Ai đứng sau vụ tấn công Arab Saudi?

Ngày 14-9, hai nhà máy sản xuất dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Arab Saudi Aramco bất ngờ bị các máy bay không người lái tấn công. Lực lượng nổi dậy người Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, bản chất phía sau vụ tấn công này vẫn là câu hỏi lớn có liên quan đến tình hình bất ổn hiện nay ở khu vực nóng bỏng này.

Một lần nữa Mỹ lên án Iran đứng đằng sau vụ tấn công để tạo thanh thế, gây ảnh hưởng trong khu vực.

Vụ tấn công đã khiến sản lượng dầu mỏ của Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, bị sụt giảm 50%. Giá dầu ngày 16-9 đã tăng lên mức cao nhất kể từ chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, sau khi 5% sản lượng dầu thô toàn cầu từ Arab Saudi bị cắt giảm. Sau đó giá dầu đã giảm lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ mở các nguồn cung cấp khẩn cấp của Hoa Kỳ và các nhà sản xuất trên khắp thế giới cho biết có đủ lượng dầu dự trữ để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Nhà máy lọc dầu Aramco của Arab Saudi bị bốc cháy đêm 14-9 sau vụ tấn công bất ngờ của máy bay không người lái.

Nhà máy lọc dầu Aramco của Arab Saudi bị bốc cháy đêm 14-9 sau vụ tấn công bất ngờ của máy bay không người lái.

Các nguồn dự trữ của Mỹ lên đến 645 triệu thùng dầu thô, lưu giữ trong các hầm ngầm, được kiểm soát chặt chẽ tại các vùng duyên hải Louisiana và Texas. Đây là kho dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Reuters dẫn các nguồn tin am hiểu về hoạt động của Aramco nói rằng có thể sẽ phải mất nhiều tháng để công việc sản xuất dầu của Arab Saudi trở lại bình thường. Các ước tính trước đó cho rằng có thể mất vài tuần.

Phe nổi dậy tại Yemen nhận là tác giả vụ tấn công nhưng Mỹ quy trách nhiệm cho Iran trong vụ này. “Có lý do để tin rằng chúng tôi biết thủ phạm, đạn đã lên nòng, chỉ còn tùy thuộc vào việc xác minh, đang chờ tin từ Arab Saudi về việc họ biết ai đã gây ra cuộc tấn công và cách thức chúng tôi sẽ tiến hành!”, Reuters dẫn lời ông Trump cho biết trên Twitter ngày 15-9.

Trước đó, Tổng thống Trump đã điện đàm với Thái tử Mohamad Ben Salman và dường như nguyên thủ Mỹ cam kết sẵn sàng hỗ trợ Riyad.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham tuyến bố đã đến lúc Mỹ nghiên cứu khả năng tấn công cơ sở dầu mỏ của Iran và cho rằng đây là phương tiện duy nhất, “để Tehran chấm dứt các hành vi khiêu khích”. Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo trực tiếp tố cáo Iran đứng đằng sau các vụ tấn công nhắm vào nhà máy dầu tại miền Đông Arab Saudi.

Phe nổi dậy Houthi tại Yemen nhận là tác giả thế nhưng ông Mike Pompeo cho rằng, “không có bằng chứng nào cho thấy mọi việc xuất phát từ Yemen”. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành vi gây hấn của Iran và nói thêm là Washington sẽ đưa ra những “biện pháp cần thiết buộc Tehran phải lãnh hậu quả cho những hành động của mình”.

Iran đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ đồng thời cảnh báo rằng các căn cứ cũng như hàng không mẫu hạm của Mỹ ở khu vực nằm trong tầm ngắm của tên lửa Iran, theo Reuters. Trên truyền hình nhà nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran phản bác cáo buộc “vô nghĩa” của Mỹ. Một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cảnh báo rằng Iran đã sẵn sàng cho một cuộc chiến “toàn diện”.

Căng thẳng ở khu vực dầu mỏ Vùng Vịnh đã leo thang đáng kể trong năm nay sau khi ông Trump áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ đối với Iran nhằm ngăn chặn hoàn toàn việc xuất khẩu dầu của nước này. Trong nhiều tháng, các quan chức Iran đã đưa ra nhiều đe dọa gián tiếp, nói rằng nếu Tehran bị chặn xuất khẩu dầu, các quốc gia khác cũng sẽ không thể làm được việc này.

Tuy nhiên, Iran bác bỏ có bất kỳ vai trò nào trong các cuộc tấn công cụ thể, bao gồm các vụ đánh bom vào các tàu chở dầu ở Vùng Vịnh và các cuộc tấn công mà nhóm Houthi tuyên bố nhận trách nhiệm.

Theo giới quan sát, vụ tấn công cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm chính, nhắm 3 mục tiêu: kinh tế, quân sự và liên minh giữa Riyad và Washington. Trên bình diện kinh tế, vụ tấn công có mục đích đánh thẳng vào “ví tiền” của Riyad. Dầu mỏ chiếm đến 80-90% nguồn thu của Arab Saudi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Riyad cũng bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế, cán cân ngân sách bắt đầu thâm thủng. Từ một nước luôn trong tình trạng bội thu, Arab Saudi bắt đầu đi vay nợ.

Tổng thống Mỹ cho rằng Iran có lỗi trong vụ tấn công nhà máy lọc dầu Arab Saudi.

Thái tử Mohamed Ben Salman, khi đề ra chương trình cải cách kinh tế “Tầm nhìn 2030” trong đó có việc để giảm bớt nợ vay, đa dạng hóa các nguồn thu và Riyad đã có kế hoạch đưa Aramco lên sàn chứng khoán vào năm 2020-2021. Thế nhưng việc hai nhà máy bị tấn công làm lộ rõ yếu kém về an ninh của những cơ sở sản xuất dầu của Arab Saudi bất chấp hàng tỷ đô la đầu tư vào các hệ thống phòng không tinh vi.

Như vậy, tiến trình cổ phần hóa Tập đoàn Aramco có nguy cơ bị trì hoãn do các nhà đầu tư cảm thấy bất an. Ngoài ra, khi đánh vào hầu bao của Arab Saudi, phải chăng những kẻ tấn công còn muốn làm suy yếu năng lực quân sự của Riyad?

Cuối cùng, vụ tấn công này còn nhằm “thử lửa” mối quan hệ đồng minh Mỹ - Arab Saudi. Nên biết rằng cội nguồn liên minh giữa Mỹ và Arab Saudi dựa trên nguyên tắc “dầu mỏ đổi lấy bảo đảm an ninh”. Hiệp ước Quincy năm 1945 cho phép Mỹ được độc quyền tiếp cận nguồn dầu mỏ đổi lấy việc bảo đảm quân sự cho vương quốc Arab này. Nhưng hiệp ước này cũng có những lúc thăng trầm và nhất là trong vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, Arab Saudi bị nghi ngờ là ủng hộ tài chính cho phe khủng bố cực đoan.

Hơn nữa hiện nay Hoa Kỳ không còn phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến. Mỹ còn trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào cuối năm ngoái. Trong những tháng gần đây, Arab Saudi đã tăng đáng kể lượng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và giảm lượng cung sang Mỹ. Số lượng các chuyến tàu chở dầu từ Arab Saudi sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua, trong khi nguồn cung sang Hoa Kỳ đã giảm 2/3 so với năm trước, web tin tức TankerTrackers.com cho biết.

Ngày 16-9, lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen cho biết, các nhà máy sản xuất dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco của Arab Saudi vẫn là mục tiêu tấn công và có thể bị tấn công “bất cứ lúc nào”.

Người phát ngôn của Houthi Yahya Sarea cũng cảnh báo người nước ngoài nên rời khỏi khu vực này. Ông Sarea cho rằng, Arab Saudi nên ngừng “hành động gây hấn và bao vây tại Yemen”.

Cũng trong ngày 16-9, hãng tin ISNA của Iran đưa tin, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo của nước này vừa bắt giữ một con tàu bị cáo buộc chuyển lậu 250.000 lít dầu diesel sang Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Mộc Thạch (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ai-dung-sau-vu-tan-cong-arab-saudi-562183/