Ai làm Chủ tịch VFF khóa tới thì tốt hơn cả?

VFF trước thềm Đại hội khóa 8 giống như một đội bóng không có nhạc trưởng nên có khá nhiều chuyện lùm xùm. Ai làm Chủ tịch VFF khóa tới thì tốt hơn cả? BLV kỳ cựu Quang Huy nêu quan điểm của mình với KTGĐ!

BLV Quang Huy

Trước thềm Đại hội VFF khóa 8, anh có thấy vấn đề nhân sự đang được đặt ra khá... sôi nổi?

Với cá nhân tôi, sự sôi nổi này hơi buồn, bởi nó xuất phát từ những chuyện không rõ ràng. Không rõ ràng như thế nào thì ông Đoàn Nguyên Đức nêu trực tiếp tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành VFF khóa 7 hôm 16/3. Và những gì ông Đức nói, rất buồn là không có ai ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phản biện được. Điều ấy chứng tỏ ông Đức không hề nói sai.

Không chỉ ông Đức nói, báo chí cũng nói rất nhiều song tất cả lại đang chọn giải pháp im lặng.

Thế thì đâu phải là sôi nổi? Nói thực, trong mắt tôi cho đến thời điểm này, không có ứng cử viên Chủ tịch VFF nào là nặng ký cả. Điều này cũng xuất phát từ những việc không rõ ràng.

Thành công của U23 Việt Nam nói riêng tại giải U23 châu Á và bóng đá trẻ nói trung trong những năm qua đang tạo đà cho bóng đá Việt Nam bứt lên. Thế nhưng anh có lo ngại những diễn biến trước thềm Đại hội VFF khóa 8 sẽ là cho mọi thứ chậm lại?

Đúng thế. Rất lãng phí. Sau thành công của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018, nhiều người có khả năng đã thấy được sự khởi sắc của bóng đá nước nhà, thấy được bóng đá có thể tạo ảnh hưởng như thế nào, nên cũng muốn đến với bóng đá. Nhưng như đã nói, những diễn biến không rõ ràng của Tiểu ban nhân sự đang làm cho những người tâm huyết, muốn cống hiến, đóng góp cảm thấy oải.

Không có được ứng viên nặng ký trong mắt mình. Nhưng trong 4 ứng viên gồm Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa và nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT 2 (TP.HCM) Lê Quý Phượng, nếu phải chọn, anh chọn ai?

Theo quan điểm của tôi, ở thời điểm này, ông Nguyễn Công Khế làm Chủ tịch VFF là tốt hơn cả, bởi ít nhiều ông Khế có sự gắn bó với VFF trong vai trò người tổ chức những giải đấu trẻ. Ông Khế cũng là người sẵn sàng chịu những áp lực.

Còn với anh Trần Quốc Tuấn, có một lần tôi đã trao đổi trực tiếp với anh ấy rằng, tôi tự thấy anh Tuấn ở thời điểm này tiếp tục làm Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn sẽ phát huy được nhiều hơn. Dù sao anh Tuấn cũng còn trẻ, còn nhiều cơ hội ở phía trước.

Người ta chờ đợi các ứng viên Chủ tịch VFF khi ra tranh cử đều có đề án, mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam rõ ràng nhưng lâu nay ở VFF dường như không có tiền lệ. Hiện tại 4 ứng viên chủ tịch khóa 8 cũng không nói tới điều này. Anh có cho rằng đây là cách làm không chuyên nghiệp và dẫn đến sau này, mọi thứ không rõ ràng?

Khóa 7 thì ông Lê Hùng Dũng gặp vấn đề sức khỏe nên không thể thực hiện được hết những gì ông tuyên bố. Nhưng nhìn rộng ra ở Việt Nam, thì đây là tình trạng chung của những người đứng đầu các Liên đoàn. Điều này xuất phát từ việc họ không có nhiều quỹ thời gian dành cho môn đấu của mình. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối.

Nói tới quỹ thời gian, vậy nên chăng chúng ta ủng hộ những người về hưu lên làm?

Không! Tôi ủng hộ những người đang đương chức bởi như thế tầm ảnh hưởng mới mạnh được. Suy cho cùng, những người đứng đầu Liên đoàn như bóng đá cần tạo ra ảnh hưởng. Với đặc thù Việt Nam ta, nếu về hưu là mất tầm ảnh hưởng, trừ khi quá giàu.

Ai sẽ là Chủ tịch VFF khóa 8?

Một vị trí tôi cho rằng cũng quan trọng và là tâm điểm của báo giới những ngày qua là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính với ứng viên duy nhất là ông Trần Anh Tú, người bị bầu Đức công khai chỉ trích ôm đồm quá nhiều chức, thậm chí ông Đức dùng từ “thao túng” bóng đá. Quan điểm của anh thế nào?

Dưới góc độ của tôi, tôi khẳng định luôn anh Trần Anh Tú là một người có tâm huyết với bóng đá, có đóng góp nhiều cho bóng đá, đặc biệt mảng futsal. Bản thân bóng đá TP.HCM anh Tú cũng tâm huyết và có những đóng góp nhất định.

Tuy nhiên, đúng như ông Đoàn Nguyên Đức nói, anh Tú giữ nhiều vị trí khác nhau ở VPF, VFF là không nên. Và không ai có đủ thời gian làm cho tốt được.

Cũng bởi vậy, việc anh Tú rút bớt chức danh là điều hợp lý và cần thiết. Nó cũng phản ánh tinh thần cầu thị của anh ấy.

Với cá nhân tôi, nếu anh Đức không làm Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính thì anh Tú làm cũng được.

Nói tới chuyện bầu Đức và bầu Tú, anh có thấy đây là điển hình cho một VFF mất đoàn kết?

Không! Tôi thấy đây là hệ quả của một giai đoạn dài VFF thiếu người cầm trịch thì đúng hơn. Ông Lê Hùng Dũng là một doanh nhân tâm huyết, có nhiều công lao nhưng sức khỏe không đảm bảo nên không canh được mọi việc.

Có thể anh em đều nỗ lực nhưng giống như một đội bóng không có nhạc trưởng và bạ ông nào, ông ấy đá thôi.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

HÀ THÀNH (Kiến thức gia đình số 13)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ai-lam-chu-tich-vff-khoa-toi-thi-tot-hon-ca-post215461.html