Ai khiến giá dầu bất định?

Trong khi giá dầu Brent đã vượt mốc 80 USD/thùng, việc thực hiện lệnh cấm vận của Mỹ với dầu mỏ Iran từ ngày 4/11/2018 chắc chắn gây ra nhiều lo ngại. Không ai có thể biết trước được giá dầu sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới.

Viện Dầu khí Pháp (IFP Énergies nouvelles) lưu ý trong phân tích mới nhất được công bố vào ngày 12/10/2018.

Trong quý III/2018, giá trung bình của một thùng dầu Brent là 75USD, trong khi hồi đầu năm 2016 chỉ khoảng 30USD, mức thấp nhất kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm vào năm 2014. Giá dầu hiện nay ở mức trung bình của năm 2010 - nhà nghiên cứu Guy Maisonnier ghi chú trong phân tích mới nhất của IFP Énergies nouvelles.

Thị trường dầu thô thế giới rất khó đoán định trong thời gian tới

Thỏa thuận hạn chế sản xuất của các nước OPEC và các đối tác, trong đó có Nga, còn gọi là “OPEC+", đã thành công trong việc chặn đứng sự dư thừa quá mức của nguồn cung ra thị trường dầu mỏ, bằng chứng là kho dự trữ dầu của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giảm.

Những dự báo hiện nay liên quan tới diễn biến của giá dầu trong thời gian tới vẫn rất mơ hồ. “Giá có thể tăng trong ngắn hạn nếu nguồn cung bị hạn chế nhưng cũng có thể giảm nếu nguồn cung của Mỹ được tăng cường”, theo IFP Énergies nouvelles.

Vào cuối tháng 8/2018, các chuyên gia được Reuters phỏng vấn cho rằng, giá trung bình mỗi thùng dầu trong năm 2019 trong khoảng 60-90USD.

Theo báo cáo của IFP Énergies nouvelles, Iran đang sản xuất gần 4,7 triệu thùng nhiên liệu lỏng/ngày (Mb/d), bao gồm 3,8 Mb/d dầu thô và 0,9 Mb/d khí tự nhiên hóa lỏng. Nếu trừ đi mức tiêu thụ nội địa của Iran khoảng 2 Mb/d, thì khối lượng xuất khẩu tiềm năng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận dầu của Mỹ với Iran từ ngày 4/11/2018 sẽ là 2,7 Mb/d.

Trong trường hợp các nước đồng loạt giảm mua dầu thô của Iran, 90% đối với các nước phương Tây (1,4 Mb/d nhập khẩu từ Iran vào năm 2017) và 60% với Trung Quốc (0,6 Mb/d vào năm 2017) và Ấn Độ (0,5 mb/d vào năm 2017), nguồn cung của Iran sẽ giảm gần 2 triệu thùng/ngày, theo tính toán của IFP Énergies nouvelles.

Lệnh cấm vận trước đây chống lại Iran của cộng đồng quốc tế đã làm lượng xuất khẩu dầu của Iran giảm khoảng 1,2 Mb/d trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2012, trong đó có 0,9 Mb/d từ các nước phương Tây. Mặc dù quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran bị nhiều chỉ trích, nhưng theo IFP Énergies nouvelles, mối đe dọa trừng phạt lần này của Mỹ sẽ gây ra một sự suy giảm lớn hơn trước đây.

Từ năm 2014-2017, xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Iran đã tăng gần gấp đôi

Giả sử nguồn cung của Iran giảm 2 Mb/d thì khả năng bù đắp nhanh từ những nước khác rất khó xảy ra, IFP Énergies nouvelles lưu ý. Sự gia tăng nguồn cung của Mỹ sẽ không đủ (Cơ quan Năng lượng quốc tế - EIA dự kiến lượng cung cấp nhiên liệu lỏng của Mỹ vào năm 2019 chỉ tăng 1,4 Mb/d), trừ phi Mỹ phát triển nhanh năng lực vận chuyển dầu ở lưu vực sông Permian, điều này khó có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại, theo IFP Énergies nouvelles.

Về phía OPEC, khi bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích vì đã để giá dầu tăng cao, năng lực sản xuất dư thừa của OPEC được IEA ước tính là 2,7 Mb/d trong tháng 9/2018, trong đó hơn một nửa đến từ Arập Xêút. Giả sử chỉ có 30-40% khối lượng trên sẵn sàng tung ra thị trường thì nguồn cung dư thừa chỉ ở mức 1 Mb/d, IFP Énergies nouvelles lưu ý. Tiềm lực tăng sản xuất tại Nga, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, sẽ chỉ vào khoảng 0,1-0,2 Mb/d.

IFP Énergies nouvelles tính toán và thấy một khoản thâm hụt nguồn cung trên thị trường dầu tương đối cao trong quý IV/2018 (-0,9 Mb/d). Sự thâm hụt này sẽ giảm dần trong quý I/2019 (+0,7 Mb/d), do sự giảm tăng trưởng nhu cầu dầu.

Nghiên cứu của Energies nouvelles IFP cho rằng, năm 2019, thị trường dầu mỏ sẽ đứng ở trạng thái cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất ổn có khả năng ảnh hưởng đến trạng thái cân bằng, đó là khả năng Mỹ áp đặt nghiêm ngặt hoặc nhiều lệnh cấm vận hơn chống lại Iran; sự sụp đổ của nguồn cung dầu từ Venezuela; mức tăng trưởng sản xuất ở Mỹ; việc mở các kho dầu dự trữ chiến lược…

Theo IMF, năm 2017 doanh thu từ dầu mỏ của Iran đạt 50 tỉ USD. Trong năm 2018, nếu không bị cấm vận, Iran có thể đạt 70 tỉ USD với mức giá trung bình 75 USD/thùng.

S. Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ai-khien-gia-dau-bat-dinh-518316.html