Ai được quyền tiếp cận các hồ sơ thuộc diện bí mật quốc phòng ở Pháp?

Sau vụ Mickael Harpon, thủ phạm dùng dao đâm chết 4 đồng nghiệp bên trong sở cảnh sát Paris ngày 3-10 vừa qua, được xác định là người nắm giữ nhiều thông tin bí mật quốc phòng, dư luận dấy lên câu hỏi: 'Ở đất nước hình lục lăng này, thông tin nào được xếp vào diện 'bí mật quốc phòng' và ai là người có thể tiếp cận những tài liệu mật trên?'.

Ba cấp độ thông tin bí mật quốc phòng

Theo Cơ quan Quốc phòng và An ninh quốc gia Pháp (SGDSN), các thông tin được xếp vào diện “bí mật quốc phòng” là những thông tin “mà việc tiết lộ chúng có khả năng gây tổn hại đến lợi ích cơ bản của quốc gia”. Hiện nay, Pháp có hơn 5 triệu tài liệu chứa các nội dung bí mật an ninh quốc gia, trong đó chủ yếu xoay quanh lĩnh vực quốc phòng. Trong số đó, 44% thông tin “bí mật quốc phòng” liên quan tới Bộ Quân đội Pháp; 26% thông tin mật liên quan tới Bộ Chuyển đổi sinh thái, 17% thông tin mật liên quan tới Văn phòng Thủ tướng và 13% thông tin liên quan tới Bộ Nội vụ.

Các quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao (HFDS) có trách nhiệm trong việc lựa chọn phân loại thông tin. Tùy thuộc vào tính chất nhạy cảm, thông tin bí mật quốc phòng được chia thành 3 cấp độ: “Lưu hành nội bộ”, “bí mật” và “tối mật”. 3 cấp độ này cũng xác định tài liệu bị tiết lộ có khả năng “gây tổn hại cho an ninh-quốc phòng quốc gia”, “gây tổn hại nghiêm trọng cho an ninh-quốc phòng quốc gia” và “gây tổn hại cực kỳ nghiêm trọng tới an ninh-quốc phòng quốc gia” hay không.

Sau vụ tấn công nhằm vào sở cảnh sát Paris ngày 3-10, dư luận băn khoăn ai là người được quyền tiếp cận thông tin bí mật. Ảnh: huffingtonpost.fr.

Theo tờ Le Figaro, hiện nay ở Pháp có 400.000 người được quyền tiếp cận thông tin “bí mật quốc phòng”. 2/3 trong số này là nhân viên của Bộ Quân đội; 14% là nhân viên Bộ Chuyển đổi sinh thái; 11% là nhân viên Bộ Nội vụ... Tuy nhiên, không phải ai cũng có quyền truy cập vào mật mã vũ khí hạt nhân hay những cuộc thảo luận có tính nhạy cảm của các nguyên thủ quốc gia. “Quyền tiếp cận không có nghĩa là những người này được quyền truy cập thông tin ở mọi cấp độ. Thông tin chỉ được cung cấp cho đúng người có chức trách nhiệm vụ”, SGDSN giải thích.

Tùy thuộc vào chức trách và nhiệm vụ, người tiếp cận thông tin cũng được chia ở 3 cấp độ: “Lưu trữ thông tin”, “bí mật” và “tối mật”. “Trong vụ tấn công ở Sở Cảnh sát Paris ngày 3-10, thủ phạm Mickael Harpon vốn là nhân viên tin học, thuộc bộ phận trinh sát và thu thập, phân tích thông tin. Mickael Harpon có quyền tiếp cận các hồ sơ thuộc diện “bí mật” quốc phòng. Vì thế, rất có thể Mickael Harpon đã thu thập được toàn bộ hoặc hầu như toàn bộ thông tin về các đồng nghiệp”, ông Éric Denécé, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo (CF2R) cho biết.

Cấp phép tiếp cận thông tin mật: Khó và có thời hạn

Để được tiếp cận thông tin mật, nhân viên phải trải qua cuộc điều tra nghiêm ngặt về hồ sơ lý lịch cá nhân cùng các mối quan hệ gia đình và xã hội. “Hồ sơ này ghi cả nhân thân cũng như các chuyến đi nước ngoài”, ông Eric Dénécé cho biết. Tổng cục An ninh nội địa (DGSI) hoặc Tổng cục An ninh tình báo và quốc phòng (DRSD) của Pháp cũng tiến hành điều tra hồ sơ pháp lý của nhân viên, tìm hiểu các hoạt động chính trị, công ty, tài khoản ngân hàng, văn bằng và địa chỉ của họ. Hóa đơn điện thoại, lịch sử truy cập internet, danh sách bạn bè trên mạng xã hội, đời tư cũng bị các đặc vụ để mắt tới. Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, DGSI hoặc DRSD sẽ là người quyết định cấp phép cho nhân viên tiếp cận thông tin mật trong khoảng thời gian nhất định.

Sau khi vượt qua cuộc kiểm tra nghiêm ngặt, người được quyền tiếp cận thông tin mật sẽ không bị kiểm soát cho đến khi giấy phép hết hạn. Giấy phép cần được gia hạn theo cấp độ của thông tin mật: 10 năm cho “lưu hành nội bộ”, 7 năm cho “bí mật” và 5 năm cho “tối mật”. Tuy nhiên, nếu phát hiện thông tin rò rỉ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, các cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy phép ngay lập tức. “Đối với trường hợp của Mickael Harpon, anh ta được tuyển dụng vào Sở Cảnh sát Paris năm 2003 và được cấp phép tiếp cận thông tin ngay cùng năm. Giấy phép sau đó đã được gia hạn hai lần”, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner tiết lộ thêm.

ĐẶNG VĂN GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ai-duoc-quyen-tiep-can-cac-ho-so-thuoc-dien-bi-mat-quoc-phong-o-phap-597489