trong năm ngoái, một hợp đồng nữa đã được ký kết với điều khoản là (Mỹ) cung cấp cho A rập Saudi các tổ hợp tên lửa phòng không THAAD với số tiền phải trả “chỉ có” 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, THAAD chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao vài chục km, có nghĩa là ngoài bầu khí quyển. THAAD không thể đối phó với các phương tiện tấn công đường không thời “nguyên thủy” mà các chiến binh Houthi Yemen đang có trong tay.

Các sự kiện gần đây nhất cho thấy người A rập Saudi ngày càng ít tin tưởng các hệ thống của Mỹ. Chính đó là lý do tại sao họ quyết định “tìm hiểu” các khả năng của các tổ hợp tên lửa phòng không Hàn Quốc và sẽ trang bị cho Quân đội của mình các tổ hợp này nếu như chúng hoàn hảo hơn các hệ thống tương tự của người Mỹ.

Ý định của cả hai bên (Ả rập Saudi và Hàn Quốc) là hết sức nghiêm túc. Mới ngày 18/ 9 vừa rồi, Thái tử Ả Rập Saudi đã nêu vấn đề này trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Và ông đã nhận được “sự hiểu biết sâu sắc” từ phía Seoul. Trong một tuyên bố chính thức của Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc) có đoạn nêu rõ:

"Hoàng thân Mohammed bin Salman đã đề nghị Hàn Quốc giúp củng cố hệ thống phòng không của đất nước ông, cả hai bên đã đồng ý sẽ tiếp tục tham vấn lẫn nhau về vấn đề này."

Vậy ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc có thể “chào hàng” những gì với Ả Rập Saudi?

Phương tiện phòng không / phòng chống tên lửa mạnh nhất (của Hàn Quốc)- đó là tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung có một số mã số khác nhau- KM-SAM, hay còn nổi tiếng với cái tên khác là Cheolmae-2, hoặc Cheongung, hoặc M-SAM.

Kiểu tên lửa này được sản xuất hàng loạt từ năm 2015.

Tổ hợp này có chức năng đánh chặn tất cả các loại phương tiện bay, kể cả cả máy bay không người lái (UAV) kích thước nhỏ. Cự ly đánh chặn tối đa- 40 km, độ cao đánh chặn tối đa - 20 km. Đây là tổ hợp cơ động trên khung gầm xe bánh lốp.

Các phương tiện phát hiện mục tiêu- rất hiện đại - một radar ba tọa độ với ăng ten mảng pha chủ động góc quan sát 360 độ nhờ ăng ten quay với tốc độ 40 vòng / phút. Theo độ cao- phủ một sector 80 độ. Các máy phát hoạt động trên băng tần X, như các radar trên máy bay.

KM-SAM sử dụng một kiểu tên lửa cho tất cả các trường hợp. Những ưu điểm chính của tên lửa là: khả năng chịu lực quá tải rất tốt- lên tới 50 g. Nhờ vậy mà tên lửa có khả năng cơ động cực tốt.

Khi mới được phóng, tên lửa được điều khiển bởi hệ thống quán tính, khi cự ly đến mục tiêu đạt một ngưỡng nhất định, đầu dò radar chủ động được kích hoạt. Tốc độ của các mục tiêu bị đánh chặn có thể lên tới 1000 m/s, nghĩa là gần 3 M. Như vậy là quá đủ để giải quyết cái tình huống trớ trêu mà Riyadh đang gặp phải.

Như chúng ta đã thấy, tổ hợp rất ổn. Nó có thể làm tăng tiềm lực phòng thủ của Ả rập Saudi chống lại các UAV và các tên lửa có cánh (hành trình) bay thấp. Và, nhân tiện nói luôn, kiểu tên lửa này có “bảo hành” thương hiệu. Vấn đề là ở chỗ, tổ hợp này là “tên lửa Hàn Quốc gốc Nga”.

Vào khoảng thời gian khi ở Nga ngự trị toàn sự hỗn độn và hoang tàn (nguyên văn- tức những năm sau khi Liên Xô sụp đổ), và nước Nga cũng không cỏ tiền trong những năm 90 của thế kỷ trước, tập đoàn “Almaz-Antey” và Phòng thiết kế “Phakel” (cả hai của Nga) đã được mời tham gia chế tạo các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung cho Hàn Quốc.

Người Triều Tiên (Hàn Quốc) khẳng định rằng mọi công việc (nghiên cứu- thiết kế- chế tạo- thử nghiệm-ND) đều do Viện nghiên cứu- khoa học quốc phòng Hàn Quốc thực hiện có sự tham gia của các tập đoàn Samsung, LIG Nex 1, Doosan DST.

Nhưng trên thực tế, công trình nghiên cứu - thiết kế trên được thực hiện tại Nga với sự tham gia của các chuyên gia Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành công tác nghiên cứu thiết kế, các chuyên gia Nga đã chuyển giao toàn bộ công nghệ cho người Nam Triều Tiên.

Vâng, và sau đó, vào năm 2007, tập đoàn “Almaz-Antey” đã đề xuất với Bộ Quốc phòng Nga về việc tập đoàn này sẽ chế tạo một kiểu tổ hợp tên lửa tầm trung cho chính Nga dựa theo các thiết kế này.

“Almaz- Antey” được bật đèn xanh, họ đã làm, và kết quả là chúng ta có tổ hợp tên lửa tầm trung S-350 “Vityaz”. Trong năm nay (2019), các bài thử nghiệm cấp nhà nước tổ hợp này sẽ hoàn tất và S-350 sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt.

Với những tổ hợp (S-350) với các khả năng tác chiến vượt trội nguyên mẫu Hàn Quốc này, sẽ rất hợp lý và cả “hợp tình” nữa nếu Ả Rập Saudi mua nó. Tổ hợp “Vityaz” có hai kiểu tên lửa– tên lửa 9M96 và tên lửa 9M100.

Tên lửa 9M96 tương tự như tên lửa của tổ hợp Hàn Quốc, nhưng cự ly đánh chặn đã tăng lên đến 120 km và độ cao - lên tới 35 km. Còn tên lửa 9M100- là tên lửa đánh chặn tầm ngắn, - trong bán kinh 15 km. Và nó (9M100) có một hệ thống dẫn đường khác – hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp hiệu chỉnh vô tuyến từ một radar mặt đất.

S-350 có cơ số đạn nhiều hơn rất đáng nể- trên mỗi xe phóng có 12 tên lửa đánh chặn. Về “năng lực”, nó vượt xa S-300. Thời gian phản ứng giảm và số lượng mục tiêu có thể bắn cùng lúc tăng. Có nghĩa là- nó có thể đánh trả một cách hiệu quả các cuộc tấn công ồ ạt.

Nhưng nếu Riyadh “mua hàng S-350” của Nga- chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cơn thịnh nộ của Washington. Nói cho đúng ra, người A rập Saudi cũng đã từng có “những nỗ lực rụt rè” để sở hữu các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. Vào tháng 10 năm ngoái (2018), trong thời gian Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdel Al Saud đang ởthăm Matxcova, hai bên đã đàm phán về việc (Ả rập Saudi ) mua các tổ hợp tên lửa phòng không này (S-400) của Nga.

Tuy nhiên, khi nhà vua vừa về đến tổ quốc, ngay lập tức đã phải nghe một cú “nói chuyện điện thoại rất nghiêm túc”- phía đầu dây bên kia là Washingon. Và câu chuyện mua S-400 dừng lại ở đó.

Vâng, còn một đất nước nữa cũng chế tạo được những tổ hợp (tên lửa phòng không) rất xuất sắc. Và chúng, những tổ hợp tên lửa phòng không đó cũng sẽ vô cùng thích hợp nếu được sử dụng để bảo vệ nguồn lực chủ yếu tạo nên giàu có của A rập Saudi- ngành công nghiệp dầu mỏ.

Thêm nữa, trong trường hợp này, Washington chắc chắn sẽ có không nửa lời ngăn cản và không gây ra bất kỳ trở ngại nào. Tuy nhiên, lại có cái khó khác- đó là các thần dân của Quốc Vương A rập Saudi chắc chắn sẽ không chịu thấu hiểu cho Quốc Vương của mình. Vì đất nước đó chính là Israel.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/ai-do-duoc-don-tren-khong-cho-nha-may-dau-arab-saudi-3388079/