Ai hưởng lợi?

Vừa qua, trên trang mạng xã hội của mình, Việt Tân đăng tải bài viết 'Ai hưởng lợi nhờ xuất khẩu lao động' của Nguyên Khôi. Câu hỏi này, đáng lý ra không nên hỏi, bởi bản thân nó đã hàm chứa câu trả lời.

Ai hưởng lợi ư? Đương nhiên là người lao động và Nhà nước. Đối với người lao động, đó chính là có nguồn thu nhập cao, ổn định; còn đối với Nhà nước, đó là giải quyết được việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, có nguồn thu phí từ xuất khẩu lao động (XKLĐ) để phát triển kinh tế trong nước. Điều đáng bàn, đáng mổ xẻ ở đây chính là thái độ hằn học, cay cú, đổ lỗi, bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch, phản động đối với đất nước: “Thật đáng buồn cho một quốc gia mà ở đó người ta chỉ muốn xếp hàng rời đi, thoát ly khỏi thống khổ để rồi bị đối xử không phải là con người, mất hết tự tôn, còn tầng lớp lãnh đạo chóp bu thì ở phía sau hưởng lợi”(?).

XKLĐ là một hình thức hợp tác kinh tế, một sản phẩm của nền kinh tế thị trường chứ không riêng có của các nước tư bản hay vô sản. Ấy vậy mà các thế lực thù địch, phản động lại áp đặt, gán ghép cho rằng nó là con đẻ của chế độ cộng sản. Nếu đúng như vậy thì cũng chẳng có vấn đề gì, bởi dù sao thì đây cũng là sự sáng tạo, sự cống hiến của chủ nghĩa cộng sản đối với nhân loại. Đằng này, bọn chúng lại mỉa mai, miệt thị danh xưng XKLĐ, cho rằng XKLĐ là hèn hạ, nhục nhã, là buôn bán lao động. XKLĐ là cụm từ không còn xa lạ trong xã hội Việt Nam ngày nay. Thực tế, XKLĐ đã có từ những năm 1980, dưới hình thức hợp tác lao động với các nước cộng sản, để lấy ngoại tệ về cho đất nước trong tình hình quốc nội đang trong tình trạng kiệt quệ. Sau này, XKLĐ lại có một khái niệm mới: cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ nhu cầu nhân công lao động của nước ngoài, không còn phân biệt cộng sản hay không cộng sản nữa.

Bản thân sức lao động đã là một hàng hóa và chúng ta có quyền đem sức lao động để trao đổi theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, tức là tiền công được trả tương xứng với sức lao động mà người lao động bỏ ra. Các quốc gia khan hiếm nguồn lao động, thường là lao động có tay nghề cao sẽ tìm kiếm nguồn lao động bổ sung, thay thế từ các quốc gia có nền lao động dồi dào thông qua việc ký kết các nghị định thư, hiệp định hợp tác giữa 2 nhà nước với nhau. Việt Nam là đất nước đang trong thời kỳ dân số vàng, với trên 50% dân số trong độ tuổi lao động. Vì vậy, việc chúng ta XKLĐ sang các quốc gia khác là hoàn toàn bình thường, phù hợp, thậm chí là đáp ứng mong mỏi của người lao động trong nước. Một hoạt động rất cần thiết, ý nghĩa như vậy song lại bị các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, lên án với những ngôn từ mang tính bịa đặt, xúc phạm nhân phẩm người lao động như: “XKLĐ là hình thức của Đảng bán con người cho ngoại bang, lợi dụng sức lao động của đại bộ phận nhân dân thống khổ, đẩy họ ra nước ngoài nhằm rũ bỏ trách nhiệm chăm dân của Đảng”. Hay: “XKLĐ đồng thời cũng là một nguồn thu ngoại tệ dễ dàng với cái vốn “con người” sẵn có, không cần phải đầu tư. Cứ đọc những bài báo với tiêu đề như thế này: “Thị trường XKLĐ tái khởi sắc”, người ta không khỏi so sánh con người Việt Nam như những món hàng đang được rao bán trên thị trường!”.

Thật nực cười! Chúng đang tự vả vào mặt mình khi cố gắng đưa ra những thông tin để “minh chứng”, củng cố cho “nhận định ấu trĩ” mang đầy sự hằn học, thù địch, cảm tính cá nhân nêu trên. Chúng không “ngại ngần” khẳng định rằng: “Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất, là 1 trong 10 quốc gia có thu nhập lớn từ XKLĐ”. Nói như thế thì chúng đã mặc nhiên thừa nhận rằng XKLĐ là “tật xấu” của rất nhiều quốc gia chứ không phải của riêng Việt Nam. Trong rất nhiều quốc gia XKLĐ, có nhiều nước phát triển. Các quốc gia phát triển không phải là hoàn toàn làm chủ mọi khâu, mọi công đoạn, mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Vì vậy, họ rất cần những lao động có chuyên môn cao từ các quốc gia khác tới lao động tại nước mình để nhằm, một là nâng cao trình độ tay nghề cho lao động trong nước thông qua việc truyền thụ kinh nghiệm, trao đổi, học tập lẫn nhau giữa các lao động; mặt khác góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, được ưa chuộng, dễ xuất khẩu thu lợi nhuận. Hay đơn giản, họ cần nguồn lao động phổ thông, không đòi hỏi cao về chuyên môn để làm thay những công việc của lao động có tay nghề cao trong nước, chẳng hạn như các công việc nội trợ, chăm sóc người già, người neo đơn. Mỹ, Nhật, Đức là những quốc gia phát triển bậc nhất của thế giới, song hằng năm cũng xuất khẩu rất nhiều bác sĩ, kỹ sư, lao động có tay nghề cao ra thế giới, sang làm việc ở những nước mà các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn quốc tế lớn đặt chi nhánh, mở nhà máy, công xưởng sản xuất. Thế thì, XKLĐ có phải là sản phẩm riêng có của cộng sản hay là một xu thế tất yếu của thời đại ngày nay? Đương nhiên, câu trả lời chính là đòi hỏi, nhu cầu cấp thiết của nền sản xuất hiện đại.

Dẫn dắt người đọc bằng những thông tin bịa đặt, đánh giá, nhận định mang đầy tính thù địch, ấu trĩ để rồi bọn chúng hoàn toàn lòi cái đuôi cáo của mình. Bản chất chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ của bọn chúng cuối cùng cũng bộc lộ: “Thay vì tập trung tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ giáo dục và đời sống cho nhân dân, thì Đảng lại khuyến khích người dân hăng hái tham gia XKLĐ bằng công cụ tuyên truyền qua báo, đài, để người dân nghĩ rằng XKLĐ là vinh quang, là làm giàu cho chính mình... nhưng thực chất là để Đảng ở lại hưởng lợi, ăn trên ngồi trước mà còn được cái tiếng “lo cho dân, cho nước”.

Ai hưởng lợi, ăn trên ngồi trước, Đảng có lo cho dân, cho nước không, thiết nghĩ không cần phải trả lời. Bởi, chính sự phát triển của đất nước, sự thay đổi rất lớn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta trong hơn 35 năm tiến hành đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã là câu trả lời hùng hồn nhất, thuyết phục nhất.

H.L

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/137136/ai-huong-loi