Ai đủ sức dẹp tòa xử tội ác chiến tranh ở Kosovo?

Ai dám làm điều đó ngoài đạo diễn ván cờ Nam Tư, bởi xử tội ác chiến tranh ở Kosovo cũng chỉ là một nước cờ được đạo diễn sắp đặt....

Giới cầm quyền Kosovo kêu gọi dẹp bỏ định chế xét xử tội ác chiến tranh

Balkan Insight ngày 26/8 đưa tin, các cựu chiến binh Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) mà đứng đầu là Tổng thống Kosovo Hashim Thaci đã kêu gọi dẹp bỏ Phòng Chuyên gia Kosovo - Định chế pháp lý xét xử tội ác chiến tranh ở Kosovo.

Tổng thống Thaci đã đăng một đoạn video trên facebook kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ chấm dứt gia hạn nhiệm vụ của các công tố viên Phòng Chuyên gia Kosovo trong việc xét xử các cựu thành viên KLA bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

Người đứng đầu chính quyền Pristine đồng thời là cựu lãnh đạo Quân đội Giải phóng Kosovo đang bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, lên tiếng rằng :“Chính trị không nên can thiệp vào công lý và công lý cũng không nên can thiệp vào chính trị".

Xin nhắc lại, ngày 24/6, Phòng Chuyên gia Kosovo công bố bản cáo trạng buộc tội Tổng thống Thaci, chính trị gia cấp cao của Kosovo Kadri Veseli và nhiều cựu binh khác của KLA về phạm tội ác chiến tranh.

Hashim Thaci

Hashim Thaci

Bản cáo trạng chống lại Thaci và đồng phạm là sự phát triển mới nhất trong một cuộc điều tra được khởi xướng vào năm 2011 với việc bổ nhiệm Công tố viên người Mỹ Clint Williamson làm Công tố viên trưởng Lực lượng Đặc nhiệm Điều tra của EU.

Việc Phòng Chuyên gia Kosovo phải công khai cáo trạng vì ông Thaci và các đồng phạm bị cho là đang thúc đẩy một chiến dịch bí mật để vô hiệu đạo luật, mà từ đó sẽ kết thúc sứ mệnh của định chế pháp lý này, giúp họ tránh được vòng lao lý.

Nhưng việc vô hiệu đạo luật về thành lập Phòng chuyên gia Kosovo cũng như về bổ nhiệm các công tố viên để xét xử các nghi can bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Kosovo gặp nhiều trở ngại, nên Pristine tìm cách khác.

Đó là kêu gọi nghị sĩ Quốc hội Kosovo thông qua Dự luật về Bảo vệ các giá trị lịch sử trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Kosovo, trong đó có bảo vệ Quân đội giải phóng Kosovo.

Việc Pristine thúc đẩy Dự luật về Bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo đã được xem là lá bùa hộ mệnh cho Tổng thống Thaci và các cựu binh KLA. Chính vì vậy mà ông Thaci rất tự tin khẳng định "họ không thể kết án tôi phạm tội ác chiến tranh".

Tuy nhiên, quá trình lập pháp không thể nhanh, trong khi Phòng Chuyên gia Kosovo lại đẩy nhanh tiến độ xem xét cáo trạng, khiến những kẻ phạm tội ác chiến tranh không còn nhiều thời gian nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật..

“các cựu chiến binh KLA nên nhớ rằng Phòng Chuyên gia được thành lập bởi sửa đổi Hiến pháp với 2/3 số phiếu tán thành cùng với một thỏa thuận quốc tế", theo nghị sĩ Rexhep Selimi.

Như vậy, Phòng Chuyên gia xét xử tội ác chiến tranh ở Kosovo chỉ có thể bị giải tán trong hai trường hợp. Một là xét xử xong tất cả nghi phạm phạm tội ác chiến tranh và hai là sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ điều khoản về cơ chế xét xử tội ác chiến tranh.

Ai mới là tác giả thực sự của lời kêu gọi xóa bỏ Phòng chuyên gia Kosovo?

Xin nhắc lại, năm 2010, sau khi thực hiện một quá trình điều tra độc lập, chính trị gia người Thụy Sĩ Dick Marty đã trình một bản báo cáo lên Hội đồng Châu Âu trong đó xác định các chiến binh KLA đã phạm tội ác chiến tranh ở Kosovo.

Vết nhơ của Mỹ-NATO ở Nam Tư cũ chưa biết bao giờ mới rửa sạch

Dựa trên báo cáo đó, các công tố viên của Lực lượng Đặc nhiệm Điều tra Đặc biệt thuộc Phái bộ Pháp quyền Liên minh châu Âu tại Kosovo kết luận rằng có đủ bằng chứng để truy tố tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người xảy ra ở Kosovo.

Dưới sức ép của Mỹ - được xem như là đại diện cho NATO - và EU, chính quyền Kosovo buộc phải đồng ý về các phương thức xử lý đối với những cáo buộc nghiêm trọng từ Báo cáo Dick Marty.

Ngày 3/8/2015, Quốc hội Kosovo thông qua Điều 162 của Hiến pháp Kosovo sửa đổi, Luật về Phòng chuyên trách và Văn phòng Công tố viên đặc biệt - gọi chung là Phòng Chuyên gia Kosovo, định chế pháp lý xét xử tội ác chiến tranh ở Kosovo.

Ngày 15/1/2016, Phòng Chuyên gia Kosovo chính thức được thành lập và có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Ngày 1/12/2016, sau khi bà Ekaterina Trendafilova được bổ nhiệm làm Công tố viên trưởng, Phòng chuyên gia Kosovo chính thức hoạt động.

Dư luận từng đặt vấn đề là xét xử tội ác chiến tranh ở Nam Tư cũ đã có Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY), tại sao không để định chế pháp lý này xét xử tội ác chiến tranh ở Kosovo, mà phải thành lập Phòng Chuyên gia Kosovo?

Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia pháp lý phương Tây cho rằng Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ chỉ tồn tại đến ngày 31/12/2014, với nghi can trong phiên tòa cuối cùng này Goran Hadzic.

Trong khi thời điểm ICTY chấm dứt tồn tại thì chính quyền Kosovo chưa chấp nhận nội dung Báo cáo Dick Marty cũng như phương thức xử lý đối với những cáo buộc nghiêm trọng từ Báo cáo Dick Marty. Vì vậy phải lập Phòng Chuyên gia Kosovo.

Trong quá trình hoạt động, ICTY chỉ xét xử 161 bị can trong số những nghi can bắt giữ được, còn một số nghi can vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật khi định chế pháp lý này được tuyên bố là hoàn thành sứ mệnh.

Nghi can vẫn còn, sao ICTY lại kết thúc sớm sứ mệnh như vậy? Dường như có một sự sắp đặt ở đây: cho Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ kết thúc sớm sứ mệnh để có lý do cho Phòng Chuyên gia Kosovo ra đời. Nhưng sắp xếp vậy để làm gì?

Các công tố viên Phòng Chuyên gia Kosovo từng lên tiếng về việc những vướng mắc làm cho việc mở các phiên tòa xét xử rất khó khăn và mất nhiều thời gian, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thông tin có giá trị từ các nhân chứng.

Bởi cho đến nay, đã hơn 20 năm kết thúc chiến tranh Nam Tư, các nhân chứng đã già nên khó có thể nhớ hết những gì họ thấy, họ chứng kiến nên thông tin giảm giá trị. Bên cạnh đó, nhiều nhân chứng đã qua đời trước khi các phiên tòa diễn ra.

Xâu chuỗi các sự kiện lại, có thể thấy đằng sau việc cho Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ kết thúc sớm sứ mệnh để Phòng Chuyên gia Kosovo ra đời, là mưu đồ nhằm kéo dài việc xét xử để đến lúc không còn nhân chứng và kẻ phạm tội sẽ vô tội.

Việc công tố viên Phòng Chuyên gia Kosovo đầy nhanh tiến độ xem xét cáo trạng khiến đạo diễn ván cờ Nam Tư lo lắng bị lộ tẩy

Tuy nhiên, khi Phòng Chuyên gia Kosovo thúc đẩy nhanh tiến độ xem xét cáo trạng thì mưu đồ biến kẻ phạm tội thành người vô tội có nguy cơ phá sản. Vì vậy, việc định chế pháp lý đối mặt nguy cơ bị dẹp là rất dễ hiểu.

Giới phân tích cho rằng, thực ra Pristine chỉ thực hiện "ý chỉ" của Washington, vì CIA bị xác định là bao che cho KLA phạm tội ác, nên nếu các cựu binh KLA ra tòa thì bao nhiêu mưu đồ không trong sáng của Mỹ trong cuộc chiến Nam Tư sẽ lộ tẩy.

Như vậy, thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ, rồi cho định chế này kết thúc sớm sứ mệnh, gây sức ép để thành lập Phòng Chuyên gia Kosovo, rõ ràng đều đã được đạo diễn, còn ai là đạo diễn có lẽ không khó trả lời.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ai-du-suc-dep-toa-xu-toi-ac-chien-tranh-o-kosovo-3418066/