Ai là người khuấy lên vụ bê bối điện đàm giữa ông Donald Trump và Tổng thống Ukraine?

Lá thư tố cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump được công bố sáng 26-9 đã cáo buộc ông lạm quyền để lôi kéo sự can thiệp của Ukraine vào cuộc bầu cử năm 2020. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn tìm ra người cung cấp thông tin thì danh tính của họ lại được giữ bí mật vì lý do an toàn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bên lề phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 25-9 tại New York, Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bên lề phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 25-9 tại New York, Mỹ

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 24-9 tuyên bố tiến hành cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Trump. Tâm điểm của cuộc điều tra xuất phát từ một bản tố cáo, theo đó ông Trump được cho đã gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông. Trong khi đó, ông Trump đang nắm giữ gần 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine và đối thủ chính của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có thể là ông Joe Biden.

Sẽ nguy hiểm nếu lộ danh tính

Tờ New York Times ngày 26-9 dẫn các nguồn thạo tin cho rằng, người gửi thư tố cáo Tổng thống Donald Trump tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài để tái tranh cử chính là một sĩ quan tình báo, người này từng được điều động tới làm việc tại Nhà Trắng một thời gian. Hiện viên sĩ quan nói trên đã quay trở lại Cục Tình báo Trung ương (CIA).

Các quan chức, sĩ quan, nhà phân tích từ cơ quan quân sự, tình báo và hành pháp thường xuyên tới Nhà Trắng. Họ làm việc trong Hội đồng An ninh quốc gia, hoặc giúp quản lý đường dây liên lạc an toàn, như cuộc gọi giữa tổng thống với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Nguồn thạo tin cho biết, người tố cáo không thuộc nhóm truyền thông phụ trách các cuộc gọi này. Sĩ quan của CIA cũng không trực tiếp nghe được cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, nhưng anh ta biết về cuộc gọi “trong quá trình làm việc liên ngành chính thức”.

Tổng thống Trump hôm 26-9 nói rằng, bất cứ ai tố cáo về cuộc gọi của ông với Tổng thống Ukraine cũng gần như làm gián điệp. Theo CNN, ông Trump nói điều này với các nhân viên của phái đoàn đại diện Mỹ tại Liên hợp quốc.

Người tố cáo nói rằng, Nhà Trắng đã phong tỏa các bản đánh máy nội dung cuộc gọi của ông Trump trong một hệ thống mã hóa vì mục đích chính trị chứ không phải để bảo mật các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.

Thế nhưng, luật sư của người tố cáo lại từ chối xác nhận thông tin liên quan đến CIA và cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu công bố danh tính. “Bất kỳ thông tin nào giúp nhận dạng người tố cáo đều là liều lĩnh và gây quan ngại sâu sắc vì nó có thể gây tổn hại cho cá nhân người đó. Người tố cáo có quyền ẩn danh” - ông Andrew Bakaj (cố vấn chính của người này) nói.

Tổng thống Trump hôm 26-9 lên tiếng rằng, bất cứ ai tố cáo về cuộc gọi của ông với Tổng thống Ukraine cũng gần như làm gián điệp. Theo CNN, ông Trump nói điều này với các nhân viên của phái đoàn đại diện Mỹ tại Liên hợp quốc.

Tiền lệ xấu với đối ngoại của nước Mỹ

Cũng trong ngày 26-9, ông Joseph Maguire - quyền Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia đã phải điều trần trước Quốc hội về lá thư của người tố cáo. Ông Joseph Maguire khẳng định, bảo vệ người khiếu nại tố cáo là ưu tiên cao nhất của cơ quan này. “Chúng tôi phải bảo vệ những người thể hiện lòng can đảm để báo cáo những hành vi sai trái, dù là trên chiến trường hay tại nơi làm việc”, ông Maguire nói.

Về mặt quy trình sau khi nhận được đơn tố giác, ông Maguire có 7 ngày xem xét để chuyển đơn đến các Ủy ban tình báo Quốc hội. Tuy nhiên, ông Joseph Maguire đã không gửi vì cho rằng, dù nhận thức được tầm quan trọng của nội dung tố cáo, nhưng cuộc điện đàm giữa các nguyên thủ là đặc quyền nên ông có thẩm quyền từ chối, không chuyển đơn.

Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump dẫn đến việc công bố toàn bộ nội dung điện đàm. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, đây là một tiền lệ không tốt. Theo đó, các nguyên thủ quốc gia phải được trao đổi thẳng thắn với nhau và họ chỉ làm như vậy nếu có sự đảm bảo 100% những gì mình nói được giữ bí mật và không rò rỉ ra bên ngoài. Nhưng khi đồng ý công bố nội dung điện đàm với Tổng thống Ukraine, ông Trump đang phá đi sự tin tưởng đó.

“Đây là một sai lầm lớn, một tiền lệ kinh khủng vì không lãnh đạo nước ngoài nào trong tương lai sẽ nói chuyện thẳng thắn với Tổng thống trong bất kỳ cuộc gọi nào. Các Tổng thống cần có quyền ngoại giao riêng tư” - ông Michael McFaul, người từng làm Đại sứ Mỹ tại Nga viết trên Twitter. Bởi vậy, sau sự kiện này, ông Trump có lẽ sẽ khó nói chuyện với đồng minh hay nguyên thủ các quốc gia khác về các vấn đề chính trị và ngoại giao nhạy cảm.

Yến Chi (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/ai-la-nguoi-khuay-len-vu-be-boi-dien-dam-giua-ong-donald-trump-va-tong-thong-ukraine/827053.antd