Ai là cha đẻ của mì ăn liền, món được dự trữ nhiều trong ngày mưa bão?

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới. Món ăn quen thuộc thường được dự trữ trong nhà, nhất là mùa mưa bão này còn điều thú vị nào bạn chưa biết?

1. Loại mì ăn liền đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm nào?

1938
1948
1958
1968

Ngày 25/8/1958, Chicken Ramen, loại mì ăn liền đầu tiên trên thế giới được ra đời. Đó là thành quả của "cha đẻ" sản phẩm này sau một năm dài miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thô sơ, dựng ngay sân sau nhà ông tại thành phố Ikeda, Osaka (Nhật Bản). Trong hình là bao bì gói Chicken Ramen đầu tiên, có một khoảng trong suốt để dễ dàng nhìn thấy sản phẩm ngay từ bên ngoài. Ảnh: Nippon.

2. Ai là "cha đẻ" của mì ăn liền?

Momofuku Ando
Nonofuku Ando
Momofuku Indo
Nonofuku Indo

Momofuku Ando (1910-2007), một doanh nhân từng mất hết tài sản chỉ sau một đêm là "cha đẻ" của mì ăn liền, món ăn vượt ra ngoài biên giới nước Nhật để trở nên phổ biến toàn cầu. Đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng ngành công nghiệp mì ăn liền, ông từng là CEO, Chủ tịch Nissin Food Products, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm tiện lợi Nhật Bản và Chủ tịch Hiệp hội Mì ăn liền thế giới. Ảnh: Cupnoodles Museum.

3. Sau Thế chiến II, việc chứng kiến hình ảnh nào đã thôi thúc "cha đẻ" mì ăn liền nghĩ ra sản phẩm này?

Đứa con trai của ông vì thiếu ăn nên rất thèm mì ramen
Đứa con gái của ông vì thiếu ăn nên rất thèm mì ramen
Người dân Hokkaido thiếu ăn xếp hàng chờ mua mì ramen trong tuyết
Người dân Osaka thiếu ăn xếp hàng chờ mua mì ramen trong đêm đông

Một đêm mùa đông sau Thế chiến II, ý tưởng cho món mì ramen ăn liền đến với Momofuku Ando. Ông chứng kiến cảnh người dân Osaka thời hậu chiến thiếu lương thực nghiêm trọng phải xếp hàng dài, chờ đến lượt mình ăn một bát ramen dưới tiết trời lạnh lẽo. Ông lập tức bị ấn tượng bởi hình ảnh này và nhận ra tầm quan trọng của thức ăn, cũng như cách người Nhật yêu mì. Momofuku Ando tiến hành nghiên cứu món mì ramen có thể ăn ngay bằng cách thêm nước sôi và chờ trong ít phút. Người ta gọi đó là "ramen ma thuật" và nó nhanh chóng phổ biến. Ảnh: YOMYOMF.

4. Sự kiện nào khiến "cha đẻ" mì ăn liền tiếp tục sáng chế mì ly, đánh dấu bước tiến của sản phẩm này ra toàn thế giới?

Được con gái ông gợi ý về hình thức mới cho món ăn
Chứng kiến cách người ta ăn mì do ông phát minh tại Mỹ
Do yêu cầu của Hội đồng quản trị công ty lúc bấy giờ
Do nhìn thấy vợ ông chế biến mì trong bếp

Trong một chuyến đến Mỹ, Momofuku Ando nhìn thấy các nhà quản lý siêu thị dùng mì Chicken Ramen của ông không giống cách thông thường, tức cho mì vào bát. Họ bẻ đôi mì, đặt vào một chiếc ly (cốc) tiện lợi, rót ngập nước nóng để làm chín mì và ăn mì với... nĩa. Sự kiện này gợi ý tưởng về cách thức tiện lợi hơn cho món ăn và mì ly đã ra đời năm 1971, đánh dấu bước chuyển từ mì ăn liền "made in Japan" thành thực phẩm toàn cầu. Ảnh: Foodbeast.

5. Năm 2006, tạp chí Time đã bình chọn Momofuku Ando vào danh sách nào?

Anh hùng châu Á
Người cha châu Á
Người thầy châu Á
Sáng kiến châu Á

Năm 2006, trong số đặc biệt xuất bản ngày 13/11 để kỷ niệm 60 năm ấn bản châu Á của Time, tạp chí này đã vinh danh Momofuku Ando là một trong 66 "anh hùng châu Á" (Asian heroes). Time bình chọn ông trong hạng mục lãnh đạo doanh nghiệp và ca ngợi Momofuku Ando là người "phát minh mì ăn liền và hỗ trợ sự phát triển nhiệm màu của châu Á". Ảnh: Deep Japan.

6. Đến Bảo tàng Mì ăn liền ở Ikeda, Osaka (Nhật Bản), du khách có thể tham gia những hoạt động thú vị nào?

Tìm hiểu về Momofuku Ando và lịch sử mì ăn liền
Tham quan "Đường hầm Mì ăn liền" độc đáo
Trải nghiệm tập làm mì Chicken Ramen
Tất cả các hoạt động trên

Tại thành phố Ikeda, Osaka (Nhật Bản) có hẳn một Bảo tàng Mì ăn liền để tôn vinh món ăn này cùng "cha đẻ" của sản phẩm. Đến bảo tàng, du khách cơ hội tham gia nhiều hoạt động thú vị như tìm hiểu về Momofuku Ando và lịch sử mì ăn liền, tham quan "Đường hầm Mì ăn liền" trưng bày hàng trăm dòng mì ăn liền khác nhau, trải nghiệm tập làm mì Chicken Ramen, mua sắm đồ lưu niệm liên quan đến mì ăn liền với nhiều sản phẩm độc đáo, có giới hạn, xem phim... Ảnh: The Open Traveler.

7. Theo thống kê toàn cầu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Việt Nam đứng thứ bao nhiêu về lượng mì ăn liền đã tiêu thụ trong năm 2017?

Thứ nhất
Thứ 3
Thứ 5
Thứ 7

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, năm 2017, toàn cầu đã tiêu thụ 100,1 tỷ phần mì ăn liền. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng tổng lượng tiêu thụ của các nước với 5,06 tỷ phần mì ăn liền. Dẫn đầu danh sách là Trung Quốc (38,97 tỷ phần), tiếp sau là Indonesia (12,62 tỷ phần), Nhật Bản (5,66 tỷ phần) và Ấn Độ (5,42 tỷ phần). Ảnh: Vietnam Insider.

Mì ăn liền ra đời như thế nào? Món ăn vừa tiện lợi, vừa rẻ và ngon này mang trong mình một câu chuyện lịch sử đặc biệt.

Song Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ai-la-cha-de-cua-mi-an-lien-mon-duoc-du-tru-nhieu-trong-ngay-mua-bao-post895085.html