Ai không nên ăn nhiều bánh trôi, bánh chay?

Mặc dù là món ăn truyền thống nhưng vào ngày Tết Hàn thực, một số người không nên ăn nhiều bánh trôi, bánh chay để gìn giữ sức khỏe.

Ý nghĩa bánh trôi, bánh chay

Vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội. Đặc biệt, trong dịp này người đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình.

VTC News dẫn lời các chuyên gia văn hóa, việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên. Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Giá trị dinh dưỡng của bánh trôi, bánh chay

Theo Sức khỏe & Đời sống, bánh trôi, bánh chay được đánh giá là món ăn tốt cho sức khỏe. Cụ thể, giá trị dinh dưỡng của 100 gam gạo nếp bao gồm:

74.9g glucid, 8.6g protid, 1.5g lipid, 14g nước, 0.6g xeluloza, 0.8g tro, 32mg canxi, 98mg photpho, 1.2mg sắt và một số vitamin như B1, B2, PP.

Theo y học cổ truyền, gạo nếp vị ngọt, tính ấm, vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế; có công dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn, thường được dùng để chữa các chứng hư lao, tiết tả do tỳ vị hư nhược, vị quản thống, tự hãn, đạo hãn và đa hãn, tiêu khát, huyễn vựng do huyết hư.

Gạo nếp giàu chất bột là dưỡng chất chính trong khẩu phần bữa ăn của người Việt. Nếu thiếu chất bột khi ăn dễ bị hạ đường huyết, người mệt mỏi, chân tay bủn rủn, làm việc khó tập trung, bụng đói cồn cào...

Bánh trôi, bánh chay rất thơm ngon bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng ăn nhiều. Ảnh: Internet.

Bánh trôi, bánh chay rất thơm ngon bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng ăn nhiều. Ảnh: Internet.

Những ai không nên ăn bánh trôi, bánh chay

Tinh bột trong bánh cũng chủ yếu là bột gạo nếp, gây tăng đường huyết và tích mỡ nhanh, gạo nếp cũng khiến gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, khó chịu nếu ăn quá nhiều,...

Bác sĩ Đoàn Hồng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam từng chia sẻ với Vietnamnet về một số người có thể phải hạn chế ăn bánh trôi, bánhchay

- Người mắc bệnh tiêu hóa: Tinh bột trong gạo nếp là loại tinh bột phân nhánh, khó tiêu hóa hơn tinh bột trong gạo tẻ, do đó dạ dày thường phải hoạt động co bóp và tiết dịch vị ra nhiều hơn để tiêu hóa được. Từ đó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, viêm loét,... ở những người bị bệnh lý về đường tiêu hóa.

- Phụ nữ mang thai: Tiểu đường thai kỳ là mối nguy lớn với thai phụ do ảnh hưởng xấu tới thai nhi, do đó nếu bạn đang mang thai thì không nên ăn quá nhiều loại bánh ngọt và giàu tinh bột này.

- Người bị thừa cân, béo phì: Hai loại bánh này chứa nhiều calo và có thành phần chủ yếu là tinh bột và đường, không phù hợp với người thừa cân, béo phì hoặc đang muốn giảm cân.

- Người bệnh tiểu đường, mỡ máu, tim mạch: Tiêu thụ nhiều bánh trôi, bánh chay có thể khiến cơ thể nạp quá nhiều tinh bột và đường, làm đường máu tăng cao đột ngột, không tốt cho người bệnh tiểu đường, mỡ máu cao hay người mắc bệnh tim mạch.

Dù là người khỏe mạnh, yêu thích món bánh trôi, bánh chay đến đâu, bạn cũng chỉ nên ăn thường thức một khẩu phần nhỏ, khoảng 100-200g mỗi lần tùy nhu cầu và thể trạng, không nên ăn quá thường xuyên.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/banh-troi-banh-chay-tot-nhung-ai-khong-nen-an-de-bao-ve-suc-khoe-a604194.html