Ai đứng sau vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh? (Kỳ cuối: Bất lực hay có sự tiếp tay?)

Xin ở lại qua đêm tại nhà một người dân, sáng hôm sau, theo chỉ dẫn, từ trung tâm xã Tiên Lãnh, chúng tôi men theo đường vào rừng. Men theo đường mòn lội qua suối Đá Mài, lên đồi Khu Tưởng Niệm rồi tiến vào Gềnh Giăng.

Xin ở lại qua đêm tại nhà một người dân, sáng hôm sau, theo chỉ dẫn, từ trung tâm xã Tiên Lãnh, chúng tôi men theo đường vào rừng. Men theo đường mòn lội qua suối Đá Mài, lên đồi Khu Tưởng Niệm rồi tiến vào Gềnh Giăng. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp nhiều phách gỗ có chiều dài hơn 3m được vận chuyển xuống tập kết tại đây. Tiếp tục men theo đường mòn trâu kéo gỗ, đi khoảng 40 phút, chúng tôi đến được rừng Xai Mưa. Từ đây nhìn quanh, nhiều khoảnh rừng của Tiểu khu 556 cháy đen loang lổ trông như lớp da báo giữa những cánh rừng vốn dĩ phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Từ đồi Xai Mưa của Tiểu khu 556 nhìn qua Tiểu khu 557 với những cánh rừng bị “xóa sổ”.

Từ đồi Xai Mưa của Tiểu khu 556 nhìn qua Tiểu khu 557 với những cánh rừng bị “xóa sổ”.

Theo người dân địa phương cho biết, trước đây khu vực này có nhiều loại gỗ quý như lim, sến, kiền kiền nhưng đã bị lâm tặc đốn hạ. Những năm gần đây các loại gỗ còn lại như chò, quảnh, sơn nghệ, chuồng... nhưng cũng đã bị xóa sổ. Như Tiểu khu 557, khu vực này đồi núi cao, giáp với H. Bắc Trà My ô-tô không thể vào được, nên để đưa gỗ về xuôi, chúng chỉ có cách dùng trâu kéo gỗ ra khỏi rừng rồi kết bè thả xuống Sông Tranh, sau đó tập kết và vận chuyển về đồng bằng tiêu thụ. Còn khu vực 556 này, do gần rừng sản xuất nên các loại gỗ được các đối tượng dễ dàng vận chuyển về xuôi trực tiếp bằng ô-tô tải. Theo quan sát, ở đây hầu như các loại gỗ to đều được thu gom sạch. Hiện trường chỉ còn những cây nhỏ được đốt phá lấy đất để trồng keo. Gần bên những vạt keo vừa mới trồng trong mùa mưa năm ngoái nay đã lên xanh ngang đầu gối.

“Phá hết rồi các chú à! Vùng kế dưới cũng là rừng phòng hộ nhưng đã bị phá hết từ nhiều năm nay. Bây giờ bọn nó lên phá đến Tiểu khu 556, 557 rồi. Từ rừng Cửa Cá đến thác Năm Tầng giáp Bắc Trà My cũng vừa bị phá cách đây 1 tháng. Giờ thì hết nhộn nhịp rồi, chứ trước đây xe tải vận chuyển gỗ chạy ầm ầm suốt đêm nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng đâu” - ông H. một người đi hái nấm lim chúng tôi tình cờ gặp bên đường cho biết.

Khu vực này đường sá khó đi lại, nếu trồng keo sau này chở đi đâu bán? Tôi hỏi, ông H. cho biết hiện thủy điện Sông Tranh 3 đang xây dựng, khi tích nước khu vực lòng hồ ngập lúc đó gỗ keo không thể vận chuyển về hướng xã Tiên Lãnh tiêu thụ. Do vậy chỉ có cách mở đường qua H. Bắc Trà My tiêu thụ. Bởi từ đây qua đó rất gần, do đó nhiều người “đi tắt đón đầu” phá rừng để trồng keo, chờ cơ hội có đường kiếm lợi nhuận...

Những phách gỗ chưa kịp kéo ra khỏi rừng nằm ven đường bên Tiểu khu 556.

Người dân xã Tiên Lãnh cho biết, trước đây do thiếu đất sản xuất, diện tích rừng tự nhiên gần khu vực dân cư nên người dân địa phương cũng có phá để trồng keo. Còn thời gian gần đây, người ở đâu đến thuê người đồng bào thiểu số chặt phá rừng. Hỏi họ làm cho ai thì họ chỉ nói là ông chủ gọi đi làm chớ không dám nói tên. “Trước đây, một số hộ có rừng sản xuất giáp với rừng phòng hộ Tiểu khu 556 nên đã tự ý cơi nới thì bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính 3 - 20 triệu đồng. Cụ thể, như chị Thu tự ý phá thêm 10 sào đất rừng phòng hộ bị phạt 3 triệu đồng; anh Tân phá hơn 10ha bị phạt 23 triệu đồng; anh Võ Xuân Hùng tự ý xâm chiếm 8 sào thì bị phạt 5 triệu... Từ đó, người dân địa phương không ai dám tự ý xâm lấn rừng nữa. Vậy mà chỉ trong 2 năm trở lại đây, hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ Tiểu khu 556 đã bị xóa sổ. Các đối tượng có người tiếp tay nên mới dám lộng hành như vậy” - ông H. thông tin thêm.

Chúng tôi được biết, ở đây các thôn được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng. Khi các nhóm hộ phát hiện các vụ phá rừng đều có báo cáo gửi lên lãnh đạo UBND xã Tiên Lãnh. “Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, hễ phát hiện nơi đâu xảy ra phá rừng, chúng tôi làm báo cáo gửi ngay cho UBND xã Tiên Lãnh để có hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có giải pháp gì để ngăn chặn, chấn chỉnh. Kết cục là các cánh rừng thuộc lâm phần các thôn trên địa bàn xã vẫn liên tiếp bị tàn phá...” - ông B., một cán bộ thôn 8, xã Tiên Lãnh bức xúc.

Những loại gỗ lớn đã bị lấy đi, gỗ nhỏ còn lại nằm ngổn ngang.

Qua tìm hiểu cho thấy, đến nay chưa có các ngành chức năng nào vào hiện trường thống kê đầy đủ diện tích rừng phòng hộ nơi đây bị triệt phá. Có chăng ngành Kiểm lâm chỉ thống kê vài vụ phá rừng nhỏ lẻ để có “báo cáo” hằng năm. Nhưng theo thông tin từ người dân địa phương, tổng diện tích rừng ở khu vực này đã bị xóa sổ trên 500ha. Trong đó, chỉ riêng diện tích rừng bị tàn phá ở Tiểu khu 556 gần như đã bị “xóa sổ”, ước tính hơn 300ha rừng ở đây đã bị triệt hạ.

Trước sự việc nghiêm trọng trên, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sơn - Bí thư xã Tiên Lãnh xác nhận việc người dân phá rừng phòng hộ lấy đất trồng keo diễn ra từ lâu. Theo ông Sơn, việc phá rừng ở đây rất nghiêm trọng, tuy nhiên diện tích rừng tự nhiên bị phá chính quyền chưa xác định bao nhiêu, con số thống kê chỉ dựa trên những vụ phá rừng đã bị kiểm tra, xử lý. “Do lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn rộng lớn, nguồn kinh phí cho công tác tuần tra kiểm soát hạn chế nên không quản lý hết được. Ngoài ra, khi tổ chức tuần tra thì bị người dân theo dõi, khi thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra thì các đối tượng đã gọi điện thông báo cho người phá rừng chạy thoát. Song mới đây, lực lượng chức năng cũng đã bắt được 7 người phá rừng, hiện vụ việc do kiểm lâm thụ lý” - ông Sơn lý giải.

Những cánh rừng tự nhiên bị xóa sổ thay vào đó là những cây keo mới được trồng.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng có nhiều vụ phá rừng phát hiện và bàn giao cho kiểm lâm xử lý, tuy nhiên chế tài xử phạt nhẹ, không đủ răn đe. “Tháng 3-2016, chính quyền phát hiện ông Đinh Văn Hiếu (trú xã Tiên Hiệp, H. Tiên Phước) thuê 3 người đốn hạ hơn 1ha rừng phòng hộ và đang chuẩn bị chặt phá 3,5ha tại khoảnh 6, Tiểu khu 577. Thế nhưng sau đó ông Hiếu chỉ bị kiểm lâm xử phạt 750 ngàn đồng” - ông Sơn dẫn chứng và thông tin thêm, chính quyền đã nhiều lần yêu cầu cấp trên tăng cường lực lượng cho địa phương để bảo vệ rừng, tuy nhiên đến nay chưa được chấp thuận.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Tưởng - Trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam cho rằng, thông tin hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị phá như P.V phản ánh chưa nắm rõ, sẽ cho kiểm tra và thông tin lại sau. Tuy nhiên, ông Tưởng cũng cho biết, ngày 17-8 vừa qua, lực lượng tổ chức truy quét bắt được 7 người đồng bào Ca Dong trú H. Bắc Trà My đang phá rừng tại khoảnh 5, Tiểu khu 556. Qua kiểm đếm có 7ha rừng bị phá. “Qua làm việc, những người này khai nhận mình đi làm thuê cho ông Phùng Văn Bảy (trú xã Tiên Lãnh). Sắp tới, CQĐT sẽ lên khám nghiệm hiện trường để có hướng xử lý” - ông Tưởng nói.

Có thể thấy, nạn phá rừng ở Tiên Lãnh diễn ra công khai, trong thời gian dài, bất chấp pháp luật. Thế nhưng các ngành chức năng địa phương không mấy “mặn mà” trong cách xử lý. Hậu quả từ năm này qua năm khác những cánh rừng dần dần bị “cạo trọc” không thương tiếc. Qua đó, dư luận đặt câu hỏi phải chăng chính quyền địa phương bất lực hay có sự tiếp tay nào của các ngành chức năng mới để cho “lâm tặc” lộng hành như trên?

B.BÌNH - LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_172272_ai-du-ng-sau-vu-pha-ru-ng-pho-ng-ho-tien-la-nh-.aspx