Ai là đại diện gia đình bị cáo chưa thành niên?

Trong thực tiễn xét xử, nhiều bản án xét xử bị cáo chưa thành niên đã bị hủy bởi các cấp tòa không thống nhất trong việc hiểu thế nào là đại diện gia đình bị cáo. Pháp luật tố tụng thiếu hướng dẫn nên mỗi nơi vận dụng một kiểu…

Khoản 3 Điều 306 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tại phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên bắt buộc phải có mặt đại diện gia đình bị cáo. Trên thực tế, hiện nay đang có nhiều cách hiểu khác nhau về chuyện này.

Một quy định, bốn cách hiểu

Theo cách hiểu thứ nhất, đại diện gia đình bị cáo chưa thành niên phải là cha, mẹ hoặc người giám hộ. Quan điểm này dựa trên quy định tại Điều 141 Bộ luật Dân sự (cha, mẹ là đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên; người giám hộ là đại diện theo pháp luật cho người được giám hộ).

Theo cách hiểu thứ hai, chỉ có chủ hộ mới là đại diện gia đình bị cáo chưa thành niên. Bởi lẽ Điều 107 Bộ luật Dân sự quy định chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ…

Theo cách hiểu thứ ba, người đại diện này có thể bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật. Những người theo cách hiểu này lý giải luật chỉ quy định về “đại diện gia đình bị cáo” thì người được ủy quyền hợp pháp cũng giữ vai trò đại diện được.

Cách hiểu thứ tư phổ biến nhất là người đại diện này có thể bao gồm một trong tất cả những người trong hộ gia đình đã thành niên như cha, mẹ, ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị… của bị cáo. Hoặc cũng có thể không bắt buộc những người này phải cư trú cùng hộ gia đình mà chỉ cần có quan hệ như trên là đủ.

Việc hiểu thế nào là đại diện gia đình bị cáo chưa thành niên chưa được thống nhất trong thực tiễn xét xử. Trong ảnh: Một phiên xử lưu động có trẻ chưa thành niên. Ảnh: HTD

Hiện nay, cách hiểu thứ tư đang được áp dụng rộng rãi từ giai đoạn điều tra cho đến khi xét xử. Chỉ cần một người đã thành niên có quan hệ huyết thống với bị cáo chưa thành niên thì được xem như là đại diện gia đình cho bị cáo chưa thành niên. Dù vậy, theo một điều tra viên Công an quận 6 (TP.HCM), có vụ tòa này chấp nhận, có vụ tòa kia lại trả hồ sơ vì cho rằng cơ quan điều tra, viện kiểm sát vi phạm tố tụng.

Thiếu hướng dẫn

Việc có nhiều cách hiểu như trên là do hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là đại diện gia đình bị cáo.

Trong một hội nghị tổng kết ngành tòa án, Tòa Hình sự TAND Tối cao từng nêu quan điểm về chuyện này. Theo tòa hình sự, người đại diện hợp pháp của bị cáo trong tố tụng hình sự phải là người đại diện đương nhiên chứ không phải người đại diện theo ủy quyền. Nếu bị cáo còn cha mẹ thì cha mẹ là người đại diện hợp pháp của bị cáo. Nếu bị cáo không còn cha mẹ thì tòa có thể xác định những người thân của bị cáo như ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị ruột của bị cáo là người đại diện hợp pháp của bị cáo. Nếu bị cáo không còn người thân thích thì đại diện nhà trường, đoàn thanh niên hoặc tổ chức khác tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị cáo.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là quan điểm riêng của tòa hình sự, chưa phải là hướng dẫn chính thức bằng văn bản của TAND Tối cao để áp dụng thống nhất trong ngành nên thực tế vẫn diễn ra tình trạng mỗi cơ quan tố tụng áp dụng một cách hiểu khác nhau.

Không mời được gia đình, khó xử

Thực tiễn xét xử người chưa thành niên còn nảy sinh một vướng mắc khác chưa được hướng dẫn là trường hợp gia đình bị cáo ở quá xa, không thể tống đạt giấy triệu tập thì phải giải quyết sao?

Đã có những vụ án, cơ quan điều tra không triệu tập được bất cứ người đại diện gia đình nào của bị cáo vì họ ở quá xa. Hồ sơ chuyển qua tòa, tòa cũng không thể triệu tập được. Đến ngày xử, không có mặt đại diện gia đình bị cáo, tòa lại phải hoãn. Để tránh việc án bị kéo rê, khi không thể tống đạt trực tiếp, có tòa linh hoạt yêu cầu đoàn thanh niên cử người tham gia tố tụng. Nhưng đây là cách làm không đúng quy định tố tụng bởi đoàn thanh niên chỉ cử người tham gia khi không có đại diện gia đình bị cáo.

Không có cha mẹ, ai bồi thường?

Luật hiện hành quy định người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường, nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà bị cáo có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng của bị cáo để bồi thường. Nhưng trường hợp bị cáo dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà không còn cha, mẹ, đồng thời cũng không có người giám hộ thì ai bồi thường? Nếu bị cáo có tài sản riêng thì có được lấy tài sản của họ để bồi thường hay không? Nếu họ không có tài sản riêng thì việc giải quyết bồi thường phải tính ra sao? Tòa sẽ phải tuyên phần bồi thường không có, không giải quyết hay không bồi thường?

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Hỏi cung: Nhiều điểm chưa rõ

Trong vụ án người chưa thành niên phạm tội, cơ quan điều tra thường chỉ chú trọng đến việc có mặt của luật sư mà quên đi sự có mặt của đại diện gia đình bị cáo. Trong hồ sơ, cơ quan điều tra thường chỉ có một hoặc hai biên bản hỏi cung có chữ ký của đại diện gia đình bị cáo.

Vấn đề đặt ra là có bắt buộc tất cả các buổi hỏi cung người chưa thành niên phạm tội đều phải được đại diện gia đình họ chứng kiến và ký vào biên bản hay không? Hay chỉ cần một hoặc vài biên bản có chữ ký của đại diện gia đình là được? Nếu chỉ có một hoặc vài biên bản thì liệu các biên bản đó có phải thể hiện đầy đủ nội dung phạm tội và phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án hay không?

Một thẩm phán tòa quận ở TP.HCM

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2011011712334731p0c1063/ai-la-dai-dien-gia-dinh-bi-cao-chua-thanh-nien.htm